Đăng ký bảo hộ: Khó như tìm kim đáy biển!
Định cư ở Krông Pa, huyện nghèo xa trung tâm tỉnh Gia Lai nhưng nông dân Phạm Văn Bình, Buôn Tang, xã Phú Cần, đã sáng chế được nhiều thiết bị hữu ích. Từ còi báo chống trộm, xe máy bơm nước đến xe máy phun thuốc trừ sâu, đều vừa dễ sử dụng, vừa an toàn và tiết kiệm. Trong số các sản phẩm do ông sáng chế, được sử dụng nhiều nhất là dàn phun thuốc sâu gắn trên xe máy. Thiết bị này có thể tự động gấp lại tránh vật cản, giúp quá trình phun không bị gián đoạn, đồng thời tự động hồi lưu dung dịch khi ngừng hoạt động, giúp nâng cao cả năng suất và hiệu suất phun. Ở điều kiện như Krông Pa, máy có thể phun được 7ha/ngày, gấp 7 lần phun bộ.
Theo ông Phạm Văn Bình, từ khi có ý tưởng đến thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm trên đồng ruộng, rồi hiệu chỉnh để đạt sự ổn định của thiết bị, ông mất gần 2 năm. Trong suốt 2 năm đó, ông nghĩ nhiều đến việc đăng ký bảo hộ sáng chế, nhưng không thực hiện được vì không hiểu thủ tục. Đến khi sản phẩm có nhiều ngoài thị trường, thì việc đăng ký bảo hộ của ông lại không thành. Ông Bình bức xúc: “Để có cơ hội gặp được các nhà khoa học còn khó hơn tìm kim đáy biển. Chúng tôi không biết tìm ai, chỉ nghe đồn người này người kia có thể làm được nhưng không cẩn thận lại tiền mất tật mang nên đành thôi, việc mình làm thì cứ làm. Đến khi thấy sản phẩm của mình tốt, được người ta đánh giá cao, báo chí, đại chúng đưa tin thì mới gặp được các nhà khoa học để được bảo hộ sáng chế. Nhưng khi đó sáng chế đã mất đi tính mới!”.
Không chỉ ở Gia Lai, mà ở các tỉnh Tây Nguyên hơn 1 năm nay rộ lên việc sử dụng dịch chuối để bón cho phong lan và các loại hoa đem lại hiệu quả rất tốt. Ít ai biết rằng, ý tưởng xử lý chuối thành phân bón cao cấp xuất phát từ một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai - ông Nguyễn Quốc Tư. Nhà sáng chế không chuyên này chia sẻ: Là một công chức ở huyện thuần nông, ông phải nỗ lực gấp đôi bình thường để sản phẩm dịch chuối đi từ nghiên cứu ra tới thị trường. Đáng tiếc, dù đã cố gắng nhiều cách, nhờ cậy nhiều nơi, nhưng việc đăng ký bảo hộ sáng chế của ông cũng không thuận lợi. Kết quả, đến thời điểm hiện tại, dịch chuối bón cho phong lan, hoa hồng được đăng bán nhiều ngoài thị trường và tràn ngập trên các trang mạng xã hội, nhưng chẳng mấy người dùng biết đến Nguyễn Quốc Tư.
Để xảy đến cơ sự này, ông Tư ngậm ngùi: “Tôi đi làm bảo hộ sáng chế của tôi phải thuê bên ngoài mất 20 triệu đồng. Chưa nộp đơn đã phải nộp tiền rồi. Thế mà loằng ngoằng hết năm thứ nhất vẫn trượt đơn. Đến năm thứ hai tôi phải nhờ mấy anh ở Bộ can thiệp thì đơn mới được chấp nhận”.
Thách thức từ “cơ sở dữ liệu của thế giới”
Ngay bên cổng ra vào của Sở Khoa học Công nghệ Gia Lai, một tấm biển mới được dựng lên: “Mọi thứ do con người làm ra đều có thể đăng ký bảo hộ”. Thế nhưng, trong một cuộc gặp mới đây của Sở, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) với các nhà sáng chế của tỉnh, phía Gia Lai hầu như chỉ nêu những khó khăn, bất cập trong quá trình đăng ký. Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Cơ, thẳng thắn: “Tôi thấy Cục Sở hữu trí tuệ làm việc này chưa tốt. Vì thực tế nhu cầu được bảo hộ rất lớn, nhưng Cục không có các dịch vụ, các đơn vị chức năng giúp người dân thẩm định và đăng ký kịp thời”.
Sau hơn 1 ngày gặp gỡ các nhà sáng chế không chuyên ở địa phương, đi thăm - xem các sản phẩm mới được sáng chế, đang triển khai trong thực tế, tiến sĩ Phạm Ngọc Pha, Giám đốc Trung tâm Thống kê dữ liệu và Phân tích (Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ) nhận định, bất cập ở Gia Lai cũng giống ở nhiều địa phương khác trong cả nước, đó là những chủ thể nghiên cứu - sáng chế ở tỉnh hầu như xa lạ với việc tìm hiểu truy cập cơ sở dữ liệu trong phạm vi nghiên cứu của mình, năng lực về lý thuyết rất hạn chế.
Chính vì vậy, tiến sĩ Pha cho rằng, cần có sự giúp đỡ toàn diện hơn đối với các nhà sáng chế không chuyên: “Nhà sáng chế có thể nghiên cứu rất giỏi nhưng mô tả quy trình hoạt động của sản phẩm lại hạn chế, hoặc khó có khả năng tìm cơ sở dữ liệu trên thế giới và Việt Nam để xem công trình của mình có tính mới hay không. Hoặc vẽ hình mô phỏng chẳng hạn, thì các nhà sáng chế có hạn chế nhất định. Tôi nghĩ cần có nhiều cơ quan, tổ chức và các tổ chức trung gian để hỗ trợ các nhà sáng chế”.
Cam kết đồng hành cùng nhà sáng chế
Theo ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Giám đốc Sở KH-CN Gia Lai, việc bảo hộ sáng chế không thể được nhìn nhận một cách sơ sài vì việc này bây giờ phải theo những chuẩn mực quốc tế. Để tương trợ các hoạt động nghiên cứu, sáng chế trong tỉnh, giúp các nhà sáng chế tiết kiệm công sức, sớm đăng ký bảo hộ sở hữu thành công, từ năm 2014, Sở đã in một sổ tay hướng dẫn, giải thích vấn đề sáng chế - bảo hộ sáng chế với những nội dung cô đọng và dễ hiểu nhất. Mặc dù vậy, sổ tay này vẫn dày tới 25 trang và chỉ riêng 14 điều lưu ý trong sổ, dài chưa tới 1 trang, đã đủ làm các nhà sáng chế không chuyên khó có thể vượt qua. Hay đơn giản hơn, việc thường xuyên theo dõi Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu Công nghiệp phát hành hằng tháng và đăng bạ quốc gia về sáng chế - giải pháp hữu ích, được lưu giữ tại Cục Sở hữu Trí tuệ, cũng là thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, đến nay, sổ tay này vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.
“Nhà sáng chế có thể nghiên cứu rất giỏi nhưng mô tả quy trình hoạt động của sản phẩm lại hạn chế, hoặc khó có khả năng tìm cơ sở dữ liệu trên thế giới và Việt Nam để xem công trình của mình có tính mới hay không. Hoặc vẽ hình mô phỏng chẳng hạn, thì các nhà sáng chế có hạn chế nhất định. Tôi nghĩ cần có nhiều cơ quan, tổ chức và các tổ chức trung gian để hỗ trợ các nhà sáng chế”.
TS. Phạm Ngọc Pha, Giám đốc Trung tâm Thống kê dữ liệu và Phân tích, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ KH-CN.
|
Để khắc phục các vấn đề gặp phải, từ năm 2020, Sở KH-CN Gia Lai sẽ tăng cường kết nối với các cơ quan liên quan để có các trợ giúp thiết thực hơn. “Chúng tôi bước đầu đã giúp cho người sáng chế hiểu được quy trình, tránh việc chỉ làm theo suy nghĩ cá nhân. Như vậy tưởng là nhanh nhưng vì không đúng quy trình nên sẽ thành chậm. Sở KH-CN sẽ làm từng giải pháp một, kết nối giữa các nhà khoa học, các viện để tập huấn nâng cao nhận thức, giúp người sáng chế nhận thức đúng theo luật, theo thông lệ quốc tế, theo điều kiện khả năng”, ông Cường cho biết.
Thực tế cho thấy các sáng chế ở Gia Lai những năm gần đây đều xuất phát từ nhu cầu bức thiết trong sản xuất và đời sống, nhất là trong canh tác nông nghiệp và chế biến nông sản. Máy đào bồn cà phê, tủ sấy hạt tiêu dùng tia hồng ngoại, máy sấy nông sản bằng hiệu ứng nhà kính, hay máy sấy bằng ma sát không khí… đều góp phần giải quyết vấn đề bức thiết ở địa phương là tăng chất lượng và giá trị nông sản. Đồng hành với nhà sáng chế, giúp các sản phẩm trí tuệ sớm được chứng nhận, được bảo hộ, là sự khích lệ thiết thực của tỉnh đối với những người đam mê và có tiềm năng nghiên cứu, sáng chế. Qua đó, góp phần để Gia Lai nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, và xa hơn nữa là nâng cao nội lực khoa học công nghệ của tỉnh, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững./.