Không để người dân chờ đợi hơn

Sẽ có từ 2 - 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do tác động của Covid-19, và ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như hộ nghèo, hộ cận nghèo...

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo trên tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng 8/4 - phiên họp xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Mới đây, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin. Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các cá nhân, tổ chức từ thiện phục vụ người nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, Thường trực HĐND thành phố vừa đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của UBND TP. Hà Nội bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn phục hồi sản xuất, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu vốn cần thiết bổ sung để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố cũng kêu gọi đóng góp, huy động nguồn lực toàn xã hội chung tay giúp đỡ người nghèo, khó khăn và thiếu việc làm vượt qua thời gian này.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động nên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động. Để chăm lo cho đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng do dịch bệnh, các cấp Công đoàn Hà Nội đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho 50.558 công nhân lao động.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn hỗ trợ 900.000 khẩu trang, 52.400 chai dung dịch rửa tay, sát khuẩn; hỗ trợ nhiều quần áo phòng hộ, máy đo thân nhiệt, xà phòng; trang thiết bị y tế, kính mũ, lương thực, thực phẩm... và gần 7 tỷ đồng tiền mặt để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong công nhân viên chức - lao động và cộng đồng.

TP. Hồ Chí Minh sẽ chi 2.700 tỷ đồng hỗ trợ chống dịch Covid-19, trong đó dành 1.800 tỷ đồng giúp các đối tượng khó khăn do tác động của dịch bệnh. Khoảng 600.000 người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, tính từ tháng 4/2020. Giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ cũng sẽ được hưởng chính sách này.

Bên cạnh đó, người bị cách ly y tế, kể cả tại khu dân cư được khoanh vùng kiểm dịch, phân loại trước khi chuyển đến khu cách ly tập trung (không bao gồm cách ly tại nhà, nơi lưu trú) và người điều trị Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh của thành phố được hỗ trợ mức 90.000 đồng/người/ngày.

Với người trên 60 tuổi, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, các trường hợp người cao tuổi mắc bệnh lý thông thường, không cần nhập viện để điều trị, các đơn vị phân công bác sĩ, điều dưỡng đến khám chữa bệnh tại nhà cho người bệnh…

Kiểm tra thân nhiệt người đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Khánh Hòa.   Ảnh: KT

Tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đã tạm dừng hoạt động xổ số trong 15 ngày. Với những người bán vé số dạo, phải lo toan cuộc sống hằng ngày, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã đề xuất UBND thành phố dùng Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Người bán vé số là người ở các tỉnh, thành cũng được đề xuất hướng hỗ trợ như với người nghèo thành phố. Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết TP.HCM cũng đang phối hợp Hội Chữ thập đỏ thành phố lên danh sách toàn bộ người bán dạo vé số trên địa bàn và chi 1 tỷ đồng để mua 2.000 phần quà (trị giá 500.000 đồng/phần) để hỗ trợ họ. Ngoài ra, nhiều đại lý xổ số cấp 1 trên địa bàn thành phố cũng hỗ trợ những người bán vé số dạo của mình từ nay đến hết ngày 15/4.

Tại tỉnh Sóc Trăng, ngày 8/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh tổ chức trao tượng trưng tiền hỗ trợ cho 15 người bán vé số lẻ trên địa bàn bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Những người bán vé số lẻ còn lại sẽ được chính quyền các cấp đến nhà trao tiền hỗ trợ trong thời gian sớm nhất để bà con ổn định cuộc sống. Theo thống kê chưa đầy đủ toàn tỉnh có khoảng 3.000 người bán vé số lẻ tại Sóc Trăng, mỗi người được hỗ trợ 900.000 đồng. Tỉnh Sóc Trăng đang tiếp tục rà soát để không bỏ sót người bán vé số lẻ không nhận được hỗ trợ.

Tại Bình Phước, chia sẻ khó khăn với những công nhân, người lao động đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã vận động hàng trăm chủ nhà trọ miễn, giảm tiền phòng cho người ở trọ. Lãnh đạo Ủy ban MTTQ từ thành phố đến các xã, phường của TP. Đồng Xoài đã “đi tận ngõ, gõ tận nhà”. Từ sự nỗ lực đó, hiện toàn thành phố Đồng Xoài có gần 70 chủ trọ giảm giá phòng trọ cho khách trọ với mức giảm từ 20 - 60%, tương đương số tiền giảm hơn 280 triệu đồng. MTTQ các cấp ở Đồng Xoài còn vận động mọi người chung tay tặng quà, nhu yếu phẩm thiết yếu cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tinh thần “cả nước chống dịch, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ngoài TP. Đồng Xoài, các huyện Chơn Thành, Đồng Phú, Bù Đăng... cũng gửi thư ngỏ, vận động các chủ trọ miễn, giảm tiền phòng trọ. Đến nay, rất nhiều chủ trọ ở các địa phương đã chung tay chia sẻ khó khăn với khách trọ.

Chính quyền xã Tiến Thành, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đi vận động chủ trọ miễn, giảm tiền cho khách trọ.  Ảnh: K.T

Tại Khánh Hòa, hàng chục người lang thang, xin ăn vừa được các cơ quan chức năng tỉnh đưa về Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh để chăm sóc nhằm tránh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tại Trung tâm này đang chăm sóc 25 người thuộc diện bảo vệ khẩn cấp. Đó là những người lang thang, xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang không có nơi nương tựa. Những người được bảo vệ khẩn cấp khi đưa về Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Khánh Hòa đã được khám sức khỏe sàng lọc, điều tra dịch tễ, thực hiện cách ly 14 ngày và được hỗ trợ tiền ăn 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện nay, hầu hết các trường đại học đã triển khai dạy và học online. Những hỗ trợ về cước phí đường truyền internet, miễn giảm học phí, cấp bổ sung học bổng… sẽ góp phần giúp sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn. Các trường đại học đã có những hình thức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng sinh viên. Hình thức hỗ trợ phổ biến mà nhiều trường đại học đang triển khai đó là cung cấp miễn phí tài liệu học tập online, hỗ trợ giảm cước phí các gói dữ liệu internet tốc độ cao… để hỗ trợ sinh viên trong quá trinh học online. Đối với những sinh viên đang ở tại ký túc xá, các trường đều hỗ trợ chất tẩy rửa và khẩu trang cho sinh viên, đảm bảo các em được chăm sóc y tế tốt nhất, giảm phí thuê phòng ký túc xá

Nhiều trường đại học đã quyết định giảm học phí học kỳ 2 cho toàn bộ sinh viên của trường. Cụ thể, các trường như: Đại học Văn Lang, Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn Hiến, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học FPT… đã thông báo giảm học phí cho toàn bộ sinh viên, với mức giảm trung bình từ 5 - 25%.

N.V tổng hợp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất gói hỗ trợ an sinh xã hội do ảnh hưởng Covid-19

Sáng 8/4, UBTVQH đã tiến hành phiên họp bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, UBTVQH nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ đã xác định. Thực hiện chủ trương vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận