Gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ: Đúng thời điểm, đúng đối tượng

Vấn đề được nhiều người quan tâm là gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 phải được trao đúng người, đúng đối tượng.

 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước đó, Chính phủ đã công bố dự thảo gói hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 61.600 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 35.900 tỷ đồng; có 6 nhóm sẽ được nhận hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội này, trong đó ưu tiên những người mất việc, giảm sâu thu nhập.

Gói hỗ trợ thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội

Bàn luận về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhằm mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Theo ông, đây là quyết định kịp thời và cần thiết, hướng đến nhóm đối tượng khó khăn nhất trong xã hội là nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm do dịch Covid-19 gây ra.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh gồm: Hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019.

Hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp. Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm....

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc Chính phủ ra quyết định hỗ trợ trực tiếp đến từng người dân thuộc đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhằm đảm bảo cơ bản cuộc sống để họ khắc phục được khó khăn, cùng tham gia với Chính phủ phòng chống đại dịch.

“Hiện nay, chúng ta đang thực hiện cách ly xã hội nên quá trình tìm kiếm việc làm gặp khó khăn. Mục tiêu của gói hỗ trợ là để đảm bảo an sinh xã hội toàn dân. Đây là một quyết định có tính chất hết sức nhân văn và thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Công khai, minh bạch để hỗ trợ đúng đối tượng

Nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước rất đúng và trúng, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, điều quan trọng nhất là việc tổ chức triển khai gói hỗ trợ phải đúng người, đúng đối tượng. Bởi vì 1 người có thể rơi vào 2, thậm chí là 3 nhóm đối tượng được hưởng gói chính sách hỗ trợ an sinh xã hội. Do đó, cần phải có tiêu chí cụ thể để phổ biến cho các địa phương, chính quyền cơ sở để họ nắm được, từ đó tổng hợp, theo dõi, lập danh sách để hỗ trợ kịp thời đời sống cho người dân.

Muốn tổ chức thực hiện tốt, theo ông cần phải nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận cần vào cuộc giám sát, theo dõi. Ngoài ra, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm để tránh trùng lắp, trục lợi, tránh lạm dụng.

“Đây là chính sách nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội nên phải kịp thời, công khai, minh bạch. Thông qua chính sách này, người dân thấy được tình cảm, trách nhiệm “bà đỡ” của Nhà nước; đồng thời thể hiện tinh thần chia sẻ, đoàn kết dân tộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội của mỗi người. Làm sao vừa đạt được mục tiêu an sinh xã hội nhưng đồng thời cũng đảm bảo được an toàn trật tự xã hội, tránh chuyện thắc mắc, lợi dụng chính sách” - ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). (ảnh: Vnexpress)

Cùng chung quan điểm, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, điều mọi người mong muốn là gói hỗ trợ phải trao đúng đối tượng. Với đối tượng chính sách hay các hộ nghèo, hộ cận nghèo thì bà con ở thôn bản, khu phố, chính quyền địa phương nắm rất chắc. Do đó, cần phải công khai, minh bạch danh sách những người được hỗ trợ để nhân dân giám sát, tránh việc hỗ trợ nhầm và cũng cho mọi người thấy chính sách này đã hướng tới bao nhiêu người.

Trong các nhóm đối tượng sẽ được nhận gói hỗ trợ an sinh xã hội, điều ông Lê Đình Quảng băn khoăn nhất là đối tượng lao động không có hợp đồng lao động, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bởi vì sau khi phải nghỉ việc vì ảnh hưởng của dịch bệnh, những người này đã về quê hoặc bươn chải kiếm sống ở nơi khác nên việc nắm bắt được số lượng cũng như thông tin của họ sẽ gặp khó khăn.

“Để nắm bắt được số người này, cần phải kết nối qua cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sử dụng lao động để họ kê khai. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc, sự giám sát của chính quyền cơ sở ở đó, cũng như tăng cường công tác tuyên truyền về gói an sinh xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân đều biết đến chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thì tin chắc rằng nhóm đối tượng yếu thế sẽ sớm được nhận chế độ hỗ trợ” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Theo Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), trong những lúc khó khăn nhất, chúng ta thường thấy những tấm lòng sẻ chia, “nhường cơm sẻ áo” với bà con nghèo được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt ở khắp nơi. Song, trong thực hiện chính sách, các cấp, các ngành cũng cần phải lường hết các trường hợp xuất phát từ lòng tham hay lợi dụng sự sơ hở trong quản lý để trục lợi... Muốn giảm thiểu việc này, cần phải công khai, minh bạch các chính sách trên các phương tiện truyền thông, cũng như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan giám sát, cơ quan kiểm tra, thanh tra và có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận