Nguyễn Đình Hương – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, là cái tên không thể thiếu trong danh bạ điện thoại của các phóng viên, nhà báo viết mảng nội chính. Trước mỗi sự kiện của Đảng, khi cần những ý kiến phân tích, bình luận khách quan, chính xác, sắc sảo, mạnh mẽ, cánh phóng viên nhà báo luôn nghĩ đến ông. Nhà báo Lê Thọ Bình, người đã từng có nhiều bài phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương, cho rằng, những người từng làm việc và quen biết ông Hương lâu năm đều có chung một nhận xét, ông là người lòng dạ ngay thẳng, bộc trực, liêm khiết và “không thể mua chuộc”.
Ở tuổi 90 với hơn 70 năm tuổi Đảng, 55 năm gắn bó với công tác tổ chức Đảng, ông Nguyễn Đình Hương luôn đau đáu một tâm niệm: “Từ ngày mới được kết nạp Đảng đến nay, tôi luôn xác định con đường của Đảng chính là con đường mà mình lựa chọn và phấn đấu hết mình, góp một phần nhỏ bé của mình để nâng cao sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao công tác tổ chức cán bộ, đấu tranh với các hiện tượng suy thoái, tham nhũng còn tồn tại”.
Điều đó cũng lý giải vì sao khi trả lời phỏng vấn về những vấn đề chính trị cực kỳ nhạy cảm, thậm chí với một số người, những vấn đề như thế không dễ gì để nói ra, nhưng ông lại luôn có câu trả lời rất rõ ràng, rành mạch, đi thẳng vào nội dung phóng viên đặt ra. Ngược lại, báo chí tìm đến ông bởi sự tin tưởng vào trí tuệ, tiếng nói trung thực, vô tư và khách quan của ông.
Ở vị trí ông từng đảm trách, người ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng ông và gia đình phải sống trong nhà lầu, đi xe hơi. Đúng như lời ông từng có lần tâm sự với nhà báo Lê Thọ Bình “nếu muốn có nhà lầu, xe hơi tôi chỉ cần bỏ đi vài trang tài liệu" (vụ việc có liên quan đến một Ủy viên Bộ Chính trị bị tố cáo mà ông Hương là người trực tiếp được giao đi xác minh - PV. Ông cũng từng thừa nhận không ít tổ chức, cá nhân gợi ý bố trí biệt thự cho ông ở Hà Nội, TPHCM, thậm chí cả ở Vũng Tàu nhưng ông đều từ chối bởi “mình sống đạm bạc quen rồi. Nhu cầu ăn ở cũng chỉ chừng này là đủ”. Ông Hương và vợ lâu nay vẫn sống trong căn nhà tập thể cũ trong một ngách hẹp trên phố Đội Cấn.
Nhận xét về “nhà tổ chức” Nguyễn Đình Hương, Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, gọi ông là một "cuốn từ điển sống" về công tác tổ chức của Đảng.
“Ông Nguyễn Đình Hương đứng ở trung tâm công tác tổ chức của Đảng, trung tâm những chuyển động xã hội, nhất là trước những biến động lớn của đất nước. Ông không chỉ là một chứng nhân mà còn tham gia vào những sự kiện lớn của đất nước: công tác tổ chức, bộ máy, nhân sự, lựa chọn các phương án. Vì thế, ông thực sự là nhà cách mạng, nhà lãnh đạo ở cấp vĩ mô. Qua rất nhiều kỳ Đại hội Đảng khi còn đương chức và về hưu, tiếng nói của ông đã góp vào tư duy và trí tuệ chung của Đảng. Từ đó, chúng ta có được một bộ máy và nhân sự tốt - nhân tố đầu tiên quyết định thắng lợi của Đảng, của đất nước”, Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Còn Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ lại nhấn mạnh rằng “chân thật, thẳng thắn, cương trực là những phẩm chất cần thiết của người làm công tác tổ chức của Đảng. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng tiếng nói của ông Nguyễn Đình Hương vẫn có trọng lượng.
“Chúng tôi học ông ở sự trung thực, thẳng thắn, trách nhiệm với công việc. Kính trọng ông Nguyễn Đình Hương ở công việc. Bởi thời nay làm cán bộ, chúng tôi có thể sướng hơn các bác về điều kiện làm việc, cơ sở vật chất nhưng rất khó bởi có quá nhiều cám dỗ, thời các bác cũng có nhưng nhỏ thôi, những cám dỗ bây giờ lớn lắm. Chúng ta cũng đã biết có những cán bộ nhận hối lộ cả hàng triệu đô. Làm sao để cả khi đương chức cũng như lúc về hưu, phải là một chứ không phải hai. Khi đương chức, phải gồng mình lên cho vừa cái áo để làm việc với mọi người, nhưng về hưu rồi thì đổi khác, thậm chí không có trách nhiệm với người thân, thậm chí với đất nước, với xã hội. Tôi nghĩ đó là những bài học tiêu biểu mà chúng tôi đã học được từ bác Nguyễn Đình Hương và những người tiêu biểu đi trước và cũng luôn răn mình rằng mình còn có những khuyết điểm, những hạn chế nhưng phải cố gắng giữ gìn để làm sao trong con mắt mọi người, giá trị của bản thân mình luôn được đánh giá đúng”, Tổng Giám đốc Đài TNVN chia sẻ.
Để tri ân những tâm huyết của ông Nguyễn Đình Hương, mới đây, Nhà báo Lê Thọ Bình cùng nhóm biên soạn đã tập hợp các bài báo ông Hương từng trả lời phỏng vấn trong nhiều năm qua để cho ra mắt cuốn sách “Nguyễn Đình Hương – Người con của non sông đất nước”.
“Qua cuốn sách, có thể hiểu được phần nào bản lĩnh chính trị sâu sắc, tâm huyết và những đóng góp không biết mệt mỏi của ông Nguyễn Đình Hương cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và sự phát triển bền vững của đất nước”, chia sẻ của ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Xúc động đón nhận món quà tinh thần vào đúng dịp tròn 90 tuổi, ông Nguyễn Đình Hương cảm ơn bạn bè, người thân, các vị lãnh đạo và các nhà báo, cơ quan thông tấn, báo chí đã có mặt trong buổi lễ ra mắt sách. Ông cũng không quên trao đổi về vấn đề đấu tranh chống tham nhũng hiện nay. “Để nảy sinh vấn đề tiêu cực, có các lý do chính, đó là: Người có chức, có quyền; bố làm to, đồng hương và cơ quan, tổ chức. Vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ cao cấp có biểu hiện tiêu cực, quan liêu, cần phải xử lý triệt để”, ông Hương bày tỏ./.