Trong suốt thời gian dài việc điều tiết, kiểm soát nước ngọt và nước mặn phục vụ trồng lúa và nuôi trồng thủy sản của người dân ở vùng giáp ranh 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng luôn gặp khó khăn do nước mặn xâm nhập vào mùa khô hạn. Tuy nhiên, năm nay người dân ở đây đã an tâm sản xuất vì công trình Cống âu thuyền Ninh Quới vừa hoàn thành đi vào hoạt động đảm bảo điều tiết nước hài hòa giữa hai vùng mặn - ngọt.
Những năm trước vào thời điểm này người dân làm lúa Đông xuân ở khu vực tam giác Tha Na Rộn thuộc ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu luôn gặp khó khăn bởi nước mặn xâm nhập sâu vào vùng ngọt hóa, làm cho nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do thiếu nước. Tuy nhiên, hiện tại dù khô hạn đang diễn ra gay gắt tại nhiều nơi nhưng tại nơi đây vẫn đủ nguồn nước ngọt phục vụ cây lúa.
Ông Đoàn Hoàng Em, người dân địa phương cho biết: Nhờ Cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành mà người dân nơi đây đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Hiện 2ha lúa Đông xuân của ông đang thời điểm trổ bông hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
"Thời gian trước không có âu thuyền, nước mặn đẩy lên cao nên nước ngọt không trữ lại được, vì thế không đảm bảo nguồn nước để bơm vào ruộng. Từ khi âu thuyền này được đầu tư, bà con sản xuất rất thuận tiện, mỗi khi có nước mặn về thì âu thuyền đóng để ngăn mặn và giữ ngọt”, ông Đoàn Hoàng Em chia sẻ.
Công trình Cống âu thuyền Ninh Quới được xây dựng trên tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, thuộc huyện Hồng Dân có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến 29 tháng. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán Canh Tý khi hạn mặn diễn ra gay gắt, công trình đã được chủ đầu tư đưa vào vận hành sớm hơn 13 tháng so với dự kiến.
Bước đầu công trình đã phát huy hiệu quả khi góp phần cùng với những công trình khác xây dựng trong vùng chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định của các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu.
Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Được sự chỉ đạo của Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ, đơn vị thi công đã làm việc ngày đêm để kịp vận hành mùa khô 2019 - 2020 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch và theo đánh giá của các địa phương thì đã giúp kiểm soát tốt mặn - ngọt".
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Bí thư Thị ủy - Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng: Trước đây, vào mùa này khi phần lớn người dân huyện Hồng Dân cần nước mặn để nuôi trồng thủy sản thì người dân ở vùng ngọt hóa thị xã Ngã Năm và một phần huyện Hồng Dân lại cần nước ngọt để sản xuất lúa.
Khó khăn nhất là vào năm 2016 khi hạn mặn diễn ra gay gắt, dù Trung ương đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi để ngăn mặn dọc theo tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp. Tuy nhiên việc điều tiết nước vẫn gặp khó khăn do các địa phương ở Bạc Liêu như Hồng Dân, Giá Rai, Phước Long lấy nước mặn để nuôi thủy sản khiến nước mặn bị đẩy lên ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích lúa ở Thị xã Ngã Năm.
Thị xã có hơn 18.000ha sản xuất lúa, thì trong đó có hơn 50% diện tích bị ảnh hưởng mặn gây thiệt hại về năng suất, chất lượng. Điều đáng nói, khi mặn xâm nhập vào đất sẽ ảnh hưởng đến nhiều vụ lúa liên tiếp.
Cụ thể vào năm 2016, khi bị xâm nhập mặn thì đến năm 2018, người dân nơi đây mới xả được hết mặn trong đất. Chính vì vậy theo ông Thứ, hiệu quả mà Cống âu thuyền Ninh Quới mang lại rõ nhất là đã giải quyết dứt điểm mâu thuẫn xảy ra nhiều năm qua giữa người dân thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng với người dân huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trong việc tranh chấp nước mặn - nước ngọt để nuôi thủy sản và trồng lúa.
"Đưa âu thuyền vào hoạt động nên việc điều tiết nước giữa 2 bên rất tốt, do đó năm nay ảnh hưởng mặn không đáng kể. Trà lúa Đông Xuân 2019 - 2020 do việc điều tiết nước hiệu quả cao nên năm nay chắc là sản lượng, năng suất đạt theo yêu cầu", ông Thứ nói.
Trong đợt kiểm tra về công tác ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: Hạn mặn năm 2020 gay gắt hơn năm 2015 - 2016.
Tuy nhiên, nhờ chủ động dự báo trước nên các địa phương không lúng túng. Bộ trưởng đánh giá cao việc Ban Quản lý và đơn vị thi công công trình Cống âu thuyền Ninh Quới đã đẩy nhanh tiến độ, kịp thời vận hành công trình ngay trong mùa khô năm nay để điều tiết nước, kiểm soát mặn - ngọt, giúp người dân an tâm sản xuất./.
Tấn Phong/VOV-ĐBSCL