Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, quy định học lý thuyết tập trung đã có trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chứ không phải nội dung mới. Tuy vậy, với việc siết lại theo Thông tư 38 do Bộ GTVT mới ban hành, nhiều trung tâm dạy lái và học viên cho rằng, không phù hợp.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 47, Thông tư 38, từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo phải ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1). Như vậy, từ ngày 1/5/2020, các học viên học lái xe sẽ phải học lý thuyết tập trung với thời lượng 90 giờ.
Giải thích cho quy định này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN – đơn vị trực tiếp soạn thảo Thông tư 38 cho rằng, việc quy định học môn Pháp luật giao thông đường bộ tập trung không phải nội dung mới, mà đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và điều này cũng đã được thực hiện từ trước tới nay chứ không phải thực hiện theo Thông tư 38.
Ông Thống cũng lý giải, việc các trung tâm đào tạo, các học viên và giáo viên dạy lái có phản ứng là do lâu nay việc thực hiện quy định này có phần “xuê xoa”: “Thông tư 38 mới ban hành chỉ có cái mới là từ ngày 1/5/2020 sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát thời gian học môn Pháp luật giao thông đường bộ của học viên. Những học viên học đủ thời gian sẽ được tham dự sát hạch. Việc giám sát này chỉ tập trung với những học viên lấy giấy phép lái xe để sau này ra làm nghề kinh doanh vận tải, có nghĩa là chỉ giám sát học viên học từ hạng B2 trở lên”.
Bày tỏ với VOVGT trong một chương trình gần đây, ông Đỗ Ngọc, Trung tâm lái xe VOV cho rằng, việc bắt buộc học lý thuyết tập trung sẽ gây phức tạp cho người học, gây tốn kém cho các trung tâm và cuối cùng mọi chi phí do học viên gánh chịu: “Nếu có vấn đề đó, buộc các trung tâm ở xa phải lập thêm một phòng học lý thuyết ở Hà Nội và sẽ tốn kém cho Trung tâm. Như vậy, Trung tâm phải nâng giá học lái xe”.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trung tâm Đào tạo lái xe Bắc Hà (Bắc Ninh) cho rằng, nhiều lái xe gia đình mong muốn học lái xe hạng B2 để lái xe số sàn. Với những trường hợp này, việc yêu cầu học lý thuyết tập trung sẽ trở thành rào cản khiến họ không thể bố trí thời gian để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ông Nguyễn Linh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Lạc Hồng (Hà Nội) cho rằng, việc quy định học lý thuyết tập trung là không cần thiết, gây lãng phí và đi ngược xu thế nhiều nước đang áp dụng. Trong khi muốn nâng cao chất lượng đào tạo, cần tập trung mạnh mẽ vào khâu sát hạch để buộc học viên phải nắm vững kiến thức trước khi sát hạch:
“Nếu muốn học viên nắm vững luật thì có thể tăng cường câu hỏi nhưng người ta học thế nào thì kệ người ta chứ sao lại bắt đến một chỗ ngồi để điểm danh”.
Dẫn kinh nghiệm thế giới, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, nhiều nước cũng áp dụng phương pháp cho học viên tự học lý thuyết tại nhà, chính quyền hay cơ quan sát hạch chỉ thực hiện sát hạch lý thuyết trước khi đăng ký thi thực hành.
Chuyên gia Phan Lê Bình cũng cho biết, tại Mỹ, một số tiểu bang cũng cho phép học viên tự học. Tuy vậy, bắt buộc học viên phải đỗ lý thuyết mới được thi thực hành.
Việc yêu cầu học viên học lái xe nắm vững kiến thức pháp luật giao thông đường bộ là cần thiết, song một số ý kiến cho rằng, yêu cầu học viên học tập trung một thời gian dài là không cần thiết. Mặt khác, dưới góc nhìn của VOVGT, việc bắt buộc học viên học tập trung phần lý thuyết mà khâu sát hạch không được quản lý chặt chẽ cũng rất khó phát huy tác dụng.
Siết đào tạo lái xe, đừng để học viên và các trung tâm "nghẹt thở"
Không phải ngẫu nhiên mà quy định bắt buộc học viên học lái xe từ hạng B2 trở lên phải học lý thuyết tập trung theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, song hầu hết các học viên đều dễ dàng vượt qua khâu này mà không phải học. Có rất nhiều cách để học viên “né” được quy định này, trong đó phổ biến là học viên tự học tại nhà, bài học sẽ được một số Trung tâm hợp thức hóa.
Như vậy, học viên không phải đến lớp, còn các Trung tâm đào tạo cũng cắt giảm được chi phí. Thậm chí không ít trường hợp không cần học lý thuyết vẫn được “bao đậu”. Hiếm hoi lắm mới có trường hợp học viên đi học lý thuyết, đó là khi các trung tâm nắm được lịch kiểm tra của các cơ quan chức năng nên phải huy động học viên đi học theo kiểu đối phó.
Do vậy, mặc dù đại diện Tổng cục Đường bộ VN khẳng định việc yêu cầu học lý thuyết tập trung đối với học viên lái xe từ hạng B2 trở lên không phải quy định mới, mà chỉ siết chặt quy định học tập lý thuyết tập trung đã được Luật Giao thông đường bộ quy định.
Song, điều đó cũng cho thấy, cơ quan quản lý không hề nắm được thực tế thực thi quy định đã đặt ra, hoặc có nắm bắt nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu hơn là giám sát việc điểm danh học viên bằng vân tay hay nhận dạng khuôn mặt tại các Trung tâm đào tạo.
Tuy vậy, quản lý chất lượng đào tạo lái ôtô bằng cách kiểm soát thời gian học của học viên rõ ràng là chưa đủ. Liệu TNGT và ùn tắc giao thông có hoàn toàn xuất phát từ chất lượng công tác đào tạo? Việc yêu cầu học lý thuyết tập trung đặt ra với học viên học lái xe để hành nghề kinh doanh vận tải đã đủ sức thuyết phục?
Thứ nhất, đến thời điểm này chưa có thống kê chính thức số vụ TNGT do xe kinh doanh vận tải hay xe cá nhân, xe gia đình để khẳng định việc học lý thuyết tập trung chỉ cần áp dụng với lái xe kinh doanh vận tải là cần thiết.
Thứ hai, chưa có phương pháp thống kê hoặc đánh giá một cách khoa học, chính xác hiệu quả của việc học viên tự học, tự nghiên cứu lý thuyết với việc học tập trung.
Đã từng có ý kiến đề nghị thống kê tài xế liên quan đến các vụ TNGT học tại Trung tâm đào tạo lái xe nào, nếu Trung tâm nào có nhiều lá xe gây tai nạn, có thể bị thanh tra, kiểm tra hoặc xử lý, nhưng đến nay cũng chưa thực hiện được.
Cho dù có thực hiện thống kê tài xế liên quan đến TNGT được đào tạo tại Trung tâm nào thì việc căn cứ vào đó để xử lý Trung tâm đào tạo cũng thiếu sức thuyết phục khi không đề cập trách nhiệm đơn vị tổ chức sát hạch với những học viên liên quan đến các vụ TNGT đó.
Thực tế, việc bắt buộc học viên học lý thuyết tập trung chưa chứng minh được hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng học viên học lái xe, nhưng tác động thấy rõ là rất nhiều học viên sẽ buộc phải tham gia giao thông vì một việc mà hiệu quả chưa thực sự rõ ràng.
Trong khi đó, việc thiết kế bộ câu hỏi sát hạch, thực tế công tác sát hạch chưa buộc học viên phải học, phải nắm bắt được kiến thức mới có thể vượt qua kỳ sát hạch để được thi thực hành.
"Siết" đào tạo sát hạch lái xe là cần thiết, vì trật tự giao thông. Nhưng bản thân các quy định pháp luật luôn có tính lạc hậu sơ với thực tiễn. Do đó, sẽ là rất cứng nhắc nếu bảo thủ quan điểm "siết nhầm hơn bỏ sót".
Vì nếu "siết" không đúng chỗ, e rằng cả học viên và các cơ sở dạy nghề lái xe đều "khó thở”, và những khe hở dù nhỏ nhất cũng sẽ được tận dụng để lách qua. Khi đó, cái đem lại có thể là "hậu quả" chứ không phải là "hiệu quả"./.
Kiều Tuyết - Quách Đồng