Cần gỡ khó triệt để cho việc sang tên đổi chủ phương tiện

  • 11/03/2020 03:00:00
  • Kiều Tuyết - Nguyễn Yên
  • Xã hội
  • 0

Cần những biện pháp để người dân tự giác, chủ động trong việc chấp hành nghiêm các quy định về chuyển quyền sở hữu phương tiện

 

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Một điểm mới của dự thảo Thông tư lần này là tạo điều kiện cho người mua cuối cùng được đăng ký tên những chiếc xe mua bán nhiều đời chủ.

Tuy nhiên nhiều khó khăn còn tồn tại như không tìm thấy chủ đầu đứng tên trên giấy đăng kí; tâm lý của người dân ngại đi làm thủ tục chuyển nhượng thì những giải pháp nào cần đưa ra để đơn giản hóa, rút ngắn được thời gian sang tên đổi chủ xe?

Trước đây, để tháo gỡ vướng mắc cho việc đăng ký xe đã chuyển nhượng qua nhiều người, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 12/2013 hướng dẫn việc đăng ký xe theo thủ tục đơn giản trong khoảng thời gian từ ngày 15/4/2013 - 31/12/2014.

Sau đó, Thông tư số 15/2014 đã “gia hạn” đến ngày 31/12/2016 cho xe máy bán qua nhiều đời chủ mà không có chứng từ chuyển nhượng, hoặc chứng từ chuyển nhượng đã quá lâu thì sẽ được cấp đăng ký lại theo thủ tục đơn giản.

Hiện tại, đã hết thời gian trên nhưng số lượng các phương tiện mua bán qua nhiều đời chủ vẫn còn khá lớn, nhiều người có nhu cầu sang tên, đổi chủ nhưng không tìm được người chủ ban đầu nên trong dự thảo Thông tư lần này, Bộ Công an tiếp tục có cơ chế để giải quyết sang tên chuyển chủ đối với các phương tiện đã được chuyển đổi qua nhiều đời chủ khác nhau khi người bán chứng minh được sở hữu và viết bản cam kết.

Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn Đăng kí Kiểm định Phương tiện, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết về quy trình giải quyết sang tên chuyển chủ:

Dự thảo Thông tư mới sẽ giải quyết đăng ký sang tên chuyển chủ mà được chuyển đổi qua nhiều đời chủ khác nhau, khi chứng minh được quyền sở hữu  và có cam kết thì cơ quan chức năng sẽ sang tên chuyển chủ cho người hiện tại đang là chủ sở hữu của phương tiện đó”.

Nhiều ý kiến người dân cho rằng, dự thảo này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm sự phiền hà, khó khăn cho người dân, góp phần thúc đẩy người dân tự nguyện sang tên đổi chủ phương tiện.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, việc nhiều phương tiện đã mua bán qua nhiều người nhưng không làm các thủ tục sang tên, người mua sau chỉ cầm đăng ký xe và không có bất cứ giấy tờ mua bán gì khác. Điều này gây khó khăn cho cả người chủ cũ/chủ mới lẫn cơ quan quản lý phương tiện, xử lý vi phạm, điều tra giải quyết TNGT.

Vì thế, nội dung Dự thảo để tháo gỡ vướng mắc cho việc đăng ký xe có thể coi là một mũi tên trúng nhiều đích, tuy nhiên khi đã có quy định cụ thể, thì vẫn cần những biện pháp để người dân tự giác, chủ động trong việc chấp hành nghiêm các quy định về chuyển quyền sở hữu phương tiện:

“Khi đã ra Thông tư mới, nếu người dân vẫn không đến làm thủ tục sang tên theo quy định thì cần có biện pháp xử lý với những trường hợp không sang tên chuyển chủ. Việc này cũng cần tuyên truyền rộng khắp để người dân, tự giác đến để thực hiện”.

Với nội dung từ dự thảo này, theo luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc công ty Luật Pham Danh, người sử dụng xe chỉ cần có giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu) và viết cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú. Căn cứ vào hồ sơ này, cơ quan đăng ký xe sẽ tiếp nhận và gửi thông báo đến người đứng tên trong đăng ký xe biết và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đăng ký xe.

Sau 30 ngày nếu không có các khiếu nại, tranh chấp thì cơ quan đăng ký xe sẽ giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe. Tuy nhiên, Luật sư Phạm Thành Tài cho rằng, quá trình thực hiện quy định trên cần phải kiểm tra, xác định kịp thời, bắt giữ những đối tượng lợi dụng qui định này để hợp thức hoá xe gian, xe trộm, cắp, xe tang vật vụ án.

“Ngoài việc đã có những thủ tục thuận lợi, để tránh việc bị lừa hoặc mua phải những xe không rõ nguồn gốc, thậm chí là những xe tang vật của vụ án thì ngoài việc thực hiện đúng các hướng dẫn, quy định của pháp luật còn cần thận trọng hơn trong việc tìm hiểu về nguồn gốc cũng như thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng xe viết tay qua nhiều chủ khác nhau”.

Về nội dung này, Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn Đăng kí Kiểm định Phương tiện, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: Người có phương tiện khai báo hoàn toàn phải chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến phương tiện trước pháp luật. Còn cơ quan chức năng sẽ thông báo công khai trên các cổng thông tin để mọi người dân đều có thể truy cập, tìm kiếm.

Nếu xe của người nào đó bị mất, khi thấy cơ quan công an thông báo phương tiện này sẽ được sang tên cho người khác hoặc biết xe này bị mất cắp, vi phạm pháp luật thì liên hệ với cơ quan công an để giải quyết. Hơn nữa, đối với phương tiện bị mất trộm, mất cắp, người dân đến cơ quan công an khai báo, thông tin sẽ lưu lại. Do đó, quá trình thực hiện sang tên đổi chủ xe, sẽ có sự rà soát để đảm bảo không lọt xe gian, xe trộm cắp.

Những khó khăn, vướng mắc về quy định khiến người dân còn chưa hào hứng, chủ động trong việc sang tên, đổi chủ phương tiện sẽ dần được tháo gỡ. Nhưng dưới góc nhìn của VOV Giao thông, để công tác này đạt được hiệu quả trong thực tiễn, cần có thêm những quy định của pháp luật ràng buộc trách nhiệm của những người có liên quan đến phương tiện để người dân có áp lực, động lực tự giác hợp tác với cơ quan chức năng.

Dự thảo này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm sự phiền hà, khó khăn cho người dân, góp phần thúc đẩy người dân tự nguyện sang tên đổi chủ phương tiện.

Áp lực, động lực và quyền “thượng đế”

Nếu quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán xe mà người mua không làm thủ tục sang tên xe, khi sử dụng phượng tiện đó tham gia giao thông sẽ bị Cảnh sát giao thông xử phạt hành chính, mức phạt đến 1,2 triệu đồng đối với mô tô, đến 8 triệu đồng đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô. Chế tài không hề nhẹ theo Nghị định 100 vừa có hiệu lực đầu năm nay.

Quy định này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự lựa chọn của người mua xe, để họ cân nhắc nhiều hơn đến việc khước từ những phương tiện đã mua bán trao tay nhiều lần mà không có/hoặc khó có cơ hội tìm ra chủ cũ. Họ cũng sẽ không thể trì hoãn quá lâu việc thực hiện thủ tục sang tên, để xe nào chủ đó. Đây có thể xem là áp lực tích cực, vừa thúc đẩy việc thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ, vừa góp phần chấm dứt tình trạng mua bán xe cộ dễ dãi, bất kể nguồn gốc “mập mờ” như lâu nay.

Xét về mặt tâm lý, người mua xe nào cũng mong muốn sở hữu phương tiện một cách toàn diện và đàng hoàng (cả thực tế lẫn trên các loại giấy tờ đi theo), để thuận lợi trong các giao dịch, trừ một số trường hợp rất hãn hữu, vì hám lợi mà nhắm mắt mua liều.

Nói tóm lại, người mua xe có cả áp lực lẫn động lực để thực hiện việc này.

Song, vấn đề sẽ xuất hiện khi chủ mới không nhận được sự hợp tác cần có từ chủ cũ để thực hiện thủ tục sang tên. Trong khi đó, quy định về xử phạt hành chính vi phạm giao thông hiện tại (cả đối với phạt nguội) cũng chỉ nhắm tới người trực tiếp gây ra hành vi vi phạm (tức người điều khiển xe), chứ không truy cứu đến chủ xe.

Tức là, chủ cũ (dù có đứng tên sở hữu phương tiện hay không) vẫn có thể “rung đùi” một khi xe đã bán cho người khác. Cũng bởi “vô can”, mà người bán xe không có “áp lực” để phải phối hợp cùng chủ mới thực hiện việc sang tên. Còn động lực, lại càng không.

Lợi ích của việc quản lý dữ liệu giao thông đến trật tự an toàn giao thông mà xe trong trạng thái “chính chủ”, rõ ràng là vô cùng to lớn, cho cơ quan quản lý và cho toàn xã hội. Song, khi từng người dân chưa thấy rõ được lợi ích này, chưa thấy mình liên quan mật thiết đến lợi ích này, thì ít nhất, những động lực và áp lực trực tiếp phải đủ rõ ràng, để thúc đẩy lựa chọn có trách nhiệm của họ.

Người mua xe có động lực và áp lực. Người bán thì lựa chọn tùy tâm. Và cả hai bên còn e ngại “trở lực” từ sự phức tạp và kéo dài thời gian của các thủ tục hành chính. Vậy, để giải nút thắt này, điều quan trọng trước hết, đương nhiên là xóa trở lực từ các thủ tục hành chính, như đề xuất của Bộ Công an, tạo điều kiện hết sức cho việc thực hiện thủ tục sang tên phương tiện.

Nhưng điều đó là chưa đủ, nếu pháp luật không ràng buộc trách nhiệm của người đứng tên sở hữu phương tiện với vấn đề vận hành chiếc xe.

Nếu vi phạm giao thông cứ phạt cả chủ xe và lái xe (bất kể phạt nóng hay nguội), thì đương nhiên, các chủ cũ không có lý do để trù trừ việc sang tên khi bán, cho, tặng xe. Và chủ mới cũng không mướt mồ hôi đi lạy lục.

Còn về phần người mua, ngoài trách nhiệm, đừng quên lựa chọn thông thái bằng quyền “thượng đế” của mình, chứ đừng dễ dãi khi mua xe, để rồi chỉ biết kêu than khi gặp rủi ro, rắc rối./.

Kiều Tuyết - Nguyễn Yên/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận