Ông Khuất Việt Hùng: Không để Nghị định 100 'đầu voi, đuôi chuột'

Việc triển khai Nghị định 100 bước đầu có thể nói là thành công nhưng để duy trì hiệu quả lâu dài còn nhiều việc phải làm...

 

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100) vẫn đang là câu chuyện nóng hổi trên nhiều diễn đàn, trong mỗi câu chuyện hàng ngày. Làm thế nào để Nghị định 100 đi vào cuộc sống và duy trì hiệu quả lâu dài là điều được nhiều người quan tâm.

Việc triển khai Nghị định 100 bước đầu có thể nói là thành công nhưng để duy trì hiệu quả lâu dài còn nhiều việc phải làm...

Sau gần một tháng Nghị định 100 đi vào cuộc sống, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

- Qua ba tuần triển khai thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe tham gia giao thông, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện?

- Ông Khuất Việt Hùng: Như chúng ta đã biết, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến nội dung, tác động ban đầu tích cực của những quy định mới, đặc biệt là nghiêm cấm điều khiển phương tiện khi hơi thở trong máu có nồng độ cồn.

Có thể nói qua ba tuần, CSGT toàn quốc kiểm tra trên 60.000 trường hợp, phạt trên 50 tỷ đồng. Trong đó, xử lý hơn 6.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 21 tỷ đồng.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Trong số này có 60 tài xế ôtô và 1.270 xe máy bị xử phạt ở mức cao nhất về vi phạm nồng độ cồn (vượt quá 0,40 mg/lít khí thở), với mức phạt tài xế ôtô từ 35 đến 40 triệu đồng và xe máy 8 triệu đồng.

- Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy giảm đáng kể số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu bia trong những ngày gần đây, ông có cảm thấy bất ngờ về những con số tích cực này?

- Ông Khuất Việt Hùng: Chúng ta đã biết, uống rượu bia rồi lái xe là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Với tình trạng lạm dụng rượu bia như ở Việt Nam, với văn hóa uống hiện nay, nếu giảm được hành vi điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia thì tất yếu tai nạn sẽ giảm.

Điều đáng mừng là, hiếm có quy định pháp luật nào chỉ sau một thời gian rất ngắn triển khai thực hiện lại tạo ra chuyển biến tích cực như vậy. Sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông đã làm cho NĐ 100 nhanh chóng được “phủ sóng” đến người dân.

Nhiều cuộc liên hoan tất niên, nhiều đám cưới đã không còn hoặc giảm hẳn sử dụng đồ uống có cồn. Kết quả là các chỉ số TNGT được kéo xuống, các bệnh viện giảm hẳn áp lực cấp cứu TNGT liên quan đến rượu bia. Đây là điều mà Ủy ban ATGT quốc gia tin tưởng sẽ đạt được nếu thực hiện nghiêm quy định nghiêm cấm có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

So sánh số liệu trong tháng 1/2020 (tính từ 15/12/2019- 14/01/2020), toàn quốc xảy ra 1.300 vụ TNGT, làm chết 591 người, bị thương 968 người. So với tháng 1/2019 giảm 227 vụ (- 14,87%), giảm 138 người chết (- 18,93%), giảm 169 người bị thương (- 14,86%). Đây là con số có phần không nhỏ từ việc chúng ta xử lý nghiêm tài xế uống rượu bia lái xe.

Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến nội dung, tác động ban đầu tích cực của những quy định mới, đặc biệt là nghiêm cấm điều khiển phương tiện khi hơi thở trong máu có nồng độ cồn.

- Cơ bản được dư luận xã hội đồng thuận nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng Nghị định 100 chưa thực sự thuyết phục. Ví dụ có nhất thiết phải cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện? Ông có thể làm rõ hơn về ý kiến này?

- Ông Khuất Việt Hùng: Quy định tuyệt đối cấm nồng độ cồn khi lái ô tô đã thực hiện được 10 năm. Số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, chưa ai khiếu nại vì bị phạt cả. Thực tế, Nghi định 100 chỉ có 2 điểm mới, thêm đối tượng (nghiêm cấm điều khiển phương tiện với xe máy và xe thô sơ có nồng độ cồn trong máu) và nâng chế tài lên.

Còn những điều cấm của Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã được truyền thông từ rất lâu và khẳng định mốc có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Việc trao đổi lấy ý kiến các cơ quan, tiếp thu lấy ý kiến của dư luận xã hội đã được triển khai.

Hồi tháng 5, tháng 6, khi có những vụ TNGT do người có nồng độ cồn gây nên, nhiều người còn nhắn tin cho tôi hỏi sao chế tài nhẹ thế? Dư luận lúc ấy đòi hỏi phải phạt tù, phải xử thật nặng những ma men lái xe, vì rượu vào lái xe có thể tước đoạt đi sinh mạng của người khác.

Người Việt Nam vốn duy tình, cả nể, mời mọc, khích bác, ép nhau uống vì rất nhiều lý do, đã uống một ly rồi thì sẽ khó dừng lại. Do đó, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn tạo ra chỉ giới rõ ràng để người dân thực hiện, tạo nên hiệu quả thực sự trong việc kéo giảm TNGT.

- Ông có tin rằng Nghi định 100 sẽ thành công giống như chúng ta đã thực hiện thành công quy định bắt buộc người tham gia giao thông phải đội nón bảo hiểm hồi năm 2007?

- Ông Khuất Việt Hùng: Tôi còn nhớ quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm khi mới đưa ra bị dư luận phản ứng khá dữ dội, báo chí cũng không ủng hộ, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện. 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm đã giảm được 15.000 người chết, giảm được 500.000 vụ chấn thương đầu, tiết kiệm cho nền kinh tế 3,5 tỷ USD.

Điều này cho thấy nếu Chính phủ, các bộ ngành quyết tâm thực hiện thì sẽ thành công. Nghị định 100 thuận lợi hơn khi ngay từ lúc ra đời đã nhận được sự đồng thuận của báo chí và dư luận xã hội. Việc chúng ta triển khai Nghị định 100 ngay trước Tết Nguyên đán, là thời điểm TNGT liên quan đến rượu bia thường tăng cao cũng rất có ý nghĩa.

Lái xe đã biết sợ Nghị định 100.

Đây là cơ hội tốt để chúng ta đưa Nghị định 100 vào cuộc sống, giúp người dân thay đổi nhận thức và hành vi. Việc triển khai Nghị định 100 bước đầu có thể nói là thành công nhưng để duy trì hiệu quả lâu dài còn nhiều việc phải làm.

- Cụ thể cần phải làm gì để duy trì hiệu quả lâu dài của Nghị định 100, thưa ông?

- Ông Khuất Việt Hùng: Tôi cho rằng, việc xử phạt nghiêm theo các chế tài của Nghị định 100 là yêu cầu bắt buộc, giúp người dân điều chỉnh hành vi. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và NĐ 100 để người dân thay đổi hẳn nhận thức về tác hại của rượu bia, từ đó thay đổi hành vi sử dụng rượu bia.

Đặc biệt, để quy định mới được thực hiện nghiêm cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của những người thi hành công vụ. Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp giảm cung rượu bia; hạn chế quảng cáo, tiếp thị bia rượu; hạn chế tiếp cận bia rượu...

Không để người dân, kể cả trẻ em mua rượu bia một cách dễ dàng như hiện nay. Trước mắt, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân; xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm để hiệu ứng của Nghị định 100 ngày càng lan rộng.

- Ông vừa nói đến trách nhiệm của người thi hành công vụ, nhiều người dân đang tỏ ý lo ngại về những tiêu cực trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn có thể làm giảm hiệu quả của Nghị định 100, bởi mức phạt càng lớn thì nguy cơ “chung chi” càng cao?

- Ông Khuất Việt Hùng: Ủy ban ATGT và các bộ ngành, địa phương đã xác định triển khai NĐ 100 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là giải pháp hữu hiệu nhất kéo giảm TNGT. Càng được người dân ủng hộ, kỳ vọng thì trách nhiệm với những người thực thi công vụ càng lớn. Bộ Công an đã có những giải pháp kiểm tra, giám sát lực lượng thực thi công vụ để ngăn ngừa, xử lý vi phạm.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.

Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành cũng đã yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, không nể nang, không có vùng cấm, tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.

Đơn vị, cá nhân nào vi phạm quy định, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ bị phê bình, kỷ luật. Chỉ thị 03 cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức phải nêu gương hành động.

Cán bộ, công chức nếu vi phạm ngoài bị xử phạt hành chính còn bị gửi thông báo về cơ quan và xử lý theo Luật Công chức; quân nhân vi phạm cũng bị xử lý theo quy định của lực lượng vũ trang.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc tuyên truyền, xử phạt theo Nghị định 100 sẽ được thực hiện nghiêm, được duy trì lâu dài, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, để TNGT sẽ được kéo giảm bền vững trong thời gian tới.

- Nghị định 100 đến thời điểm này phải nói là rất thành công, được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều người trong xã hội, theo ông là vì sao?

- Ông Khuất Việt Hùng: Theo tôi, hiếm có quy định pháp luật nào, sau một thời gian ngắn triển khai trong xã hội đã có chuyển biến tích cực, người dân từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng đến miền núi, ở đâu người dân cũng nói về các quy định xử phạt, trong đó đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.

Tôi muốn nói, xử phạt người tỉnh đã khó, xử phạt người say càng khó hơn, mỗi trường hợp xử lý vi phạm nồng độ cồn cần 5 cán bộ chiến sỹ. Với hơn 6.000 trường hợp được xử lý, cần hàng triệu cán bộ chiến sỹ công an. Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Nai... Việc xử lý vi phạm được toàn dân ủng hộ như vậy là rất thành công.

Một điểm thành công khác, cụ thể là chế tài ban hành không phải với mục đích xử phạt mà là thông điệp nhắc nhở, răn đe, tín hiệu đủ mạnh để giúp người dân không vi phạm. Có quốc gia áp dụng chế tài hình sự với lỗi sử dụng rượu bia vẫn tham gia giao thông nhưng không ai mong muốn phải xử lý. Đó là tính nhân văn trong việc ban hành chế tài xử phạt.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phi Long/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận