Thực thi Nghị định 100: Luật pháp bất vị thân

  • 21/01/2020 02:20:00
  • Chu Đức - Tuấn Linh - Hải Bằng
  • Xã hội
  • 0

Một thực trạng đáng lo ngại đó là một số người ỷ vào thế quen biết lực lượng chức năng, vẫn ngang nhiên tham gia giao thông sau khi 'tiếp khách' trên bàn nhậu.

 

Hơn ai hết, chính đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, đặc biệt là lực lượng xử lý vi phạm phải nêu gương thực hiện tốt Nghị định 100.

Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2020 đã và đang tạo ra những chuyển biến hết sức tích cực: Giảm mạnh số vụ TNGT liên quan đến rượu bia, ý thức người dân về việc “đã uống rượu bia - không lái xe” được nâng cao đáng kể qua hàng loạt trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phạt rất nặng.

Mặc dù vậy, tỉ lệ vi phạm bị phát hiện và xử lý vẫn rất cao. Tính trung bình mỗi ngày vẫn có hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt. Đáng chú ý, trong số này có số lượng không nhỏ giới công sở, công chức, viên chức.

Thực trạng nhậu tràn lan trong giới văn phòng

Anh Võ Anh Dũng (34 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ quan điểm:

"Vừa qua, Nghị định 100 được ban hành, tôi cũng thấy rằng tình trạng tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia giảm hẳn. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp cố tình chống đối, tiếp tục sử dụng rượu bia sau đó tham gia giao thông, có cả công nhân viên chức, có cả những người có quan hệ rộng. Vậy tôi băn khoăn không biết cơ quan chức năng có xử lý nghiêm những trường hợp này hay không, hay có gửi biên bản về cơ quan họ đang công tác để tiếp tục xử lý hay không?”

Theo chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, băn khoăn của anh Dũng là có cơ sở. Bởi một bộ phận người dân do tính chất công việc phải thường xuyên tiếp khách và có thói quen giao tế trên bàn bia, bàn rượu. Những người này có nguy cơ vi phạm nồng độ cồn khi sử dụng phương tiện giao thông rất cao.

Một số người ỷ vào thế quen biết lực lượng chức năng, vẫn ngang nhiên tham gia giao thông sau khi “tiếp khách” trên bàn nhậu.

“Một số người dân, đặc biệt là cán bộ công chức viên chức, doanh nghiệp giao tiếp thường xuyên, tiếp khách phải có những cái gọi là tí bia, tí rượu để đưa đẩy cuộc nói chuyện, bàn thảo ký kết hợp đồng. Đây là một thói quen kéo dài mấy chục năm nay. Cũng có những người có thể điều chỉnh được, có người không thể điều chỉnh được”.

Dù vậy, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết, đây không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc lạm dụng rượu bia, và không sợ bị xử phạt khi tham gia giao thông. Vẫn có người cậy quen biết với lực lượng chức năng để xin bỏ qua, hoặc gọi điện nhờ can thiệp khi bị xử lý vi phạm.

Đồng tình quan điểm này, PGS.TS Trần Thu Hương- Giảng viên khoa Tâm lý, Đại học KHXH&NV cho rằng, có một truyền thống trong giao tiếp doanh nghiệp là sử dụng rượu, bia để bắt đầu câu chuyện. Nhưng mặt trái khi dùng rượu bia thì ngoài việc ảnh hưởng đến cơ thể, nó còn ảnh hưởng đến chất lượng làm việc, hiệu quả công việc không cao.

PGS.TS Trần Thu Hương phân tích về mặt tâm lý của người vi phạm nồng độ cồn:

“Khi người ta sử dụng rượu bia mà bị cảnh sát giao thông dừng xe, kiểm tra thì ngay lập tức họ sẽ có những phương án nhờ ai đấy hoặc có những cách thức để không bị phạt nặng. Vì vậy, nó sẽ tạo ra vấn đề là họ sẽ thấy pháp luật không được nghiêm, vẫn có những kẽ hở và việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ những quy định của nhà nước dần trở nên không hiệu quả nữa”

Từng nhiều năm làm Tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn, và đa phần không dễ để ra quyết định xử phạt, do người vi phạm tìm đủ mọi cách để chống đối, chối tội, hoặc “xin tha”.

Thượng tá Quỹ nêu nguyên tắc làm việc:

“Trường hợp cán bộ chiến sĩ có người quen can thiệp khi nghe điện thoại thì giải thích rằng: Chúng tôi đang thực thi pháp luật, đề nghị anh chị, cô bác tạo điều kiện ủng hộ chúng tôi vì hành vi của lái xe đã gây nguy hiêm và nếu không xử lý thì sẽ thành tiền lệ, chính vì vậy chúng tôi lập biên bản theo quy định của pháp luật. Nếu có quan hệ hoặc có tình tiết khác thì đề nghị giải trình hoặc đến giải quyết sau, trên cơ sở đó có tình tiết tằng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét”

Ông Khương Kim Tạo - Nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng thừa nhận một thực trạng đáng lo ngại hiện nay: Có một số người ỷ vào thế quen biết lực lượng chức năng mà vẫn ngang nhiên tham gia giao thông sau khi “tiếp khách” trên bàn nhậu.

Theo ông Tạo, hơn ai hết, chính đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, đặc biệt là lực lượng xử lý vi phạm phải nêu gương thực hiện tốt Nghị định 100:

“Hiện nay chúng ta đã có Thông tư 67 của Bộ Công An rồi, nhân dân giám sát việc đấy thì sẽ có điều kiện để chúng ta xử lý cả cán bộ uống rượu bia, cả lực lượng cảnh sát giao thông mà bỏ qua lỗi uống rượu bia mà vấn điều khiển phương tiện giao thông”

Nhấn mạnh về biện pháp để hạn chế thói quen “tiếp khách trên bàn nhậu” tràn lan trong giới công sở, công chức, viên chức, PGS.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định, Nghị định 100 đang là “phương thuốc đặc trị” rất hiệu quả. Thực tế, hình ảnh các hàng rượu quán bia rơi vào cảnh ế khách, những bàn tiệc tất niên cuối năm gồm toàn trà và nước hoa quả là những minh chứng sống động.

Để có được sự chuyển biến tích cực như vậy, ngoài chế tài đủ tính răn đe, Nghị định 100 cũng đang được triển khai hết sức nghiêm minh, công bằng. PGS.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định:

“Tôi vào Sóc Trăng, thì ngay cả khi chưa có Nghị định 100, kể cả cán bộ công chức, có chức có quyền mà anh vi phạm cũng bị xử lý. Trật tự ATGT ở đó có mức độ phát triển, tiến bộ tốt hơn. Trước mắt chúng ta phải chấp hành nghiêm chỉnh Nghị định của Chính phủ ban hành. Nhưng tôi còn 1 băn khoăn, liệu chúng ta có thể chấp hành và thực hiện một cách nghiêm chỉnh trong một thời gian dài và liên tục hay không. Còn nếu đúng như Bộ Công an đã triển khai làm thật nghiêm chỉnh thì tôi cho rằng sẽ có kết quả rất tốt.”

Luật pháp bất vị thân

Làm việc trong môi trường báo chí, không ít lần tôi được người quen, người thân gọi điện nhờ giúp đỡ. Có lần, một người anh họ ở quê ra bệnh viện Trung ương khám lưng, gọi tôi xem có cách nào để được khám nhanh. Tôi đến gặp, chỉ cho anh thấy, hàng dài bệnh nhân già yếu, trẻ nhỏ ngồi xe lăn, nằm cáng chờ dọc hành lang, rồi bảo “Họ còn bị nặng hơn anh mà vẫn phải chờ, ai cũng muốn chen ngang, muốn được ưu tiên thì họ phải chờ đến khi nào?”

Lần khác, một cô bạn gọi điện “cầu cứu” vì bị CSGT dừng xe sau khi vượt đèn đỏ. Tôi nói, việc cô ấy nhờ nằm ngoài khả năng của tôi. Cô ấy nên chấp hành xử phạt, để ghi nhớ và không tái phạm. Vả lại, nếu cùng một hành vi, người bị xử lý, người không thì đâu còn là luật pháp.

Cả hai trường hợp vừa nêu sau đó đều không còn gọi điện cho tôi nữa, mỗi khi gặp tình huống mà theo họ là “có vấn đề”, trong khi với đa số người khác lại là tất yếu. Bệnh viện đông đương nhiên phải xếp hàng; Vi phạm luật giao thông đương nhiên phải bị xử lý.

Luật pháp vốn không có ngoại lệ. “Luật pháp bất vị thân” là một trong những nguyên lý cơ bản để mang lại sự công bằng cho mọi người. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu nguyên lý ấy. Họ có vị trí nhất định trong xã hội, thường ỷ thế, hoặc cậy nhờ các mối quan hệ để khi vi phạm pháp luật, tự cho mình quyền được ưu tiên hơn người.

Một tài xế lái xe biển xanh chở theo Bí thư huyện ủy không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nồng độ cồn mà vọt ga “thông chốt”. Một Trung tướng về hưu mắng sa sả CSGT, đòi cách chức Giám đốc Công an TP chỉ vì xe chở ông này bị xử lý lỗi chạy quá tốc độ. Hay một doanh nhân say xỉn, sàm sỡ hành khách trên máy bay, bị nhân viên hàng không nhắc nhở thì miệt thị, xúc phạm, rồi buông lời nổi tiếng “Mày biết tao là ai không?”.

Có thể thấy, ở một vài nơi, còn tình trạng thực thi pháp luật không nghiêm, cán bộ xử lý nể nang, thiếu dứt khoát, dẫn đến những trường hợp coi thường pháp luật, bất chấp các khuôn khổ đạo đức, luân thường đạo lý.

Còn nhớ, trong cuộc họp đầu năm 2020 của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, chỉ huy đơn vị đã khẳng định: Lực lượng CSGT sẽ xử lý kiên quyết với mọi trường hợp vi phạm, bất kể người vi phạm là ai, chức vụ gì, làm việc ở cơ quan nào. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có chỉ thị “tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến tiêu cực” khi thực hiện Nghị định 100.

Đây có thể coi là thông điệp mạnh mẽ đối với những kẻ vốn có tâm thế ỷ lại, cậy quyền lực, cậy quen biết, tự xem mình như những “ông trời con”. Chắc chắn, họ sẽ bị đào thải khi đứng ngoài, thậm chí đi ngược lại xu thế vận động và tiến bộ không ngừng của xã hội - một xã hội pháp quyền với nền pháp luật hướng tới sự nghiêm minh, công bằng, không có ngoại lệ./

Chu Đức - Tuấn Linh - Hải Bằng/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận