Trước nguy cơ bùng phát của dịch bệnh virus corona và sự gia tăng đột biến nhu cầu của người dân về một số mặt hàng, vật tư y tế như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và các loại thuốc tăng cường miễn dịch... một số đối tượng tại các thành phố lớn trong cả nước đã đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn. Trước thực trạng này, lực lượng Công an đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Để trục lợi, các đối tượng đã gia tăng sản xuất khẩu trang kém chất lượng hoặc đầu cơ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nâng giá bán khẩu trang y tế cho người dân lên gấp 4 - 5 lần; mặt hàng thuốc Tamiflu tăng giá từ 1,5 - 2 lần. Đặc biệt, lợi dụng việc giá khẩu trang và các thiết bị y tế phục vụ cho việc phòng, chống dịch bệnh tăng cao tại Trung Quốc, một số đối tượng còn thu gom khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay... vận chuyển, buôn lậu qua biên giới để kiếm lời. Hành vi này của các đối tượng đã trực tiếp tác động đến mục tiêu ổn định giá cả thị trường và đời sống của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 1,Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Bước đầu cùng cơ quan công an đấu tranh khai thác chúng tôi phát hiện đã có dấu hiệu giả mạo của cơ sở sản xuất khẩu trang khu vực miền Nam”.
Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, hướng dẫn lực lượng trong toàn quốc, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, đấu tranh, xử lý 26 vụ việc liên quan đến các hành vi này.Qua đó, đã phát hiện, thu giữ hơn 422.000 khẩu trang y tế các loại và gần 4.000 chai dung dịch rửa tay không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ...
Điển hình, ngày 3/02, tại khu vực Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, tổ công tác của Cục Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra 1 xe tải biển kiểm soát 34C-201.83 do Vũ Văn Khoa là chủ xe, phát hiện 25.000 khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ, xuất xứ nguồn gốc.
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt phát hiện một ô tô chở 300.000 chiếc khẩu trang y tế 4 lớp, không có giấy tờ hợp lệ, có dấu hiệu xuất lậu đi Trung Quốc.
Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết: “Dựa vào tâm lý lo ngại của người dân cộng thêm một số thông tin thất thiệt chưa được kiểm chứng để tạo ra tình trạng khan hiếm giả, từ đó đầu cơ, găm hàng, nâng giá khẩu trang y tế để trục lợi. Đồng thời, tổ chức sản xuất hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không đảm bảo chất lượng để trục lợi. Vừa rồi, chúng tổ chức triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng thu gom khẩu trang y tế trên một số tỉnh thành để xuất lậu qua biên giới”.
Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng xử lý cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế.
Nếu người dân phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ theo đường dây nóng của Công an các đơn vị, địa phương. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Người dân cũng nên chọn mua, bán sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ./.
Theo VOV.VN