Hồi hương tránh dịch Covid-19: Nên cân nhắc thận trọng!

Dù quyết định về nước tránh dịch hay ở lại, thì chắc chắn ai cũng không ngoài mong muốn chia sẻ với Tổ quốc, nhất là trong lúc dịch dã như thế này...

 

Cách đây khoảng hơn 2 tháng, Sars-CoV-2 bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nhưng đến nay, virus đã lan sang hầu hết mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến thời điểm này, tổng số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trên toàn thế giới đã vượt con số 244.000 ca và hơn 10.000 tử vong. Hiện nay, dịch đang hoành hành dữ dội ở các nước châu Âu với tổng số ca mắc hơn 85.000 người, vượt con số gần 80.900 ca của Trung Quốc và hơn 4.000 người chết.

Ở Việt Nam, kể từ khi phát hiện ca số 17 đến nay, số lượng người bị mắc Covid-19 cũng tăng lên khá nhanh. Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, số người mắc đã lên tới con số 85. Theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các cơ quan y tế, con số này sẽ tiếp tục tăng. Đây là sự gia tăng khá nhanh so với ở thời điểm nước ta chỉ có 16 ca mắc. Ở thời điểm đó, trong vòng gần 2 tháng tháng, số người mắc chỉ dừng lại con số 16, trong đó có nhiều ca là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam lao động ở Trung Quốc về nước.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng nửa tháng, đã có tới 69 người mắc Covid-19. Điều nguy hiểm là con số này chưa dừng lại và tiếp tục có diễn biến phức tạp. Bởi, còn nhiều người có nguy cơ cao vào Việt Nam bằng đường hàng không chưa kiểm soát hết được. Hơn nữa, không phải ai khi biết mình có nguy cơ đều tự giác khai báo và tự nguyện cách ly. Điều đó đã hiển hiện trong thực tế khi bệnh nhân số 17 và bệnh nhân “siêu lây nhiễm” số 34 có hành vi giấu dịch, không khai báo trung thực khiến cho rất nhiều người mắc Covid-19 và nhiều người có nguy cơ cao mắc Covid-19.

Nhiều phong trào, hoạt động khuyến khích người dân “hãy đứng yên” được nhiều nước phát động và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình (ảnh: KT).

Chỉ vài trường hợp như vậy đã gây khó khăn rất lớn cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Ai cũng hiểu, với cơ chế lây lan như khuyến cáo của WHO và các cơ quan y tế, chủ yếu qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp, lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh… thì sự lây lan của Covid-19 là quá kinh khủng, theo cấp lũy thừa chứ không còn là cấp số nhân. Thực tế đang được thể hiện qua con số người mắc và tử vong do Covid-19 gia tăng chóng mặt ở các nước châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới.

Với cơ chế lây lan như vậy, nếu không kiểm soát được việc di chuyển của mọi người, trong đó có người có thể có nguy cơ cao cố tình không khai báo (hoặc những người có nguy cơ cao nhưng không có biểu hiện nên họ không biết) sẽ vô cùng nguy hiểm, khiến dịch ngày càng diễn tiến phức tạp, khó kiểm soát. Vì thế, nhiều nước đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, lệnh giới nghiêm yêu cầu người dân ở trong nhà, tránh tất cả các chuyến đi quốc tế hoặc “đang ở trong tình trạng chiến tranh”; đồng thời hạn chế việc di chuyển và tiếp xúc ở mức tối thiểu trên toàn lãnh thổ trong thời gian quy định. Họ khuyến cáo người dân chỉ ra ngoài trong những trường hợp cần thiết, như mua sắm nhu yếu phẩm, song phải tôn trọng khoảng cách giữa mọi người….

Nhiều phong trào, hoạt động khuyến khích người dân “hãy đứng yên” được nhiều nước phát động và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Điển hình như việc một bác sỹ người Malaysia vừa đăng tải một bức ảnh cá nhân lên tài khoản Facebook cùng lời nhắn nhủ “Tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy ở nhà vì tôi”. Chỉ trong 1 ngày, lời nhắn nhủ của bác sỹ đã thu hút được hàng chục ngàn người theo dõi và đã có hơn 49.000 lượt chia sẻ.

Ở nước ta, trong những ngày qua, thông điệp "Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần" hàm ý người dân cần hạn chế đi lại, tránh tụ tập đông người và cần hợp tác thực hiện cách ly y tế nếu trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-9, được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội, được nhiều người ủng hộ.

Và không chỉ là thông điệp chia sẻ trên mạng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Thủ đô đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm chéo cao đến hết tháng 3. Chủ tịch Thành phố khuyến khích đóng cửa các cửa hàng, trừ hàng xăng dầu, thuốc, lương thực, từ nay đến 31/3, người dân cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt.

Nhiều tỉnh, thành phố cũng đang trong giai đoạn hành động quyết liệt để phòng chống dịch bệnh, khuyến khích người dân nếu không có việc gì quá quan trọng thì không nên ra ngoài, không di chuyển đến nơi khác. Thậm chí, nhiều người còn ý thức động viên con cháu, người thân không về quê trong dịp này, vì như vậy khiến công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn, tốn kém.

Hầu hết mọi người dân đều nhận thức được mức độ lây lan chóng mặt và sự nguy hiểm của virus Sars-CoV-2, đều ý thức tự giác trong phòng chống dịch, nâng cao ý thức bản thân, hạn chế tối đa việc di chuyển, tụ tập đông người và đeo khẩu trang nơi công cộng.

Không chỉ người dân trong nước, nhiều bà con Kiều bào ta ở nước ngoài cũng luôn theo dõi tình hình trong nước, đau đáu nỗi lo khi dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều người đã chọn cách tránh dịch tại chỗ, một phần vì lý do ở nước ngoài điều kiện y tế khá tốt, dịch là dịch chung không ngoại trừ nơi nào. Nhiều nhiều bà con thì suy nghĩ “về nước thì phải di chuyển trên các phương tiện công cộng như ô tô, tàu điện, máy bay… Và thực tế thời gian qua, việc lây nhiễm trên máy bay đã lên con số đáng lo ngại”. Vì thế, nhiều người không muốn mạo hiểm sức khỏe của mình để đến những nơi công cộng như sân bay, máy bay, vật vã chờ đợi cả chục tiếng đồng hồ, ngồi chung máy bay với cả trăm người, trong đó nhiều người có nguy cơ cao mắc dịch Covid-19…

Nhiều bà con Việt kiều đã mua vé để cả gia đình về Việt Nam tránh dịch, nhưng cuối cùng họ lại hủy toàn bộ số vé, ở lại nước sở tại vì theo họ, “ở lại cũng là đóng góp nho nhỏ với đất nước, nhằm giảm tải gánh nặng về chỗ ở và chi phí cách ly”.

Với mỗi người Việt Nam, quê hương “mỗi người chỉ một” dù có đi năm châu bốn bể. Vậy nên, khi xa quê, đặc biệt với bà con ở xa Tổ quốc, mong muốn được “về nhà” là rất chính đáng. Nhất là trong lúc quê hương có khó khăn, dịch dã thì mong mỏi cùng chia sẻ lại khát khao hơn bao giờ hết.

Trong thời điểm này, dù về nước tránh dịch hay ở lại, thì chắc chắn một điều rằng, ai cũng đều đã suy nghĩ thấu đáo và có sự lựa chọn riêng của mình. Và chắc chắn rằng, hành động đó không ngoài mong muốn được chia sẻ, đóng góp với quê hương trong lúc dịch dã, tất cả đều vì sự phát triển của đất nước./.

An An/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận