Như vậy sẽ có hàng vạn người dưới 18 tuổi đang điều khiển xe dưới 50 phân khối phải tham gia đào tạo để được cấp giấy phép theo quy định.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển xe gắn máy dưới 50cm3 không cần giấy phép lái xe. Do vậy, rất nhiều trường hợp cha mẹ học sinh sẵn sàng bỏ tiền mua xe cho con để tự đến trường.
Nhưng thực tế, không ít trường hợp các em học sinh thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện cơ giới, gây hoang mang cho người tham gia giao thông khác. Thống kê của UBATGTQG cũng cho thấy, 90% số vụ TNGT đối với trẻ em trong những năm gần đây là rơi vào nhóm từ 16 - 18 tuổi.
Tại khoản 2, Điều 62, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Bộ Công an đưa ra mới đây, người lái xe gắn máy, kể cả xe máy điện có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không quá 4kw phải được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A0. Điểm a, Khoản 1, Điều 63 dự thảo Luật cũng quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được cấp giấp phép lái xe hạng A0.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc trung tâm đào tạo lái xe Lạc Hồng (Hà Nội) cho biết, quân mỗi tháng, đơn vị tổ chức khoảng 4 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô, với khoảng 600-800 học viên. Với năng lực và lưu lượng đào tạo hiện nay, việc có thêm lứa tuổi từ 16-18 tuổi đào tạo lái xe không phải vấn đề lớn nếu được rải đều hằng năm, không bị dồn ứ vào một thời điểm nhất định.
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề, sát hạch lái xe Đông Đô cũng cho biết, từ thực tế trong công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô tại đơn vị cho thấy, bản thân người học cũng có tâm lý học rất qua loa, trong khi các em rất thiếu kỹ năng tham gia giao thông trên đường.
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT soạn thảo dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5 này cũng quy định, người điều khiển mô tô dưới 50cm3 phải được cấp giấy phép lái xe. Điều này cũng phù hợp với các Công ước quốc tế cũng như thực tế TNGT tại Việt Nam.
TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng UBATGTQG cũng cho rằng, thực tế tham gia giao thông của đối tượng học sinh khi điều khiển xe máy dưới 50 cm3, xe máy điện và tình hình TNGT cho thấy, việc bắt buộc người điều khiển những phương tiện này có giấy phép lái xe là cần thiết. Tuy vậy, việc triển khai cần được tính toán kỹ để ít ảnh hưởng nhất đến các bậc phụ huynh, người giám hộ và bản thân các em học sinh:
Thống kê của sở GTVT Hà Nội cho thấy, mỗi tháng, đơn vị này tổ chức được khoảng 15-18 kỳ sát hạch, qua đó cấp được khoảng 3.000-3.500 giấy phép lái xe mô tô.
Từ thực tế công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX trên địa bàn, một cán bộ Sở GTVT Hà Nội cho biết, nếu thêm đối tượng từ 16 tuổi trở lên tham gia đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô thì hàng năm sẽ có thêm một số lượng lớn học viên, trở thành áp lực đối với cơ quan quản lý và người tham gia giao thông.
Việc bắt buộc người điều khiển xe gắn máy dược 50 cm3, xe máy điện là cần thiết. Song, dưới góc nhìn của VOVGT, lâu nay, việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô thực hiện còn lỏng lẻo, nên với việc thêm hàng vạn trường hợp từ 16 đến 18 tuổi cần được cấp bằng lái, cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch.
Nếu ngay từ đầu việc sát hạch không nghiêm túc, khó có thể hình thành ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông ngoài đường:
Đừng để những tấm bằng chỉ là thủ tục
Tục ngữ có câu, muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Để biết điều khiển một chiếc xe máy, không khó, thậm chí còn dễ hơn nhiều so với tập xe đạp. Nhưng tai nạn giao thông liên quan đến xe máy vẫn chiếm tới khoảng 70% tổng số vụ TNGT hàng năm ở nước ta.
Ngoài những yếu tố khách quan hoặc lỗi của người điều khiển phương tiện khác, thì một lý do rất phổ biến đến từ chính người đi mô tô, xe máy, đó là chỉ “hỏi” để “biết cách” điều khiển chiếc xe chạy trên đường, chứ không “học” để nắm vững và thực hành tốt các nguyên tắc lái xe an toàn.
Ở Việt Nam, những ai từng học lái xe ô tô hầu như đều thuộc một nguyên tắc nằm lòng, đó là muốn lái được xe hơi trên đường thì nhất định phải biết cách tránh xe máy! Nghe có vẻ khôi hài, nhưng đó là sự thật. Trong một nền giao thông hỗn hợp, những vạch kẻ đường gần như không có ý nghĩa đối với người đi xe hai bánh.
Họ có thể “làm xiếc” trên làn ô tô, hồn nhiên cắt mặt, tạt đầu, luồn lách từ làn này qua làn nọ, không ngại nêm vào cả những điểm mù của những chiếc xe tải, xe khách cồng kềnh. Rồi vượt đèn đỏ, dừng bất thình lình, rẽ không báo trước, v.v. Nếu không thuộc tình huống, người lái xe ô tô hoặc sẽ thường xuyên đối mặt nguy cơ “tai bay vạ gió”, hoặc liên tục stress sau vô lăng.
Những người có học và có thi lấy bằng lái xe máy còn như vậy, dĩ nhiên, người điều khiển xe không trong diện phải có bằng lái lâu nay, như các loại xe dưới 50 phân khối, xe máy điện, xe đạp điện, sẽ chỉ tham gia giao thông bằng “niềm tin” là chính.
Trong khi, nguy cơ TNGT lại không phụ thuộc vào niềm tin, mà quyết định phần lớn bởi hiểu biết và kỹ năng an toàn của người điều khiển phương tiện.
Việc giáo dục ATGT đã được thực hiện trong các nhà trường lâu nay, nhưng thường chỉ được lồng ghép trong giờ học ngoại khóa, hay các buổi nói chuyện chuyên đề tổ chức thưa thớt. Lên cấp 2, cấp 3, khi áp lực học tập tăng cao, đến cả những giờ ngoại khóa cũng trở nên khó khăn.
Về phía gia đình, không phải bố mẹ nào cũng sát sao hướng dẫn, nhắc nhở, tập huấn cho các em về kỹ năng giao thông an toàn. Trong khi đó, đây chính là độ tuổi các em ngày càng chủ động nhiều hơn trong việc đi lại. TNGT vì thế tiềm ẩn mức rất cao đối với nhóm tuổi này.
Do đó, việc yêu cầu phải học và thi lấy bằng lái xe đối với nhóm phương tiện dưới 50 phân khối là cần thiết. Không chỉ phù hợp với xu hướng trên thế giới, mà điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông một bài bản, có hệ thống cho người trẻ ở độ tuổi vị thành niên, để họ hiểu lý do và chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình. Quy định này cũng sẽ gắn trách nhiệm của người lớn để không thể chủ quan, tùy tiện giao xe cho con em mình như trước.
Song, từ dự thảo đến hiện thực hóa một quy định, sẽ cần nhiều sự chuẩn bị kỹ lưỡng, để có lộ trình phù hợp, cách làm phù hợp, tránh gây các xáo trộn, áp lực không đáng có cho cả người học, người thi cũng như các cơ quan chức năng.
Điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để quy định này phát huy tác dụng như các nhà dự thảo và cả xã hội mong đợi. Bởi, thái độ khinh nhờn luật pháp luật, thiếu tôn trọng cộng đồng ở người trưởng thành khi tham gia giao thông đã là đáng sợ.
Thái độ này nếu xuất hiện trong quá trình định hình nhân cách của người trẻ thì lại càng đáng lo hơn, giống như những nếp gấp đã hằn in, gần như không thể xóa.
Và, khả năng đó rất dễ xảy ra, nếu việc học và thi giấy phép lái xe dưới 50 phân khối được làm một cách qua loa dễ dãi, nếu những tấm bằng chỉ để hợp thức hóa điều kiện lái xe./.
Kiều Tuyết - Quách Đồng/VOVgiaothong.vn