Trời sa mưa bắt đầu mùa vụ
Lúa thần nông chỉ bắt đầu từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, còn lúa mùa đã cặm rễ từ lâu trên đất đai đồng bằng mà tạo dựng nên nếp sinh hoạt, một nền văn hóa lúa mùa. Lúa mùa có một đặc tính sinh học độc đáo là trổ không theo ngày tuổi mà theo hiệu ứng quang cảm ánh sáng. Nên có giống nhạy cảm mạnh với ánh mặt trời bắt đầu trổ sớm như các giống Sa Quay, Nếp Thơm, Hà Tiên; còn muộn hơn đến sau Tết Nguyên đán, được gọi chính vụ có: Ba Bụi, Than Tàu, Trắng Lùn, Ba Vội, Ba Túc… Dù có bao năm tháng xa rời với mùi bùn, đồng rạ nhưng hình ảnh những mùa lúa nổi vẫn dịu dàng trôi qua miền nhớ như dòng sông đong đầy kỷ niệm quê hương.
Dòng đời lúa mùa “đi vắt” 2 mùa mưa nắng, mùa nước nổi và mùa tết nhứt, nên giống lúa này hầu như đã gói trọn vẹn đời sống văn hóa đồng bằng của cả người Kinh và người Khmer Nam bộ. Nhưng nội cái chuyện chuẩn bị làm đồng, nuôi mạ, dọn đất thôi đã là biết bao nét đẹp của tình đất tình người, chân phương gắn liền với thời tiết, đất trời. Vậy nên có một niềm tin tín ngưỡng xuất phát từ nền văn hóa lúa nước để lại mãi cho đời sau, cho dù lúa mùa đã biệt hình, biệt dạng từ lâu trên đồng đất quê mình.
Rộn ràng nhất hạng lúc chuẩn bị làm đồng, mịt mù khói phủ như cả bầu trời trên cao đổ hết khói mây xuống ruộng. Đây là thời điểm rất quan trọng, phải kỹ lưỡng từng chút một, cho tới những kiêng cữ tâm linh cốt sao không để sơ sảy một vụ mùa trước mặt. Bởi 1 năm 12 tháng, 365 ngày chỉ có 1 vụ mùa, thất bát một trận coi như đói đến năm sau.
Ngay khi mới lọt lòng, những đứa trẻ đã được trao truyền kinh nghiệm mùa màng, thấm đẫm văn hóa nông nghiệp từ trong câu hát, lời ru chất chứa tình yêu đất đai, kỹ năng lao động, rồi lớn dần lên lại tiếp thu, kế thừa và phát triển cả một gia tài văn hóa ứng xử với đồng ruộng, thiên nhiên. Rõ ràng, trồng lúa mùa xưa của ông bà mình là hình thức sản xuất thuận theo tự nhiên. Cả quá trình sản xuất, cây lúa và con người cùng nương theo những quy luật tự nhiên, ứng xử hợp lẽ theo những từng diễn biến của thời tiết.
Mùa mưa đến, hột lúa mọc ngoài đồng, con cá bắt đầu kéo bầy lên ruộng sinh sôi nảy nở, con người cũng ra đồng chăm sóc cây lúa, để bắt con cá mà ăn, cây lúa lớn cao theo con nước nổi. Hết mùa mưa, chuyển sang mùa khô, cây lúa trổ bông, cánh đồng như nghiêng chắt sạch nước, con cá cũng theo đó quay trở về với sông rạch, những cánh đồng chuyển sang chín vàng, con người lại rộn ràng đón mùa thu hoạch. Những hạt ngọc trời chảy về đầy bồ, là nguồn sống ấm no cho mỗi gia đình.
Những ngày đầu chuẩn bị vụ mùa, muộn lắm cũng là khi bầu trời vần vũ chuẩn bị sa mưa đầu mùa, là phải lo trải rơm ở góc ruộng bằng phẳng rồi đốt rơm đó là nơi để làm mạ. Đám cháy nhiều khi tràn lan cả cánh đồng mịt mù khói lửa. Những hột lúa giống thường được chọn từ đám ruộng nhà mình, chọn lúa cội đập riêng cho vào bao cất giữ. Có người lựa từng bó, lựa từng bông thấy hột lúa có đuôi là chuyển qua lúa thịt. Mỗi giạ lúa giống gieo mạ, cấy ra được cỡ 4 công tầm cắt. Sau nhiều năm, hễ thấy ruộng người khác trúng hơn, ngon cơm hơn, thì chuẩn bị… rượu mồi đến nhà người ta năn nỉ mà xin đổi giống.
Lo giống rồi thì tính chuyện trâu cày. Hồi đó, nhà nào có ruộng nhiều chưa hẳn có trâu; nhưng nhà nào có trâu đương nhiên là có ruộng. Mỗi cặp trâu trưởng thành thì cày giỏi ngày được khoảng 50 công đất. Người ta chuộng trâu cái vì chúng siêng năng và nghe lời hơn. Trâu đực muốn xài được thì phải thiến cho bớt hung hãn. Trâu đực 5 tuổi bắt đầu lên cổ, trâu cái 5 tuổi cũng bắt đầu sinh sản. Trước khi cấy mạ, mới thấy vai trò của những con trâu quý giá, quan trọng thế nào đối với nông dân. Vì đa phần không có trâu nên phải đi đặt mối trước ngày cày, bừa, trục trạc. Việc cày mướn cho người khác gồm cả trục 2 tác chiếc (1 tác chiếc là 1 lượt), để chủ đất làm cỏ (chế, lạng bằng phẳng) và 1 tác đôi để chủ ruộng bắt đầu cấy. Một công đất cày, thường thiếu lại đến khi lúa chín, chủ đất trả chủ trâu là 2 giạ lúa.
Còn nhiều công việc trên đồng, dọn đất, cấy mạ, thu hoạch… mỗi giai đoạn gắn liền với tiết trời, với sự chuyển mùa, theo đó mà con người cũng có những sinh hoạt đổi thay làm thành một nếp riêng tích lũy nhiều kinh nghiệm dân gian trong đó.
Đi qua đồng nước nổi
Sau chuyện chuẩn bị những ngày mùa với biết bao lo toan, bận rộn thì nông dân coi như khỏe và chờ nước về… troéo ngoảy trên võng ca vọng cổ, buồn buồn thả mấy tay lưới, giăng mấy luồng câu kiếm thêm cá mắm cải thiện bữa ăn hay làm mồi lai rai ngắm đồng chiều mênh mông bát ngát. Còn đợi đến ngày thu hoạch cho lúa chạy về bồ. Vậy nên ngày xưa ông bà làm lúa mùa mỗi năm chỉ có 1 vụ mà sao nghe chuyện “xong ruộng” đến 2 lần là vậy.
Xong ruộng đợt đầu là đã làm đất cấy mạ, giặm, sạ xong xuôi; xong ruộng đợt hai chính là thu hoạch. Lại bắt nhớ về một không gian văn hóa đồng bằng mình đã biệt hình, biệt dạng từ lâu, với những chiếc xuồng con trôi giữa đám ruộng mùa nước nổi, lá lúa cọ vào be xuồng xào xạt, có mấy thằng nhỏ chăm chăm mắt tìm bắt từng con nhền nhện đem về làm mồi câu cá chơi…
Lại nhớ chuyện cọng bàng để thấy ông bà mình hồi xưa sống đúng là đỉnh cao của văn hóa, văn minh. Cái chuyện nỗi khổ của thời đại ô nhiễm rác thải nhựa thì cây bàng, cây lác giải quyết hết. Ngẫm nghĩ, biết đâu sau này trong “phong trào” du lịch nông nghiệp, cọng bàng sẽ trở lại chễm chệ trong các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, rồi sẽ được xuất ngoại như món hàng mỹ nghệ có hàm lượng văn hóa cao sâu của miền Tây Nam bộ.
Nhớ ông bà mình hồi xưa trữ lúa bằng bồ nan cật tre, còn đựng lúa bằng bao cọng bàng mới thấy hay làm sao. Hồi đó, đựng lúa bằng cái cà ròn theo tiếng Khmer, chính là bao dệt bằng cọng cỏ bàng. Một loại cỏ hoang giống cỏ lác, nhưng cọng tròn mọc từng đám ở vùng lung sâu, phèn nặng. Ở vùng Tứ giác Long Xuyên hồi đó nhiều lắm, ông bà mình nhổ về phơi từng cọng cho héo rồi dùng chày giã cho dập và mới đan thành bao cà ròn. Mỗi bao đựng chừng 1,5 giạ lúa hột (30kg). Cỏ bàng còn được đan thành những tấm đệm phơi lúa, những tấm nhỏ hơn khâu lại thành những chiếc nóp mang theo bên mình ngủ đồng, ngủ ruộng tránh muỗi mòng. Những chiếc nóp đó mùa thu nào cũng đã theo chân ông cha mình mà làm nên mùa thu “Nam bộ kháng chiến”. Cọng bàng còn dệt nên những chiếc tụng đệm, những chiếc túi xách, những chiếc nón rộng vành vừa dân dã mà cũng có khi thời thượng, sang trọng biết bao.
Mãi sau này, thời Pháp thuộc gia tăng sức ép năng suất để phục vụ chính sách cai trị của Pháp và năng lực kinh doanh, các chành lúa gạo của người Hoa, nên xuất hiện thêm bao bố đựng lúa giai đoạn này, rồi sau này mới tới bao ni lông. Khoảng những năm 70 của thế kỷ XX, bao bố và bao ni lông “hợp lực” nhau, đẩy bao cà ròn vào miền quên lãng. Đây cũng là thời kỳ lúa mùa đã bắt đầu câu chuyện buồn của mình đến ngày nay.
Nhắc chuyện làm ruộng theo lối xưa của ông bà mình, kỳ vọng về một cuộc hồi sinh kỳ diệu bằng cách thức nào đó trong tương lai./.