4 ngày nghỉ lễ: Số vụ tai nạn giao thông tăng, đua xe trái phép nhiều

Theo thống kê, sau 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, số người chết vì TNGT giảm, nhưng số vụ lại tăng lên. Đặc biệt, nạn đua xe trái phép ở nhiều địa phương.

 

Chiều tối ngày 3/5, Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5/2020.

Theo báo cáo, trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 và nghỉ cuối tuần, tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giảm so với 4 ngày của kỳ nghỉ lễ năm 2019. Đặc biệt, nhen nhóm tình trạng đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ tại nhiều địa phương.

Tăng số vụ nhưng giảm số người chết do tai nạn giao thông

Theo báo cáo, trong kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày qua (từ 30/4-3/5), toàn quốc xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 79 người, bị thương 76 người. So sánh với 4 ngày của kỳ nghỉ lễ năm 2019, tăng 18 vụ nhưng giảm 2 người chết và giảm 2 người bị thương. Trong số này, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 132 vụ, làm chết 79 người, bị thương 75 người, thiệt hại tài sản ước tính ban đầu khoảng 1,23 tỷ đồng.

So với 4 ngày của kỳ nghỉ lễ năm 2019, tai nạn giao thông đường bộ tăng 22 vụ, số người chết không tăng không giảm, số người bị thương giảm 4 người. Kỳ nghỉ vừa qua không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Qua thống kê, phân tích cho thấy, tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe môtô, xe máy chiếm tỷ lệ cao nhất (60,96%).

Nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông chủ yếu là do lỗi của người điều khiển phương tiện như đi không đúng phần đường, làn đường; không chú ý quan sát gây tai nạn; chuyển hướng không đúng quy định; sử dụng rượu, bia; vi phạm tốc độ; không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước.

Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ (chiếm 34,09%), tỉnh lộ chiếm 22,72% và đường huyện (chiếm 17,44%). Có đến 43,18% số vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khung giờ từ 18-24 giờ.

Trong kỳ nghỉ lễ, trên tuyến đường sắt xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông, làm bị thương 1 người. So với 4 ngày nghỉ lễ năm 2019 giảm 4 vụ, giảm 2 người chết. Tai nạn giao thông đường thủy nội địa không xảy ra.

Nhiều địa phương có hiện tượng đua xe trái phép

Trong 4 ngày nghỉ lễ, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 29.172 trường hợp vi phạm (trong đó có 1.830 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 3 trường hợp dương tính với ma túy); phạt tiền hơn 13 tỷ 631 triệu đồng; tạm giữ 204 ô tô, 4848 mô tô, tước giấy phép lái xe 1512 trường hợp. So với 4 ngày nghỉ lễ của năm 2019 tăng 14.924 trường hợp (104,7%).

Trong đó đường bộ đã kiểm tra, phát hiện xử lý 28.426 trường hợp, phạt tiền hơn 13 tỷ 270 triệu đồng.

Đường thủy đã kiểm tra, xử lý 746 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 360 triệu đồng.

Điều đáng quan ngại là tình trạng tụ tập chạy xe tốc độ cao, đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, chống lại lực lượng thi hành công vụ vẫn còn xảy ra tại khá nhiều địa phương trong kỳ nghỉ lễ này, đặc biệt là ở các địa phương phía Nam.

Vào lúc 4 giờ 30, ngày 30/4, tại Km 38+200, Quốc lộ 51 thuộc phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một nhóm thanh niên tụ tập rú ga, nẹt pô, chạy quá tốc độ, có dấu hiệu đua xe trái phép.

Cảnh sát giao thông xử lý một vụ TNGT tại Đà Lạt trong kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay.

Các lực lượng chức năng của Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức giải tán nhóm thanh, thiếu niên trên, tạm giữ 9 xe môtô, 1 người điều khiển môtô.

Cùng ngày, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hải Phòng đã phối hợp với Công an quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đã kiểm tra xử lý 21 đối tượng thanh, thiếu niên (độ tuổi từ 14 đến 18) vi phạm điều khiển xe môtô không đội mũ bảo hiểm, một số phương tiện không có biển kiểm soát, chạy tốc độ cao trên tuyến, địa bàn quận Đồ Sơn, tạm giữ 21 phương tiện.

Ngày 1/5, lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang đã tổ chức triển khai phương án chặn dừng, bắt giữ 15 xe môtô, 15 đối tượng có liên quan đến 2 nhóm thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển mô tô chạy với tốc độ cao tại Km 06, quốc lộ 30, thuộc ấp 1, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè và Km 1989, quốc lộ 1, thuộc phường Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy.

Trong số xe bị giữ, nhiều xe đã thay đổi kiểu dáng, dung tích xilanh. Cũng trong ngày 1/5, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh An Giang đã phát hiện, xử lý 1 nhóm thanh, thiếu niên tụ tập có biểu hiện đua xe trái phép; tạm giữ 23 đối tượng, 31 xe môtô thay đổi hình dáng, kết cấu, đặc tính... để xử lý theo quy định.

Kết quả, CSGT các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, An Giang, Trà Vinh, Tiền Giang và Lâm Đồng đã ngăn chặn kịp thời 14 vụ tụ tập đua xe trái phép, xử lý 283 đối tượng (trong đó có 3 đối tượng dương tính với chất ma túy), tạm giữ 238 xe.

Báo cáo cũng cho biết, có hai vụ chống lại Cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ tại Đồng Nai và Tiền Giang, làm bị thương 2 cán bộ. Vụ thứ nhất xảy ra tại Đồng Nai vào ngày 1/5.

Tuyến đường bộ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ  ùn tắc cả trước và sau nghỉ lễ 30/4.

Xuất hiện ùn tắc trên…cao tốc

Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, sau những ngày cách ly xã hội, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, người dân đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn đã về quê hoặc đi nghỉ lễ làm lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao từ chiều ngày 29/4 và sáng 30/4 dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tại các tuyến đường cửa ngõ của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt…

Ngày 01/5, trên tuyến đường bộ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (hướng Hà Nội đi Ninh Bình) nhiều phương tiện gặp sự cố từ Km 182 đến Km 203; Tuyến Long Thành - Dầu Giây (khu vực trạm thu phí Long Phước và cầu Long Thành hướng TP. Hồ Chí Minh đi Dầu Giây) lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến gây ùn ứ.

Cuối giờ chiều ngày 29/04/2020, hàng vạn công nhân làm việc tại Bình Dương về quê ở miền Tây nghỉ lễ khiến giao thông trên tuyến đường Huỳnh Văn Cừ từ TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đến cầu Phú Cường, giáp ranh huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh kẹt cứng.

Đến 22h tình hình kẹt xe vẫn còn, khiến các lực lượng chức năng của huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh phải vất vả phân luồng chống ùn tắc. Nhiều tuyến đường nội thành như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh và trên cầu Bình Triệu cũng xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài.

Ngày 30/4/2020 xảy ra 2 vụ ùn ứ tại cầu Rạch Miễu hướng đi Bến Tre, Tiền Giang và tỉnh lộ 8 - Hà Duy Phiên hướng TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương. Nguyên nhân do phương tiện giao thông đông.

Còn tại Hà Nội, ngay trong sáng ngày nghỉ lễ đầu tiên (30/4), các tuyến đường của thành phố đã có đông người và phương tiện. Trên các tuyến đường cửa ngõ của thủ đô như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, vành đai 3 trên cao, Giải Phóng, các tuyến đường xung quanh các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình,…lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc cục bộ, tuy nhiên các lực lượng chức năng đã tăng cường phân luồng giao thông đảm bảo giao thông được thông suốt, không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thôngtrên diện rộng.

Xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các cửa ngõ phía Nam của Hà Nội sáng 30/4/2020 do người dân đổ về quê nghỉ lễ.

Đáng chú ý, tại 2 điểm du lịch là Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng) năm nay đều xảy ra ùn tắc kéo dài. Nhất là khu vực đèo Bảo Lộc, ùn tắc kéo dài cả chục km.

Lượng du khách đến Đà Lạt (Lâm Đồng) tham quan, nghỉ dưỡng tăng từng ngày khiến đường lên bị ùn tắc kéo dài.

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nhưng theo báo cáo, phần lớn hành khách, người tham gia giao thông tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang, khai báo y tế, giãn cách xã hội...

Tại các bến xe, hành khách đều được yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi lên xe nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho mình, lái xe và hành khách trên xe./.

Phi Long/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận