Tính đến ngày 23/3, tất cả 110 khu vực cách ly của Quân đội đã tiếp nhận, cách ly 36.767 người, trong đó có 362 người nước ngoài. Khoảng 18.000 người đã hết thời gian cách ly.
Theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng có 140 điểm có khả năng tiếp nhận trên 44.700 người cách ly, trong đó đã triển khai 109 điểm và tiếp tục triển khai các khu mới.
Theo Thiếu tướng Trần Duy Giang - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Quân đội đón tiếp những người Việt Nam trở về từ nước ngoài, bảo đảm đầy đủ chế độ, tiền ăn, suất ăn.
PV: Thưa Thiếu tướng, có thể nói, đến thời điểm này, Quân đội vẫn đang thực hiện tiếp nhận công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch thực hiện cách ly tại các doanh trại của Quân đội, bảo đảm chu đáo, an toàn. Nếu con số người cách ly còn tăng nhiều hơn nữa thì khả năng tiếp nhận và đảm bảo của quân đội như thế nào?
Thiếu tướng Trần Duy Giang: Cái này chúng tôi đã chủ động từ trước, nên bất cứ thời điểm nào số lượng bao nhiêu chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp nhận. Các công dân được tiếp nhận về được kiểm tra ngay từ tuyến ngoài, nếu công dân nào có triệu chứng bị nhiễm bệnh chúng tôi cho cách ly ngay về các bệnh viện, các công dân chưa có triệu chứng thì được cách ly 14 ngày. Chúng tôi đã huy động với số lượng dồn dịch các cơ sở doanh trại của toàn quân, sẵn sàng tiếp nhận công dân ở các nước về.
PV: Việc đón nhân dân về thực hiện cách ly có ảnh hưởng tới việc đảm bảo lương thực thực phẩm cho bữa ăn bộ đội, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Trần Duy Giang: Việc bà con vào cách ly chúng tôi luôn sẵn sàng đầy đủ lương thực thực phẩm, luôn có gối vụ, mặc dù vừa rồi có dịch tả lợn nhưng sau khi được tái đàn thì phát triển tốt. Một tiểu đoàn có ít nhất từ 300 - 500 con lợn, ngoài ra còn cá và gia cầm, sẵn sàng đáp ứng đủ các vật chất thực phẩm thiết yếu nhất cung cấp cho bà con.
Ngoài ra, các cơ sở doanh trại đáp ứng tốt, bảo đảm không lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt nước sạch, cơ sở sinh hoạt để bà con yên tâm cách ly trong 14 ngày kể cả hơn thì chúng tôi vẫn bảo đảm tốt.
Chúng tôi đón tiếp những người Việt Nam trở về từ nước ngoài, bảo đảm đầy đủ chế độ, tiền ăn, suất ăn, đặc biệt là tâm lý của người dân. Nên trong thời gian cách ly vừa rồi, bà con rất yên tâm, cán bộ chiến sỹ luôn chăm sóc rất tốt, về nơi ăn ở, sinh hoạt.
PV: Dự kiến thời gian tới, dịch Covid 19 còn diễn biến phức tạp, là lực lượng nòng cốt phối hợp với ngành y tế cả nước trong phòng chống dịch, Quân đội đã có sự chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ này?
Thiếu tướng Trần Duy Giang: Về vật tư hóa chất cung cấp cho các cơ sở y tế: Trong Quân đội chúng tôi có một lượng dự trữ theo quy định, nên luôn chủ động được. Từ những năm trước, chúng tôi đã xây dựng 7 bệnh viện dã chiến, và trong đó tất cả các cơ sở trang thiết bị đều có cơ số đóng sẵn, và từ cuối tháng 12 đầu tháng 1 xảy ra dịch Covid- 19, chúng tôi đã có dự báo ngay từ đầu và thông báo cho lực lượng quân y toàn quân và kiến nghị với Bộ Quốc phòng để có bổ sung thêm, sẵn sàng đáp ứng điều trị ngoài quân đội và địa phương.
Trong 7 bệnh viện dã chiến phạm vi 300 - 500 giường, với lực lượng này, chúng tôi xoay vùng, rút kinh nghiệm, đảm bảo phòng chống dịch giống như hồi năm 2003 khi chống dịch Sars, chúng tôi đã làm 1 bệnh viện và nay nhân lên 7 bệnh viện, tất cả cơ số thuốc để dự phòng đều được chuẩn bị trước, và hằng năm luân phiên đổi hạt để đảm bảo chất lượng.
Chính vì vậy, khi có dịch bệnh xảy ra chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng được. Cùng với đó, chúng tôi có 20 đội cơ động phòng dịch, toàn quân có 154 tổ phòng chống dịch, và các trang thiết bị, từ cấp chiến lược đến cấp phân đội, sẵn sàng đáp ứng hoàn toàn trong quân đội và chi viện cho bên ngoài.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng./.
Theo VOV.VN