Trong số các nhóm đối tượng được thụ hưởng từ Gói an sinh xã hội 62.000 tỷ theo Nghị quyết của Chính phủ, thì nhóm lao động tự do được đánh giá là nhóm khó chi trả nhất, bởi rất khó để xác định tiêu chí công việc của họ. Thế nhưng, đây lại là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, bị tác động sâu nhất bởi dịch Covid-19. Vì vậy, “khó mấy chúng ta cũng phải làm”. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh-Xã hội Đào Ngọc Dung trong nội dung của cuộc trao đổi với phóng viên VOV.
PV: Thưa Bộ trưởng, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, song điều mà các nhóm đối tượng thuộc diện thụ hưởng quan tâm nhất lúc này là khi nào họ sẽ nhận được tiền hỗ trợ. Vậy, Bộ trưởng có thể chia sẻ và thông tin về tiến độ triển khai của gói hỗ trợ này để người dân được biết?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ngoài việc mà yêu cầu phải triển khai đúng đối tượng, công khai, minh bạch, thì các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều yêu cầu là phải triển khai rất nhanh đến tay người thụ hưởng. Không được để tình trạng lòng vòng. Không được để độ trễ chính sách. Với tư tưởng ấy, chúng tôi đang phấn đấu làm sao về cơ bản trong tháng 4 này sẽ triển khai.
Cụ thể, với một số đối tượng như: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội như, hộ người nghèo, cận nghèo thì ngay trong tháng 4 này được thụ hưởng chính sách. Còn đối tượng thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội thì tuần này cũng sẽ được triển khai, không chờ đợi nữa. Đặc biệt, tôi đã trao đổi với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội ngay trong tuần này khi mà Thủ tướng ký quyết định về tiêu chí và cách làm thì đơn vị nào, cá nhân nào có đầy đủ thủ tục chuyển sang Ngân hàng Chính sách có thể trả được ngay. Như vậy, về cơ bản sẽ được triển khai trong tháng 4, nhất là những gói mà chúng ta thực hiện 1 lần và chi trọn gói. Còn những đối tượng có quan hệ lao động sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp, thông qua việc xác nhận của chính quyền địa phương. Thời điểm nào có hồ sơ thì thời điểm đó sau 5 ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết chính sách cho người dân.
PV: Thưa Bộ trưởng, có rất nhiều câu hỏi được người dân quan tâm đặt ra và muốn biết như: Tôi làm nghề đầu bếp tại quán bia hơi nhưng do phòng dịch mà phải nghỉ làm thì có được hưởng trợ cấp hay không và có thì phải làm thế nào? Hay anh trai tôi là lái xe buýt nhưng bị ngưng hoạt động từ mùng 1 tháng 4, vậy anh tôi có được hỗ trợ không? Bộ Trưởng có thể giải đáp cho người dân?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bản thân tôi cũng nhận được hàng trăm cuộc điện thoại và nhắn tin hỏi xung quanh chủ yếu nhóm này. Vậy để giải quyết vấn đề này như thế nào, thì có thể nói rằng xác định việc hỗ trợ đối với lao động tự do là vấn đề rất khó. Bởi vì khó định lượng được tiêu chí về công việc, thế nhưng đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, bị tác động sâu nhất bởi dịch này. Do đó, khó mấy thì chúng ta vẫn phải làm. Bây giờ phải tìm cách để làm sao làm nhanh nhất và những đối tượng như vừa nêu, tôi cho về cơ bản nằm trong nhóm đối tượng lao động tự do và để khắc phục điều đó, trong Quyết định mà chúng tôi đã Dự thảo trình Thủ tướng, thì đã liệt kê dự kiến gồm 7 nhóm lao động tự do, bao gồm những người bán hàng rong, quà vặt, xe 2 bánh (hay gọi là xe ôm) rồi xích lô; những người thu rác, những người bốc vác, người bán vé số.
Tôi nói riêng bán vé số thôi, hiện nay 21 công ty xổ số từ Ninh Thuận vào Cà Mau có 100.000 người, thế rồi những lĩnh vực như nhà hàng, dịch vụ, ăn uống, rồi chăm sóc sức khỏe.... Trên cơ sở những đối tượng như vậy, sau khi có Quyết định của Thủ tướng sẽ có Thông tư của các Bộ sẽ chi tiết hóa lên một bước nữa, để các địa phương dựa vào đó để khảo sát để đánh giá và lên những danh sách cụ thể.
PV: Vậy người lao động tự do họ sẽ phải báo cáo ai và ai sẽ lập danh sách cho họ, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trong Quyết định và trong Thông tư sẽ hướng dẫn rất kỹ. Ví dụ như là đối tượng người có công, bảo trợ xã hội thì do ngành Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành kê khai và trực tiếp để chi trả. Người thuộc diện nghèo và hộ nghèo thì do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý kê khai và chi trả. Đối tượng thuộc diện mà tạm dừng đóng bảo hiểm thì do Bảo hiểm xã hội của cấp huyện chi trả. Còn thông tin ở đâu và tiếp cận thế nào thì chúng tôi sẽ lập một Trang thông tin điện tử, để công khai tất cả những chủ trương, chính sách để cho người dân hoàn toàn có thể tiếp cận vấn đề này.
PV: Thưa Bộ trưởng, để tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng và tránh bị trục lợi thì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ được triển khai như thế nào?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cái mà quan tâm nhất hiện nay là chúng ta phải minh bạch, phải công khai, phải kiểm tra, giám sát ngay từ khâu mà tiến hành rà soát, khâu lập danh sách, khâu xét duyệt, cuối cùng là cả khâu chi trả. Thứ hai là phải kiểm tra, giám sát ở các cấp, phải rất chú trọng đến xử lý vi phạm, phải nghiêm minh và ở mức cao nhất. Và điều cuối cùng chúng tôi quan tâm là phải huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt là vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể và vai trò giám sát của người dân- những người được thụ hưởng thì đều phải được công khai ở từng tổ dân phố, từng cơ quan, xí nghiệp. Tôi tin rằng, nếu chúng ta làm đầy đủ các quy trình đó thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc trục lợi và vi phạm trong việc thực hiện chính sách này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Hà Nam thực hiện/VOV.VN