Số phận những phương tiện này sẽ như thế nào?
Theo quyết định số 146 của Bộ GTVT, từ ngày 01/4/2020 sẽ dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, để thực hiện theo Nghị định số 10 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, đối với xe ô tô dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 01/4 nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình xe taxi thì phải xin cấp lại phù hiệu xe taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định.
Về phía người dân, từ những lợi ích lâu nay của các ứng dụng gọi xe mang lại, và cả những phát sinh trong quá trình hoạt động của xe hợp đồng điện tử tác động đến người tham gia giao thông, một số ý kiến cho rằng:
“Nhu cầu của gia đình tôi lại muốn đi một chiếc xe Grab mà không gắn mào thì nó giống như một chiếc xe của gia đình mình, nó cũng rất thuận tiện cho việc mình đi ngoại giao hoặc đi một công chuyện lịch sự hơn chẳng hạn”.
“Sự ra đời của dịch vụ Grab đã giúp cho những người tham gia giao thông có thêm sự lựa chọn, tuy nhiên dịch vụ này cũng có một số những bất cập, thời điểm có điểm thì giá cả của dịch vụ này sẽ tăng lên, và cái này là nhà cung cấp dịch vụ đã áp đặt cho người sử dụng”.
“Về vấn đề quản lý xe công nghệ thì vẫn có những vấn đề xảy ra, chẳng hạn quấy rối trẻ em, phụ nữ hoặc những cái mất an toàn thì chúng ta chưa xử lý được những vấn đề đấy. Cho nên yêu cầu là chúng ta đưa ra những chính sách làm sao nó phải giải quyết được tận gốc vấn đề”.
Còn ở góc độ các tài xế đang hoạt động kinh doanh dưới hình thức xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, vấn đề đặt ra là với Quyết định 146 của Bộ giao thông, hàng vạn xe trong diện này sẽ phải dừng hoạt động hoặc chuyển sang hình thức kinh doanh taxi, trong khi ở một số tỉnh thành, taxi đã quá tải, thì bài toán sẽ được giải quyết thế nào?
Trước băn khoăn này, đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT - đơn vị tham gia soạn thảo Nghị định số 10 cho rằng, dù họ là xe 9 chỗ dạng hợp đồng hay taxi thì số lượng xe cũng không thay đổi. Và Nghị định số 10 nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp khi quyết định dừng thí điểm xe hợp đồng điện tử.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, việc chuyển đổi xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sang loại hình taxi sẽ không dễ dàng, vì bản thân các địa phương thuộc diện thí điểm mô hình “taxi công nghệ” lâu nay đều đang rơi vào tình trạng quá tải số lượng taxi. Ông Hùng lấy ví dụ từ việc xin tăng số taxi ở Hà Nội cho Mai Linh Miền Bắc:
“Không phải khó khăn, mà không xin được. Không bao giờ có chuyện ấy bởi vì quyết định tăng phương tiện là quyết định của UBND TP. Hà Nội chứ không phải quyết định của Sở GTVT TP. Hà Nội. Trên thế giới không một nước nào không quy hoạch phương tiện cả. Ông phải quy hoạch phương tiện thì ông mới tính được chỉ số phục vụ người dân, không thì ông làm loạn thị trường lên à?”
Ở góc độ khác, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP. HCM cho rằng, thời gian chuyển đổi từ xe hợp đồng điện tử sang các loại hình khác trong vòng hơn một năm (từ 01/4/2020 đến trước 01/7/2021) là quá dài, bất hợp lý, và có thể dẫn tới nhiều rủi ro: “Nếu ngày 01/04 có hiệu lực thì trong 1-2 tháng phải hoàn thành, chứ lại cho kéo dài đến tháng 7/2021 mới kết thúc. Như vậy rõ ràng nói là chấm dứt thí điểm mà lại chưa phải theo Nghị định 10 thì bây giờ từ đây đến tháng 7/2021 thì xe hợp đồng dưới 9 chỗ là hoạt động theo dạng nào, không phải thí điểm, không phải theo Nghị định 10, mà lại tới tháng 7/2021 là bất hợp lý vô cùng”.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, quãng thời hạn chuyển đổi kéo dài có thể khiến doanh nghiệp cố tình chậm trễ, gây khó khăn cho công tác quản lý: “Thời gian chuyển đổi càng ngắn thì càng nhanh đi vào ổn định. Các Sở GTVT tùy theo điều kiện trên địa bàn mà anh có thể chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu họ vin vào cái đó họ vẫn có thể thực hiện đến thời điểm cuối cùng trong lộ trình đó”.
Từ những ý kiến vừa nêu, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, khi người dân vẫn lựa chọn đi lại bằng taxi, bằng xe hợp đồng điện tử song song với các hình thức khác, chứng tỏ nhu cầu sử dụng loại hình này vẫn tồn tại.
Ông Thủy cho rằng, việc chuyển đổi sang loại hình taxi hay xe hợp đồng là phù hợp để tăng hiệu quả quản lý, giúp các loại hình vận tải hoạt động quy củ trong khuôn khổ pháp luật, nhưng cần quy hoạch lại số lượng phương tiện chuyển đổi: “Không nên cho phép một cách tùy tiện mà nên có phương án quy hoạch lại, ở Hà Nội bao nhiêu, TP. HCM bao nhiêu xe taxi hoặc xe hợp đồng là hợp lý chứ không phải tất cả đều chuyển sang thì nó sẽ phù hợp hơn”.
Sau hơn 4 năm thực hiện thí điểm việc triển khai kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử, loại hình đặt xe qua ứng dụng công nghệ đã phát huy tác dụng đáng kể, được người tiêu dùng đón nhận.
Dưới góc nhìn của VOVGT, việc minh định từng loại hình doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp cung cấp công nghệ là cần thiết để phục vụ công tác quản lý, và làm lành mạnh hóa thị trường, phát huy được thế mạnh của mỗi bên trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải.
Tuy vậy, mọi quyết định cần xuất phát từ nhu cầu và lợi ích cao nhất của người dân, đối tượng thụ hưởng các chính sách này, để người dân không phải lựa chọn “thụt lùi”.
Đừng để lựa chọn thụt lùi
02 năm sau khi ứng dụng đặt xe (Grab, Uber) xuất hiện ở Việt Nam, Bộ GTVT ban hành Quyết định 24/2016 cho phép thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Trong thời gian thí điểm, các vùng với sự bùng nổ số lượng phương tiện tham gia vận tải hành khách theo dạng hợp đồng điện tử, giữa loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt. Đỉnh điểm là vụ kiện “đình đám” của Vinasun với Grab trong suốt một thời gian dài để đòi bồi thường phần thiệt hại mà họ cho rằng, do chính Grab gây ra.
Để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, Bộ GTVT đã xây dựng hành lang pháp lý mới, được quy định trong Nghị định số 10, thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, điểm đáng chú ý là tách bạch rõ nét hơn giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải và doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải.
Cùng với đó, Bộ GTVT cũng quyết định kết thúc việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng như tinh thần Quyết định số 146 ký ngày 11/2 vừa qua.
Không khó để hình dung, khi việc thí điểm chấm dứt, ứng dụng gọi xe Grab sẽ “thất thế”, vì hiện chỉ có hai loại xe 4 chỗ và 7 chỗ được sử dụng trọng ứng dụng này.
Và nếu không thể sử dụng ứng dụng đặt xe, không chỉ chủ xe, đơn vị vận tải phải cơ cấu lại mô hình kinh doanh, mà hành khách cũng sẽ phải quay lại với việc gọi điện thoại hoặc đón khách dọc đường, khi mà các app đặt xe của taxi truyền thống vẫn ít được biết tới. Còn Grab sẽ trở thành “người mới” trong lĩnh vực taxi.
Trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đã từng góp ý với Bộ GTVT trước khi trình Luật, nên tham khảo ý kiến người tiêu dùng, vì chính họ lựa chọn sử dụng và chi trả cho dịch vụ vận chuyển. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết, hầu hết các trường hợp ý kiến của người tiêu dùng không được chú ý lắng nghe, hoặc có tham khảo nhưng ít được cân nhắc để điều chỉnh các quy định cho phù hợp.
Dừng một đề án thí điểm, có thể là quyết định phù hợp và cần thiết để kiện toàn hành lang pháp lý, để ổn định lại trật tự thị trường, khi việc thí điểm đó đi quá xa so với khả năng lường trước của cơ quan quản lý, và gây nhiều hệ lụy. Nhưng điều đó cũng có nghĩa, người tiêu dùng sẽ tạm dừng một lựa chọn nhiều tiện ích lâu nay.
Và rất có thể, những doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ tạm dừng những nỗ lực đổi mới tích cực để cạnh tranh “lấy lòng” khách tốt hơn như khi taxi công nghệ đang còn. Cũng không ngoại trừ khả năng, nhiều chuyện “không hay” trước kia sẽ trở lại khiến hành khách “lép vế”, khi taxi truyền thống “một mình một chợ”.
Tách bạch giữa đơn vị cung ứng phần mềm công nghệ với đơn vị kinh doanh dịch vụ chở khách, tách bạch giữa các khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ này, bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho các bên, và sòng phẳng công bằng về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ thuế với Nhà nước, là những yêu cầu không thể thiếu trong xây dựng chính sách.
Song, cũng không thể vì các yếu tố này mà bỏ qua nguyên tắc căn bản, là lợi ích chính đáng, lợi ích cao nhất của số đông người dân thụ hưởng chính sách. Tiếp cận từ góc độ lợi ích của người sử dụng, không ai mong muốn những lựa chọn thụt lùi.
Trừ phi, tạm dừng lựa chọn hiện tại, để chuẩn bị cho một lựa chọn hoàn hảo hơn, khi mọi hành lang và điều kiện đã thực sự sẵn sàng./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN