Hà Nội tính phương án nhập khẩu khẩu trang phòng chống dịch Covid-19

Doanh nghiệp sản xuất khó khăn thiếu nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế, Hà Nội đề xuất nhập khẩu trang và sản xuất khẩu trang vải thay thế.

 

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tính đến ngày 3/3/2020, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã thực hiện 70 vụ kiểm tra, giám sát, xử lý 15 vụ. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính 23.750.000 đồng. Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 3/3/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 5.479 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 1.706.130.000 đồng.

Cũng theo QLTT, hiện dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn hàng cung cấp về trang thiết bị y tế còn thiếu dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế vẫn còn hạn chế.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra của Hà Nội cho biết, thời gian qua, Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình trên địa bàn, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng dịch bệnh mua gom vận chuyển, đầu cơ, găm hàng, tăng giá, định giá mua, bán bất hợp lý các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh do virus Covid-19.

Tính đến ngày 2/3 đã kiểm tra 236, xử lý 197 vụ, phạt hành chính hơn hơn 494 triệu đồng. Điển hình, ngày 2/3/2020, Đội QLTT số 06 Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tại địa chỉ phòng 803 tòa nhà OTC1-A2 Khu đô thị Handiresco, Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 35 chiếc thẻ đeo chống virus do nước ngoài sản xuất do không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ để tiếp tục xử lý theo quy định.

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế khó khăn về nguyên liệu.

Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, từ khi có công bố dịch bệnh người dân đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn và một số trang thiết bị y tế cùng một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố. Ngay từ ngày đầu Sở Công Thương chủ động có văn bản chỉ đạo Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá mặt hàng “sốt” nhất là khẩu trang y tế, nước rửa tay. Qua đó, lực lượng QLTT đã vào cuộc tích cực tổ chức triển khai thực hiện. Kết quả hiện nay giá khẩu trang, nước sát khuẩn đã được kiểm soát cơ bản và bán theo đúng giá thị trường.

Tương tự, đối với các mặt hàng thiết yếu khi xẩy ra dịch bệnh nhân dân có tâm lý đi mua tích trữ gạo, mì tôm, các thực phẩm chế biến, giấy vệ sinh, nước đóng chai… Tất cả các mặt hàng này, ngành Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt với đơn vị phân phối trên địa bàn thành phố và chỉ sau một ngày xảy ra hiện tượng mua vét thì toàn bộ hàng hóa trên các hệ thống siêu thị theo chỉ đạo tăng dự trữ 30-50% và đảm bảo đủ lượng hàng hóa cho người dân. Ngành Công Thương đã điều phối hàng hóa trên toàn hệ thống để từng địa bàn không bị quầy kệ trống hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Đồng thời thực hiện chỉ đạo giá quyết liệt của Chính phủ, đến thời điểm này giá lương thực, thực phẩm đã hạ đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô.

Các cửa hàng vẫn trong tình trạng hết khẩu trang y tế.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho hay, trên địa bàn Thành phố hiện có 10 đơn vị sản xuất khẩu trang (5 đơn vị sản xuất khẩu trang diệt khuẩn, 5 đơn vị sản xuất khẩu trang vải). Lượng khẩu trang cung ứng cho thị trường với công suất khoảng từ 150.000-250.000 chiếc/ngày, tương ứng công suất tối đa một tháng từ 4,5 triệu đến 5 triệu chiếc đưa ra thị trường. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu, qua trực tiếp nắm bắt với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không xác định có dịch nên không dự trữ nhiều nguyên liệu sản xuất (dự trữ cao nhất sản xuất trong tháng 3, có đơn vị chỉ dự trữ đến tháng 2) nên khi có dịch bệnh xảy ra thì nguyên liệu sản xuất khẩu trang bị thiếu hụt.

Sở Công Thương đã làm việc với các đơn vị sản xuất này để cùng Bộ Công Thương tìm thị trường đầu vào cho các sản phẩm khẩu trang, đặc biệt dùng vải kháng khuẩn thay thế sản phẩm khẩu trang y tế theo khuyến cáo của Bộ Y tế không nhất thiết phải đeo khẩu trang dùng 1 lần/ngày bỏ đi lãng phí. Sử dụng khẩu trang vải có thể dùng nhiều lần góp phần giảm tải cho các cơ sở sản xuất đang có khó khăn thiếu hụt nguyên liệu. “Nếu dịch bùng phát thì khẳng định rằng sản phẩm khẩu trang sẽ thiếu”, bà Lan nói.

Để bù đắp lượng khẩu trang thiếu hụt Sở Công Thương đang tính toán việc nhập khẩu khẩu trang nhưng tình hình dịch bệnh diễn ra ở nhiều nước trên thế giới thì việc nhập khẩu mặt hàng sản phẩm này cũng không đơn giản. “Chúng tôi sẽ có phương án cụ thể báo cáo Bộ Công Thương hết và đề xuất với UBND Thành phố”, bà Lan nói.

Đối với nước kháng khuẩn rửa tay việc sản xuất dễ hơn. Các đơn vị sản xuất hóa chất, sản xuất xà phòng, bột giặt, dầu gội đầu cũng có thế làm được. Lãnh đạo Sở Công Thương kiến nghị cần công bố chất lượng sản phẩm đủ điều kiện theo quy định đưa ra thị trường. “Chúng tôi mong lực lượng QLTT và Bộ Y tế xem xét công bố chất lượng sản nước rửa tay để đảm bảo những sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật theo quy định nhằm đảm bảo việc sát khuẩn cho người dân tránh sử dụng phải hàng rởm, hàng giả, không đúng tiêu chuẩn chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân” bà Lan cho biết./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận