Huyền tích đặc công Rừng Sác

Câu chuyện về người lính đặc công Hoàng Dương Chương...

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 10 đặc công, đơn vị Anh hùng, đã chọn rừng Sác làm địa bàn hoạt động, khống chế toàn tuyến giao thông huyết mạch vận tải đường thuỷ, từ biển Vũng Tàu vào cảng Sài Gòn. Câu chuyện về người lính đặc công Hoàng Dương Chương năm nào từng một mình chiến đấu với cá sấu dữ đã trở thành một phần trong trang sử hào hùng của Trung đoàn 10.

Huyền tích chiến công

Nghe danh về người thương binh Hoàng Dương Chương, một chiến sĩ đặc công nước thuộc Trung đoàn 10 đã lâu, nay chúng tôi mới có dịp trực tiếp gặp và nghe lời kể từ nhân vật huyền thoại này. Bên ấm trà xanh, ông khiêm tốn kể về chặng đường trở thành một đặc công.

Hoàng Dương Chương, quê ở Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam ĐịnhNăm 1960, Chương thi đỗ vào trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong. Vừa tốt nghiệp (năm 1963), chàng thanh niên Chương tình nguyện nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân và được phân về làm thuỷ thủ tầu tuần tiễu T122 khu tuần phòng I Hải quân Nhân dân Việt Nam. Sau một thời gian, ông được tuyển về đơn vị huấn luyện quân đặc biệt tinh nhuệ, đặc công nước. Sau khoá huấn luyện, ông lên đường vào Nam chiến đấu.

Ông cùng đơn vị Đội 1 Đoàn 10 đặc khu Rừng Sác đã đánh chìm, đánh cháy nhiều tàu chiến Mỹ - ngụy trên vùng sông Lòng Tàu và Ông Kéo, Đồng Tranh ở cửa ngõ cảng Sài Gòn. Trong tâm trí người lính già, kí ức hào hùng về những trận đánh năm xưa vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1966, trong một lần đi trinh sát địch ở sông Lòng Tàu để chuẩn bị cho trận đánh lớn, xuồng của ông bị biệt kích Mỹ bắn chìm. Ông bị thương ở phần mềm khuỷu tay trái và rách da cánh tay phải do bị trúng đạn nhưng vẫn tiếp tục bơi vào rạch Chàm. Khoảng 2 giờ sáng, trong lúc đang bơi thì cá sấu từ phía sau lao tới đớp vào lưng và cả hai cánh tay ông nằm trọn trong miệng cá sấu. Ông đã chùng chân xuống, lấy thế, dùng hết sức đạp mạnh đẩy người lên, cá sấu tưởng mất mồi há miệng xốc con mồi, vậy là cánh tay trái của ông giật ra khỏi miệng cá sấu. Ông lập tức lấy tay móc mắt, cá sấu há miệng táp lại mồi, tay phải ông giật ra khỏi miệng cá sấu, đồng thời rút dao găm bên hông đâm chí mạng vào lỗ mũi cá sấu. Lúc này cá sấu lại há miệng, ông bật người ra khỏi miệng cá sấu, chòi lên bờ, ngoái người nhìn lại thấy cá sấu đang quạt nước há miệng lao tới, nhanh như cắt, ông rút lựu đạn ném vào miệng cá sấu. Sau đó, ông mệt nhoài và thiếp đi đến khi đồng đội tìm thấy đưa về bệnh xá cứu chữa, băng bó vết thương.

Người chiến sỹ đặc công năm nào vẫn luôn tâm niệm: “Tôi còn sống nghĩa là còn cống hiến”.

Trong kháng chiến, người lính đặc công Hoàng Dương Chương được tặng các danh hiệu: Dũng sĩ diệt cá sấu, Dũng sĩ diệt Mỹ, đánh tàu chiến; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Hai và hạng Ba, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Trong thời bình, ông được nhận nhiều huy chương như: Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin, Vì sự nghiệp Công đoàn, Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ.

Sau chiến công này, ông được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt cá sấu. Năm 1969, ông lại bị thương nặng sau khi đạn pháo địch bắn vào chân, ông được chuyển về Bắc điều trị. Ngày nay, tại rừng Sác, vẫn còn tượng đài tái hiện lại cảnh người dũng sĩ diệt cá sấu, người đó chính là Hoàng Dương Chương. Cứ mỗi lần đến ngày 30-4 hay 27-17, khi cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ thì tên ông lại được nhắc đến trên báo. Mỗi dịp ấy, ông lại nhớ đến những người đồng đội đã từng vào sinh ra tử với mình nhưng có người mãi mãi không thể trở về. “Tôi buồn vì xót xa cho bao nhiêu đồng đội tôi. Có người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt”, ông Hoàng Dương Chương ngậm ngùi chia sẻ.

Từ lính đặc công đến nhà nghiên cứu – phê bình

Trở về từ chiến trường với hơn 55% thương tật vĩnh viễn, nhưng với ý chí kiên trung của người lính cộng sản, ông vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ học đại học. Năm 1971, ông trúng tuyển và được cử đi học tại Đại học Kharkov (Liên Xô).

Quá trình học tập tại Liên Xô, ông đã đạt giải nhì cấp thành phố về đề tài nghiên cứu khoa học “Văn hóa và tôn giáo trong cuộc chiến ở Việt Nam”. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp về nước, ông công tác tại Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1996, ông được đề bạt làm Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định. Trên cương vị lãnh đạo thư viện, ông đã cùng cán bộ thư viện biên soạn nhiều thư mục địa chí có nội dung vừa thông tin thư mục, vừa thông tin dữ liệu, tiêu biểu như: Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn và quê hương Nam Định, Thánh Mẫu Liễu Hạnh và lễ hội Phủ Dầy, Văn Cao bậc tài danh thế kỷ, Tổng Bí thư Trường Chinh…

Trong dịp tổng kết công tác mười năm công tác địa chí toàn quốc (1990-2000), ông được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ về thành tích hoạt động Thư viện. Cũng trong năm 1996, ông được kết nạp Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh sinh hoạt ở bộ môn Nghiên cứu - Phê bình. Công tác ở Thư viện tỉnh nên ông có điều kiện thuận lợi để sáng tác các công trình nghiên cứu lịch sử. Ông là chủ nhiệm một số đề tài công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh như: “Hệ thống đặc điểm của đội ngũ tác giả Hán - Nôm Nam Định từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX”, “Sự thay đổi địa danh làng xã Nam Định trong thế kỷ XX”. Nhiều cuốn sách nghiên cứu về địa chí, lịch sử của nhà nghiên cứu Hoàng Dương Chương được các nhà khoa học đánh giá cao như: “Tiến sĩ Vũ Huy Trác” (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, năm 2008), “Trạng nguyên đất học Nam Trực” (năm 2003), “Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2009), “Đông A nhân kiệt” (Nhà xuất bản Dân tộc, năm 2011), “Lược khảo tác gia văn học Nam Định” (nhóm tác giả: Hoàng Dương Chương, Trần Mỹ Giống, Phương Thuỷ, Trần Bá Giao)... Cuốn sách “Danh nhân Nam Định thế kỷ XX được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh” có sự đóng góp lớn của Nhà Nghiên cứu - Phê bình Hoàng Dương Chương. Cuốn sách giới thiệu với bạn đọc về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của 13 danh nhân Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt 1 năm 1996 và đợt 2 năm 2000. Trong đó, tác giả Hoàng Dương Chương có nhiều bài viết như: “Nhạc sĩ Văn Cao”, “Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện”, “Nghệ sĩ Vũ Năng An”... Hiện nay, ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vừa chăm sóc người vợ bị tai biến và người em gái bị bệnh down, vừa tham gia viết sách và nghiên cứu các công trình khoa học, lịch sử. Dù sức khỏe đã yếu, nhưng người chiến sỹ đặc công năm nào vẫn luôn tâm niệm: “Tôi còn sống nghĩa là còn cống hiến”. Ngoài viết sách, ông còn chữa bệnh cứu người với nhiều bài thuốc bí truyền bằng thuốc Nam kết hợp liệu pháp châm cứu.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận