'Chúng tôi là những nhà-chống-lũ'

  • 18/01/2020 11:53:46
  • Lưu Hường
  • Xã hội
  • 0

Chương trình Nhà chống lũ tập trung các giải pháp giúp cộng đồng ứng phó và sống bền vững với thiên tai...

 

Ths. Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) - Chủ tịch Tập đoàn GroupG Asia Pacific (Singapore), sáng lập Quỹ hỗ trợ và Phát triển cộng đồng sống bền vững tự gọi mình và cộng sự bằng danh xưng như vậy.

Chúc mừng Jang Kều - một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam năm 2019 được tạp chí Forbes bình chọn! Từ khi nào bạn có ý tưởng làm dự án Nhà chống lũ?

Tôi và bạn bè của mình trước đây rất hay đi từ thiện. Cứ ở đâu có lũ là chúng tôi đến để cứu trợ. Với hầu hết người dân họ đều muốn gắn bó với mảnh đất quê hương, họ không muốn rời đi một nơi khác. Vậy nên chúng tôi xây lại chính ngôi nhà của họ đã bị sập nhưng có khả năng chống lũ, chống bão. Cho đến năm 2009, khi chúng tôi đến huyện Đại Lộc ở tỉnh Quảng Nam, thật sự hình ảnh quá tang thương khiến tôi không thể nào quên được. Từ đó, tôi nung nấu ý định phải nghĩ có một ngôi nhà an toàn cho bà con vùng lũ.

Chuyến khảo sát Forest Symphony lần đầu tiên tại Tây Nguyên của Jang Kều. (Ảnh: NVCC)

Tôi cứ nung nấu ước mơ đó suốt 4 năm, mãi cho đến năm 2013, một cơn lũ lịch sử nữa lại đến và bên cạnh những hình ảnh mất mát đau lòng thì tôi chợt thấy một ngôi nhà đặc biệt được chia sẻ trên trang cá nhân. Đó là ngôi nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên 6 cọc bê tông, kiên cường giữa biển nước. Phần móng và khung bê tông là do một chuyên gia về vật liệu nhẹ dành tặng người hàng xóm ở quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) của mình, còn phần nhà gỗ là căn nhà cũ của chủ nhà được đưa lên. Vào thời điểm đó, căn nhà đã tồn tại hơn 10 năm.

Tôi nghĩ sẽ kêu gọi cộng đồng chung tay giúp phần khung cho căn nhà và hộ được giúp sẽ hoàn thành phần còn lại. Và vào thời điểm tháng 11/2013, phần khung chắc chắn có giá khoảng 25 triệu, một số tiền khả thi để kêu gọi cộng đồng quyên góp. Thế là tôi quyết định tổ chức event gây quỹ với hình thức bán đấu giá các bức tranh nghệ thuật. Chúng tôi đã xây được 5 căn nhà chống lũ đầu tiên tại Hương Sơn, Hà Tĩnh trước Tết năm đó.

Nhà chống lũ được người dân hiểu đúng nghĩa là gì?

Hầu hết người dân ở các vùng thiên tai đang sống trong nhà đơn sơ, một tầng, khi nước lũ dâng lên có thể ngập lên tới mái và rất dễ bị sập khi gặp mưa bão. Một ngôi nhà chắc chắn là nền tảng cho cuộc sống an toàn của người dân trước sự khắc nghiệt của mưa gió bão giông. Thế nên, "nhà chống lũ" là những ngôi nhà đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân và có khả năng chống chịu trước thiên tai.

Trong quá trình thực hiện, dự án áp dụng phương thức "chung tay" yêu cầu các hộ dân tham gia vào việc thiết kế và đóng góp công sức, tài chính trong suốt quá trình xây dựng. Một điều đặc biệt nữa ở những ngôi nhà chống lũ đều không hề gắn biển tên nhà tình thương. Vì thế, chủ hộ luôn tự hào rằng “nhà chống lũ” chính là ngôi nhà an toàn của mình, do chính gia đình mình tự xây dựng lên với sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng. Đó là ngôi nhà của sự vươn lên, nỗ lực và tình yêu thương.

Ths. Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), sinh năm 1979 Top 50 người Phụ nữ có Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 theo tạp chí Forbes - Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia do UNESCO và Trung ương Đoàn trao tặng năm 2016 - Giải thưởng We Choice Award 2017 cho nhóm dự án có ảnh hưởng đến cộng đồng.

Jang Kều hiện đang là chuyên gia tư vấn thương hiệu & truyền thông, chủ tịch của một số doanh nghiệp tại Việt Nam và Singapore. Từ năm 2000-2001, chị có thời gian làm điều phối một dự án bảo vệ môi trường của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) & Danida. Trong nhiều năm, các công ty và CLB của chị đã liên tục có các hoạt động cứu trợ lũ lụt tại miền Trung, hỗ trợ các trung tâm trẻ mồ côi và người già không nơi nương tựa. Và hiện tại, chị dành phần lớn thời gian của mình cho các hoạt động của Sống Foundation.

Và một ý nghĩa nữa, "nhà chống lũ" là muốn nói đến những thành viên, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia "chống lũ", giống như cách gọi của các nhà báo, nhà thơ, nhà khoa học… (cười). Chúng tôi là những nhà-chống-lũ, đúng không nhỉ?

Và kết quả ngày hôm nay mà bạn cùng cộng sự đã đạt được?

Suy cho cùng thì tất cả những gì chúng tôi làm đều xuất phát và phải xuất phát từ nhu cầu của người dân. 6 năm qua, dự án đã xây được 705 căn nhà và hơn 50 nhà vệ sinh cho bà con tại 11 vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai trong cả nước. Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu hạn hán nặng năm 2016, dự án giúp bà con bằng phương thức hỗ trợ sinh kế, chúng tôi đã tặng cho bà con hơn 20 đàn vịt biển, 45 con dê giống và cung cấp hơn 120 bồn nước sạch cho bà con.

Đến năm 2018 thì dự án Hạnh Phúc Xanh ra đời, với mục đích tăng mật độ phủ xanh, và tạo thêm không gian để con người gắn kết, sống hài hòa với thiên nhiên. Đến nay, chúng tôi đã trồng hơn 15.000 cây xanh, bao gồm cây đô thị và cây phòng hộ. Hiện tại chúng tôi cũng đang xây Công viên Hạnh phúc xanh tại quận 12, TP.HCM và đang thiết kế cho Công viên Hạnh Phúc Xanh tại Cửa Đại, Hội An.

Kể lại có vẻ chỉ là con số, nhưng đọng lại trong tôi sâu đậm nhất chính là những giọt nước mắt và nụ cười hạnh phúc của bà con khi họ có ngôi nhà khang trang sống an tâm, an toàn trong mùa bão. Đến đây tôi lại nhớ tới vài dòng đã đọc được trong quyển sách "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: "Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó...".

Hành trình dài để có thành công hôm nay, với bạn chắc hẳn có nhiều gian khó?

Chắc chắn chứ, chúng tôi đã trải qua rất nhiều gian khó. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất lại chính là niềm tin của người dân - niềm tin vào dự án và vào chính bản thân họ. Người dân mình quen được nhận tiền cứu trợ rồi, sao dự án lại đến yêu cầu họ phải đối ứng 50% giá trị căn nhà? Và tại sao người dân phải tin vào những người xa lạ mới gặp lần đầu? Bài học kinh nghiệm ở đây là không có công thức nào để áp dụng cho mọi người tin vào dự án mà phải hiểu hoàn cảnh của từng người, hiểu luôn cả tính cách của họ.

Chúng tôi tạo niềm tin ở từng hộ gia đình, tìm hiểu khả năng tự vươn lên của họ, kể cả tính toán nếu phải đi vay thì họ làm gì để trả. Ai cũng nói người dân làm gì có tiền đối ứng, nhưng khi biết khơi gợi cho họ sự tự chủ, họ có thể bán trâu, bán bò, có thể đóng gạch, làm ngói, đan mái hiên, vách tre… để có thể góp đủ 50% giá trị. Có hộ hai vợ chồng phụ hồ, sáng họ đi làm thuê xây nhà cho người khác, tối về ăn cơm xong thì bắt đầu trộn xi măng xây nhà mình. Có khi họ không nhận tiền công, mà xin gỗ, xin vật liệu về xây nhà cho mình. Cứ thế ròng rã, 3 năm trời mới xây xong cái nhà khang trang đẹp đẽ.

Trong suốt quá trình làm dự án, các thành viên Nhà chống lũ luôn tỉ tê, tâm sự như cách người trong nhà mới có thể chia sẻ với nhau. Lâu dần, chúng tôi không còn là những người xa lạ mà chính là những người thân của họ và đến đây vì một mong muốn cùng họ vươn lên. Chúng tôi nghĩ nếu cho người ta niềm tin rằng bản thân họ có thể làm được điều kỳ diệu, tự thay đổi cuộc đời thì người ta sẽ bắt đầu làm được. Tạo niềm tin cho mỗi hộ gia đình mới tham gia vào dự án sẽ luôn là một thử thách.

Nghe bạn kể tôi thấy bạn luôn tràn đầy năng lượng. Đâu là động lực để bạn duy trì được nguồn năng lượng dồi dào này?

Có lẽ khi tôi quyết định phát triển dự án Nhà chống lũ, người mang đến khoảnh khắc ấy chính là con trai Taka của tôi. Phát hiện  con mắc chứng tự kỷ từ khi 2 tuổi, Taka và tôi luôn luôn căng thẳng. Chúng tôi đã cùng nhau đi nhiều nơi để tìm cách chữa trị cho con, cho đến ngày tôi thấy con hạnh phúc khi đang… “nhặt nắng”. Hạnh phúc và niềm vui khi được làm những điều mình muốn ánh lên trong mắt con, và đấy là khoảnh khắc mà tôi trưởng thành thêm một lần nữa trong cách nhìn nhận cuộc đời.

Hạnh phúc xanh của hai mẹ con Jang Kều.

Ý nghĩ giúp đỡ những người nghèo luôn là một bản năng trong tôi, nhưng chỉ khi tôi nhìn được vẻ đẹp của những điều đơn giản nhất, học cách không phán xét người khác, không thấy điều họ làm là ngớ ngẩn, biết tôn trọng điều khác biệt ở mỗi con người thì dự án Nhà chống lũ mới thực sự được khởi động. Và tôi đã làm Nhà chống lũ với tâm thế ấy - mang đến cái mà người mình giúp thực sự cần và thúc đẩy họ được làm điều mình mong muốn và nỗ lực cho những ước mơ của chính mình.

Mục tiêu cuộc sống bền vững của Nhà chống lũ như thế nào? Và qua đó bạn muốn lan tỏa điều gì?

Thực tế ở những vùng lũ cho thấy người dân chỉ sống trong những ngôi nhà an toàn vẫn là chưa đủ để giúp họ có một cuộc sống an toàn và bền vững trước sự thay đổi khó đoán định của thời tiết, thiên tai và biến đổi khí hậu. Khi người dân chưa có sinh kế lâu dài, chưa được hưởng nền giáo dục cơ bản, chưa được định hướng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống bản địa, thật khó có được một cuộc sống bền vững.

Từ những trăn trở trong quá trình thực hiện dự án Nhà chống lũ, chúng tôi thành lập Quỹ sống vào năm 2018 nhằm mục đích hỗ trợ và phát triển các cộng đồng được sống bền vững, tức là giúp họ có được cuộc sống an toàn, ổn định, phát triển hài hòa với thiên nhiên và gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa.

Và kế hoạch tiếp theo của bạn?

Chúng tôi đã khởi động dự án dài hơi mang tên Làng hạnh phúc với sứ mệnh xây dựng một mô hình cộng đồng kết nối mạnh mẽ và bền vững, nơi mà: Không gian và điều kiện sống được quy hoạch an toàn, hài hòa với thiên nhiên; Cộng đồng tự chủ và có mũi nhọn sinh kế dựa trên thế mạnh truyền thống; Và cộng đồng tự chủ bảo tồn văn hóa truyền thống đồng thời với tiếp cận được các kiến thức cấp tiến.

Hiện dự án đang thúc đẩy xây dựng một ngôi làng hạnh phúc tại An Thạnh Nam, Cù Lao Dung, Sóc Trăng và đi những bước đầu tiên tại Nóc Lâng Loan (Nam Trà My, Quảng Nam) với 70 hộ tái định cư người dân tộc Xơ Đăng. Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ bắt tay xây một làng tái định cư nữa cho người Ca Đông ở Bắc Trà My.

Nếu như chương trình Nhà chống lũ tập trung các giải pháp giúp cộng đồng ứng phó và sống bền vững với thiên tai, thì chương trình Hạnh phúc xanh tập trung vào các giải pháp giảm thiểu tác động của thiên tai và xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa con người và thiên nhiên: Năm 2020, chúng tôi có kế hoạch tái tạo rừng tự thiên trong dự án Forest Symphony, trồng cây chức năng chắn sóng chắn gió, thúc đẩy các gia đình, doanh nghiệp, tổ chức trồng cây trong dự án Trồng một cây, triển khai dự án Công viên Hạnh phúc xanh tại các thành phố lớn.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này!

Lưu Hường thực hiện

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận