Sáng 21/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức họp báo trực tuyến, theo đó thông báo về diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở khu vực, các biện pháp WHO ứng phó cũng như những tình huống mà các quốc gia sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Theo ông Takeshi Kasai - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, tính đến 20/4, dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện ở 22 quốc gia thuộc khu vực, đã ghi nhận 132.438 ca mắc Covid-19, 5.648 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong là 4,26%.
Ông Kasai bày tỏ sự quan ngại về tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại một số điểm nóng trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, đồng thời đánh giá cao nỗ lực chống dịch của một số nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Kasai đã chia sẻ khó khăn của các quốc gia và người dân trong khu vực nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Ông cho rằng, các biện pháp phong tỏa đã chứng minh là có hiệu quả và người dân cần sẵn sàng thích nghi một lối sống mới để xã hội tiếp tục vận hành trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát.
"Cho đến khi tìm ra vắc-xin, quá trình thích nghi với đại dịch sẽ trở thành điều bình thường mới của chúng ta", ông Kasai cảnh báo.
Về công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương nhận định: “Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương”. Theo thống kê của WHO, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ ca mắc Covid-19 trên tổng dân số thấp thứ 2 của khu vực Tây Thái Bình Dương, với tỷ lệ 3 ca bệnh/1000.000 dân.
Ông Kasai khẳng định: "Theo những gì chúng tôi ghi nhận, Việt Nam đã đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn".
Việt Nam không chỉ học hỏi và cập nhật kế hoạch ứng phó dịch bệnh Covid-19 qua từng diễn biến mới của dịch mà còn thực hiện xét nghiệm, truy tìm các đối tượng tiếp xúc với người bệnh, ông Kasai cho biết. Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cũng thẳn thắn đưa ra khuyến cáo rằng: “Việt Nam nên cẩn trọng xem xét bắt đầu tháo dỡ hạn chế như thế nào. Không nên là tất cả cùng lúc”.
Ông Kasai cho rằng, việc nới lỏng, dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội cần dựa trên các yếu tố như dữ liệu thực tế về dịch Covid-19, khả năng nhận thức của người dân về dịch bệnh, và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, cũng như khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế./.
PV