Nghịch lý đô thị: Ô nhiễm, mất an toàn từ chính hoạt động vệ sinh môi trường

  • 05/03/2020 10:20:00
  • Kiều Tuyết - Nguyễn Yên
  • Xã hội
  • 0

Xe chở rác đi đến đâu, nước rỉ rác hôi thối chảy ra đến đó. Cách dọn vệ sinh môi trường lạc hậu, thô sơ này góp phần gia tăng ô nhiễm môi trường.

 

Theo phản ánh của người dân trên địa bàn nhiều phường ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, trong thời gian gần đây, việc thu gom, xử lý, lưu giữ, vận chuyển rác thải được tiến hành không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường. Rác thường xuyên được tập kết tràn lan tại nhiều khu vực đông dân cư, được để lưu cữu qua đêm mà không hề có biện pháp che chắn.

Thậm chí tại đây, rác thải được công nhân vệ sinh môi trường gom lại đốt, khiến khói bay mù mịt, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và đời sống của người dân trong khu vực.

Còn trên trục đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, anh Đinh Quang Tuyến, một lái xe đã phản ánh tới VOV Giao thông tình trạng người tham gia giao thông khổ sở vì những xe chở rác. Anh cho biết, khoảng 8h-h30 sáng hàng ngày, thường xuyên xuất hiện đoàn xe chở rác nối đuôi nhau, làm rơi vãi, chảy nước bẩn ra đường vì che chắn không cẩn thận.

Được biết, đơn vị đảm nhiệm công tác thu gom vận chuyển rác ở quận Nam Từ Liêm là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, công tác quản lý, vận hành của công ty này đang tồn tại rất nhiều vấn đề, khiến chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn mà công ty này phụ trách không đảm bảo chất lượng.

Ô nhiễm, mất an toàn từ chính hoạt động vệ sinh môi trường.

“Đơn vị dịch vụ môi trường không đảm bảo về nguồn nhân lực, thiết bị, rồi ý thức, trách nhiệm, công tác quản trị của doanh nghiệp yếu dẫn đến công nhân không làm đúng trách nhiệm của mình. Việc vệ sinh, tập kết rác không đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường, không đúng yêu cầu gây bức xúc trong nhân dân, gây mất vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh”.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng cho biết thêm, phường Mỹ Đình 1 đã thành lập các tổ công tác để giám sát việc thực hiện hoạt động của công ty vệ sinh môi trường nhưng nhiều lần phản ánh, nhắc nhở mà hoạt động của công ty này vẫn không thay đổi.

Trước tình trạng công ty vệ sinh môi trường chây ì, chậm khắc phục những tồn tại, Luật sư Nguyễn Danh Huế, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, các quy định và hướng dẫn của pháp luật hiện nay đối với vấn đề này đã đầy đủ nhưng việc thực thi còn nhiều bất cập.

Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội có Quy định 16/2013 quy định quản lý chất thải rắn; Sở Xây dựng Hà Nội cũng có công văn hướng dẫn quy trình xử lý, thu gom rác; cao hơn là Nghị định 155/2016 NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, việc kiểm soát của Nhà nước về lĩnh vực này có sự tham gia giám sát của các đơn vị môi trường của Sở xây dựng và các đơn vị giám sát của Sở tài nguyên môi trường tỉnh, thành phố. Tuy nhiều đơn vị tham gia, nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập:

“Về cơ bản chúng ta đã có hành lang pháp lý nhưng công tác thực thi pháp luật chưa cao, bởi trên thực tế từ xưa tới nay rất ít trường hợp công ty vệ sinh môi trường, thu gom rác thải vi phạm các quy định mà bị xử phạt. Nguồn lực để thanh tra, kiểm tra còn thiếu, hạn chế thậm chí chồng chéo nên để xử lý vấn đề này cần một giải pháp đồng bộ”.

Theo tìm hiểu của phóng viên VOV Giao thông, nghịch lý ô nhiễm môi trường từ chính hoạt động vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội còn xuất phát từ chủ trương đấu thầu công tác duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác trong 2 năm qua.

Bất cập nằm ở việc lập hồ sơ mời thầu kê khai, đăng ký khối lượng không đúng thực tế; đăng ký, quyết toán cho nhà thầu chiều dài một số tuyến đường thấp hơn hàng trăm km thực tế; trong khi giá dịch vụ thu gom rác quá thấp, thu không đủ bù chi đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh “ôm” nợ, thậm chí phải trả lại địa bàn.

Điều đáng nói là, những bất cập, quy định “kỳ lạ” nêu trên đều đã được doanh nghiệp kiến nghị lên lãnh đạo các cấp quận, huyện, sở ngành và thành phố nhiều lần. Thanh tra thành phố Hà Nội cũng đã có kết luận chỉ ra những bất cập và kiến nghị điều chỉnh…

Nhưng, đến nay, sau hơn 2 năm nhận gói thầu, nhiều doanh nghiệp thu gom rác, nhất là doanh nghiệp tư nhân ở các huyện ngoại thành vẫn đang mỏi mòn đợi chờ thành phố điều chỉnh đúng thực tế. Trước những bất cập này, TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: “Thành phố đã chỉ đạo rất rõ và phân công nhiệm vụ rất cụ thể rồi nhưng đề nghị UBND thành phố xem lại từng cơ quan cấp dưới thực thi đến đâu như Sở Xây dựng và các doanh nghiệp có trách nhiệm thu gom rác, họ đã làm đúng chức trách chưa, nếu chưa thì cần có biện pháp xử lý. Đề nghị xem xét từng khâu một và khâu nào còn yếu thì phải xử lý”.

Nghịch lý là công tác vệ sinh môi trường với mục tiêu làm sạch thành phố, nhưng quá trình triển khai, thực hiện lại có quá nhiều điểm bất cập dẫn đến thêm ô nhiễm và không an toàn. Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, điều phi lý hơn là thực trạng gây bức xúc từ lâu nhưng không một ai, một đơn vị nào được quy trách nhiệm.

Nghịch lý và phi lý

Nói gì thì nói, hoạt động vệ sinh môi trường mà lại gây ô nhiễm thêm, bẩn thỉu bụi bặm thêm, rõ ràng là một nghịch lý. Nhưng nghịch lý hơn nữa là khi nó diễn ra ở ngay cả những đô thị “đầu tàu” của cả nước, như Hà Nội, trong suốt cả một thời gian dài.

Hà Nội mấy năm trước từng hoan hỉ coi việc đưa các thùng rác lưu động, có nắp đậy kín ra vỉa hè, góc đường là một bước tiến trong công tác vệ sinh, để giúp người dân dễ thực hiện thói quen bỏ rác đúng nơi quy định hơn, giúp công nhân môi trường dễ thu dọn hơn.

Nhưng thực tế sau một thời gian, những thùng rác kiểu này trở nên ế ẩm. Vì không mấy ai sẵn sàng thò tay nhấc cái nắp thùng cáu bẩn lên để thả rác vào, rồi lại hít trọn mùi rác phả vào mặt mỗi khi đóng lại.

Hà Nội từng có những xe quét đường đi trước, xe tưới nước đi sau để phối hợp làm sạch đường phố mỗi sáng sớm tinh mơ. Nhưng đã lâu lắm rồi, chỉ còn những xe hút bụi, mà chổi quét xoáy tròn đến đâu thì bụi tung mịt mù lên đến đó, khiến người đi đường phát cáu.

Thay vì tập kết rác bằng những xe thu gom nhỏ như trước kia, ở một số địa bàn, giờ đây người ta dùng cả những thùng xe tải mở toang, đặt ngay đầu đường góc phố.

Thay vì vừa đi vừa để nước rỉ rác chảy ra đường, giờ đây, những xe tải chở rác cỡ nhỏ luồn sâu vào phố, gom rác trong giờ cao điểm, với những công nhân môi trường đu bám vắt vẻo phía sau như làm xiếc.

60 năm từ thời Tố Hữu viết bài thơ Tiếng chổi tre, vệ sinh đường phố của Hà Nội vẫn trông đợi chủ yếu vào những nữ lao công tay chổi tay xẻng, còng lưng với những thùng rác kẽo kẹt.

Hà Nội những năm qua đã dành đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông đô thị. Sự phát triển nóng của đô thị cũng khiến cho “manh áo” liên tục phải “nới” thêm ra, vá sửa thêm nhiều. Sự đan cài giữa cũ và mới, giữa long lanh hiện đại với xập xệ cũ kĩ, đôi khi cũng là một thứ “đặc sản”, một kiểu “độc đáo” có thể làm nên sức hút nhất định.

Nhưng Hà Nội sẽ rất khó cuốn hút, khó giữ chân du khách, nếu khoác lên mình một tấm áo “lười giặt” đến mức bốc mùi. Đến mức, người dân, du khách phải nín thở khi bắt gặp những thùng rác, xe rác lộ thiên, phải bịt mũi khi ngang qua những nhà vệ sinh công cộng.

Người dân, du khách phải nín thở khi bắt gặp những thùng rác, xe rác lộ thiên, phải bịt mũi khi đi ngang qua (Ảnh: TN&MT).

Chất lượng vệ sinh môi trường kém, vì quản lý kém, vì thiếu giám sát, hay vì thiếu kinh phí thực hiện? Chính quyền đô thị nên minh bạch cho người dân, dù với bất cứ lý do nào. Nếu không thiếu tiền mà làm vẫn tệ, thì trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành, trong việc giám sát hoạt động của các “nhà thầu” thu gom rác, vệ sinh đường phố.

Còn nếu vì lượng rác đã quá tải so với khả năng chi trả của ngân sách cho hoạt động này, thì càng cần minh bạch để người dân biết, và sẵn sàng cho việc, có thể họ phải trả tiền nhiều hơn theo khối lượng rác mình xả ra, chứ không phải xả vô tội vạ như lâu nay.

Đô thị ngày càng văn minh hiện đại, mà chất lượng công tác vệ sinh môi trường lại “cài số lùi”, đó là một nghịch lý. Nhưng khi nghịch lý đó diễn ra suốt một thời gian dài mà không một sự giải thích, cũng không ai phải chịu trách nhiệm, thì đó thực sự là điều phi lý./.

Kiều Tuyết - Nguyễn Yên/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận