Ngày 20/4, GS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia thông báo hoàn thành đề cương thử nghiệm sử dụng vaccine BCG trong phòng chống COVID-19.
Nghiên cứu được Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) giao Bệnh viện Phổi Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp thực hiện.
Nghiên cứu nhằm tìm hiểu xem liệu vaccine BCG có thể giúp làm giảm mức độ tổn thương phổi cho bệnh nhân COVID-19 hay không. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đưa ra đối chiếu mức độ triệu chứng của các nhóm bệnh nhân tiêm BCG với các nhóm khác. Từ đó, các chuyên gia hy vọng đưa ra phương pháp phòng ngừa được COVID-19.
GS Nhung cho biết, vừa qua, nhiều nhà khoa học nhận thấy mức độ ảnh hưởng ở một số quốc gia có triển khai chương trình tiêm vaccine phòng lao BCG phổ cập cho trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi nhẹ hơn so với các quốc gia không có chương trình này. Việc tiêm chủng BCG có thể giúp điều hoà miễn dịch tự nhiên với một số nhiễm trùng đường hô hấp.
Thậm chí, một số nước cho nghiên cứu mối liên quan giữa BGC và tỷ lệ người chết do COVID-19. Dù vậy chưa quốc gia nào khẳng định tiêm loại vaccine này sẽ giúp bảo vệ cơ thể tuyệt đối trước virus corona.
Trên thế giới, Úc và Hà Lan là 2 quốc gia thử nghiêm tiêm thử vaccine trên các nhân viên y tế. Mỹ đang trong quá trình đánh giá tác động của BCG, nếu cho kết quả khả quan, 4.000 nhân viên y tế nước này sẽ được thử nghiệm loại vaccine trên.
“Tại Việt Nam, vaccine phòng bệnh lao BCG được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Việt Nam từ hơn 30 năm nay.
Đề cương trình Bộ Y tế lần này sẽ có 800 nhân viên y tế ở 2 bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tham gia. Một tỷ lệ trong nhóm này sẽ được tiêm vaccine BCG để đánh giá, nghiên cứu mối liên quan giữa dịch COVID-19 với BCG.
Chúng tôi cũng đề xuất thực hiện nghiên cứu tương tự tại các nước ở khối Pháp ngữ, ví dụ như Campuchia. Tuy nhiên, đề cương vẫn đang trong thời gian đợi Bộ phê duyệt”, GS Nhung nói.
Tuyệt đối không dùng BCG bừa bãi
GS.TS Nguyễn Viết Nhung thông tin, hiện trên thế giới vẫn chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh mối liên quan giữa tiêm chủng vaccine phòng lao BCG với dịch COVID-19. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo, tuyệt đối không được sử dụng loại vaccine này bừa bãi, tránh những biến chứng nguy hiểm.
“Đây là vấn đề vẫn còn đang cần được nghiên cứu, tuyệt đối không được tiêm vaccine BCG cho người lớn hoặc tiêm không đúng chỉ định. Việc làm này sẽ gây ra những phản ứng không mong muốn”, GS Nhung khuyến cáo.
Liên quan đến việc sử dụng BCG, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa có thông báo về việc chưa đủ bằng chứng vaccine này làm giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ người chết hay có tác động tốt hay xấu với dịch COVID-19 để cảnh báo mọi người.
Tại Việt Nam, đề cương nghiên cứu cũng đang ở giai đoạn phê duyệt. Do đó, người dân càng cần phải tỉnh táo, không nên quá lo sợ dịch COVID-19 mà sử dụng bừa bãi.
“Dù Việt Nam có triển khai nghiên cứu thì người dân cũng không được tiêm vaccine cho người lớn. Gần đây tại Nhật Bản cũng có thanh niên gặp biến chứng sau khi tiêm BCG để phòng COVID-19. Tại nước ta, BCG chỉ được khuyến cáo tiêm cho trẻ sơ sinh 1 tháng sau sinh mà không khuyến khích việc tiêm nhắc lại”, GS Nhung cảnh báo./.
Theo Phạm Quý/VTCNews