Dự án tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường
Nhiều du học sinh, trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, bằng nhiều cách khác nhau họ vẫn có thể cống hiến cho đất nước chứ không hẳn phải về nước. Nghiên cứu sinh Võ Kim Thảo chia sẻ: Ý tưởng Dự án Học bổng “Việt Nam Quê hương tôi” của em xuất phát từ việc chứng kiến rất nhiều học sinh nghèo các tỉnh Huế, Quảng Trị, Quảng Bình phải bỏ học. Trong khi đó Thảo lại thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các du học sinh Việt Nam ở các nước và các bạn luôn bày tỏ mong muốn làm được gì đó cho quê hương. Từ đó, dự án ra đời có tên gọi “Việt Nam quê hương tôi”, thể hiện khát khao của mọi người muốn hướng về quê hương.
Sáng kiến này đã được Tiến sĩ Hoàng Hà Thi (ĐH Harvard, Mỹ) và Nghiên cứu sinh Võ Thị Kim Thảo triển khai thành dự án nhân ái, kết nối các du học sinh Việt Nam trên toàn cầu đóng góp tạo quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi tại quê hương được tiếp tục đến trường. Theo khảo sát của dự án, ở Quảng Trị 2017 – 2018 có 643 học sinh bỏ học; Tây Ninh có 543 học sinh; Đắk Lắk có trên 500 học sinh; cả nước (63 tỉnh thành) có hàng trăm ngàn học sinh bỏ học mỗi năm. Một trong những nguyên nhân chính khiến các em bỏ học là điều kiện kinh tế khó khăn. Mong rằng quỹ học bổng này sẽ góp phần giúp đỡ, bồi dưỡng và tạo điều kiện phát huy tiềm năng.
Nhóm làm dự án ước tính du học sinh Việt Nam ở nước ngoài chi phí khoảng 130,000$/năm (năm 2016). Do sự chênh lệch tỷ giá nên ước tính mỗi du học sinh trích chỉ 1EUR/ngày thì một năm sẽ được 360EUR/năm, tương đương 9.000.000 VNĐ có thể đủ học phí cho 1 học sinh tại Việt Nam. Hiện có hơn 4 triệu người Việt, cùng với khoảng 136.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, chỉ cần 0,01% tham gia thì có hơn 4.000 trẻ em ở Việt Nam được tiếp tục đến trường.
Dự án “Việt Nam Quê hương tôi” đang được triển khai với các định hướng là: Hình thành mạng lưới liên kết người Việt khắp 5 châu; Tinh thần hướng về quê hương nguồn cội; Mô hình crowdfunding; Đóng góp nhỏ mỗi người - tạo sức mạnh lớn, ai cũng đều có thể chung tay; Trao cơ hội và động lực vươn lên cho các em học sinh yếu thế trong xã hội; Truyền cảm hứng về một xã hội sẻ chia và lan tỏa yêu thương.
“Dù anh Thi và Thảo hiện nay cũng khá "ngập mặt" với việc làm và việc học, nhưng cứ nghĩ tới việc mình chỉ cố gắng thêm xíu thì biết đâu có thêm 10-100-1000 em được tiếp tục ước mơ đi học thay đổi tương lai! Hy vọng có thể xây dựng mạng lưới giao lưu người Việt toàn cầu hướng về nguồn cội” – Võ Kim Thảo chia sẻ.
Còn nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Sao Ly (Johns Hopkins School of Medicine, Mỹ) mong muốn được chia sẻ về chương trình giáo dục mô hình Sare đến các chương trình trung học tại Việt Nam. Mô hình Sare nhắm đến các em học sinh cấp 3 có gia đình thuộc diện khó khăn, thu nhập thấp tại Baltimore. Đây là mô hình đã được ứng dụng thành công tại TP Baltimore của Mỹ. Sare kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức và nhà hảo tâm, đồng thời, mang đến cho học sinh sự hỗ trợ học tập chất lượng cao.
Sao Ly chia sẻ: Từ nguồn kinh phí tài trợ, Sare lên kế hoạch tổ chức chương trình, chọn ra các em học sinh tham gia. Tại các đơn vị đào tạo, các em sẽ được thực hành các môn khoa học, được dạy bởi những người có chuyên môn và trực tiếp thực hành. Thông qua chương trình, các em học sinh sẽ nhận được kiến thức về môn khoa học, ngành nghề mà mình quan tâm, được đào tạo kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng thực hành. Từ đó, các em sẽ có được định hướng cụ thể cho sự phát triển bản thân trong tương lai. Sare là một mô hình phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam và đặc biệt là giáo dục trước đại học. Mong rằng, nó sẽ được áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài
Không chỉ có nhóm Võ Kim Thảo mà còn rất nhiều trí thức trẻ ở nước ngoài cũng muốn đóng góp cho quê hương. Nghiên cứu sinh Trần Lê Hưng ( Hiệp hội khoa học chuyên gia toàn cầu- ANSE) chia sẻ: “Dù đã có 11 năm sống tại Pháp và luôn nung nấu ý định… trở về quê hướng để cống hiến. Và rồi em “dừng chân” tại ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) với lời khuyên nên làm luôn Tiến sỹ rồi trở về nghiên cứu, giảng dạy. Hiện em đang làm Tiến sỹ đề tài “Duy tu và bảo trì đường sắt” tại ĐH Cầu đường Pari ( ENPC), do một công ty đặt hàng trực tiếp để đưa vào thử nghiệm, ứng dụng”.
Theo Lê Hưng, trí thức không chỉ là những nhà khoa học, những người có trình độ học vấn cao, mà trí thức còn là người có tay nghề cao ở mọi lĩnh vực. Điều đáng chú ý là theo khảo sát của nhóm Lê Hưng, lương không phải là yếu tố quan trọng nhất để thu hút nhân tài trở về và cống hiến lâu dài cho đất nước. Mà điều quan trọng, nhân tài trở về, họ mong được tôn trọng, công bằng trong công việc; cần môi trường ứng dụng thực tế nghề nghiệp, chất lượng và môi trường làm việc...
Khi khảo sát của nhóm về rào cản gì khiến số lượng nhân tài người Việt trở về còn hạn chế. Nhóm Lê Hưng đã nghiên cứu chính sách nhân tài của nhiều quốc gia trên thế giới và nhận được gần 500 đóng góp của các chuyên gia, nghiên cứu sinh từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua đó, đã xác định những rào cản, các bất cập, trong việc thu hút và giữ chân nhân tài của Việt Nam. Một trong các rào cản lớn đó là môi trường sống, và môi trường làm việc tại Việt Nam.
Báo cáo cũng đề cập các xu thế muốn trở về phục vụ quê hương của người Việt. Lương bổng vẫn chưa phải là vấn đề lớn nhất. Mà rào cản lớn nhất là môi trường làm việc (36%) tại Việt Nam không tốt, dẫn đến khó hòa nhập, sự khác biệt về môi trường làm việc và tài chính giữa nước ngoài và Việt Nam. Ví dụ như vấn đề minh bạch, công bằng, thủ tục hành chính rườm rà, thiếu nhất quán trong cách xử lý, sự so bì giữa cán bộ cũ và cán bộ mới trở về, bè phái, thiếu hỗ trợ từ đồng nghiệp, phương thức và văn hóa làm việc không phù hợp dẫn đến khó tìm được tiếng nói chung...
Qua đó, nhóm cũng kiến nghị các chính sách cần thực hiện để thu hút nhân tài người Việt Nam về nước làm việc như: Lập chính sách quốc gia về thu hút, giữ chân, và đào tạo nhân tài để định hướng toàn xã hội thực hiện; Lập cơ quan chuyên trách về tuyển dụng nhân tài; Lập danh sách các ngành nghề thiếu hụt để duyển dụng nhân tài đúng nhu cầu. Lương cao và nhiều ưu đãi là cần để thu hút nhân tài, nhưng vẫn chưa đủ. Nhà nước và các cơ quan, công ty cần lên lập và thực hiện các chính sách cải thiện môi trường làm việc và môi trường sống tại Việt Nam ngày một tốt hơn, biến Việt Nam thành nơi đáng sống. Xây dựng và phát triển mạng lưới nhân tài Việt toàn cầu, mạng lưới kiều bào xa quê hương (Vietnam Diaspora network), để tạo ra vòng quay nhân lực đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của quốc gia...
Thực tế, Việt Nam hiện có số lượng khá lớn nhân tài trong số hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Và lý do chính để nhiều người quyết định trở về quê hương là: Mong muốn tạo ra những thay đổi tại Việt Nam với trên 40% ý kiến. Với tấm lòng hướng về quê hương tổ quốc, và các mong muốn thiết tha được góp phần làm rạng danh đất nước. Đáng chú ý, không ít nhân tài người Việt đang trong tâm thế chủ động, sẵn sàng đương đầu với các thử thách và nhìn thấy các cơ hội phát triển sự nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, đó là tấm lòng hướng về quê hương Tổ quốc, và các mong muốn thiết tha được góp phần làm rạng danh đất nước.
Thời gian qua, xu hướng quay về Việt Nam làm việc hoặc tham gia hợp tác ngày càng tăng lên. Nhà nước đã có các chính sách, tạo điều kiện cho các chuyên gia người Việt Nam hợp tác và làm việc với đội ngũ trí thứ trong nước. Nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển với nhiều công ty, tập đoàn trong nước cũng như nước ngoài đang đầu tư và mở rộng. Cơ hội tìm được các việc tốt và ổn định tại Việt Nam nhiều hơn.
"Em đang tham gia một dự án tiền khả thi của Bộ Khoa học & Công nghệ về Đường sắt Việt Nam, dự kiến đầu tháng 1/2020 sẽ tiến hành thực nghiệm. Hơn nữa, với đề tài của em, cũng có thể ứng dụng thẳng vào duy tu đường sắt ở Việt Nam. Cùng với đó, qua mạng lưới tri thức em cũng được giới thiệu với ĐH Giao thông vận tải để liên kết làm một số dự án...”- Lê Hưng chia sẻ.
Dù ở bất cứ nơi đâu cũng đóng góp được cho quê hương
Trong thời gian gần đây, xu hướng luân chuyển chất xám, việc đi hay ở đối với nhân tài không mấy quan trọng nữa, vì dù ở bất cứ nơi đâu họ vẫn có thế cống hiến cho Tổ quốc bằng nhiều cách khác nhau.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai có sự tham gia của 236 đại biểu chính thức, trong đó có 106 đại biểu đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới là trí thức trẻ Việt Nam đang học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài. Diễn đàn đã bước đầu chuyển đổi việc đặt câu hỏi du học sinh về hay ở, khi tạo ra kênh kết nối để họ lúc nào cũng có thể đóng góp, tương tác, liên kết với các đơn vị khoa học ở Việt Nam.
Tại Diễn đàn này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cũng khẳng định: “Trí thức trẻ Việt Nam, dù các bạn ở bất cứ đâu, các bạn đều mong muốn có một Việt Nam dân giàu nước mạnh, một Việt Nam vẻ vang đứng trong đội ngũ các quốc gia phát triển trên thế giới. Chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng quan trọng là chia sẻ với nhau khát vọng. Một khi cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu hợp tác, chia sẻ, cùng góp trí tuệ và chung vai hành động thì mục tiêu vì một Việt Nam phát triển bền vững sẽ sớm thành hiện thực”.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai bày tỏ niềm vui được gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi về những vấn đề trí thức trẻ quan tâm cho sự phát triển đất nước và mong muốn diễn đàn lần này không chỉ là nơi gặp gỡ, chia sẻ, kết nối mà sẽ có hành động thiết thực góp phần cho đất nước. Bà Mai cho rằng, các trí thức trẻ có mặt ngày hôm nay thực sự là tấm gương, kinh nghiệm tốt cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo. Bên cạnh mạng lưới trí thức trẻ toàn cầu, hiện nay, để thu hút đóng góp của trí thức trong và ngoài nước còn có mạng lưới đổi mới sáng tạo với khoảng 100 nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài hàng đầu trong các lĩnh vực.
Bà Trương Thị Mai cho biết: “Các cơ chế và chính sách của Việt Nam đang trong quá trình tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để có thể tạo được môi trường thuận lợi hơn cho đóng góp của trí thức, trong đó có trí thức trẻ trong và ngoài nước. Tôi tự hào khi ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước thành đạt, có nhiều tâm huyết, hoài bão, muốn cống hiến cho quê hương, đất nước. Thanh niên luôn là lực lượng rường cột của nước nhà, lớp thanh niên ngày nay đang đứng trước nhiều cơ hội, nhiều thách thức để khẳng định và đóng góp. Mong rằng, lực lượng trí thức trẻ dù ở đâu cũng luốn luôn có Việt Nam trong trái tim mình.”./.
Thu Hằng
"Tôi tự hào khi ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước thành đạt, có nhiều tâm huyết, hoài bão, muốn cống hiến cho quê hương, đất nước. Thanh niên luôn là lực lượng rường cột của nước nhà, lớp thanh niên ngày nay đang đứng trước nhiều cơ hội, nhiều thách thức để khẳng định và đóng góp. Mong rằng, lực lượng trí thức trẻ dù ở đâu cũng luốn luôn có Việt Nam trong trái tim mình”- Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
|