TP. HCM, Hà Nội trong nhóm địa phương có nhiều trẻ em bị xâm hại nhất

Số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018.

 

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc Họp của Đoàn giám sát Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" diễn ra ngày 15/1.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp thay mặt tổ giúp việc trình bày báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo báo cáo, giai đoạn 1/1//2015 đến 30/6/2019, toàn quốc phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em, với gần 8.600 đối tượng xâm hại và số trẻ em bi xâm hại là gần 8.100 em. Trong đó, số trẻ em nữ bị xâm hại gấp 7 lần số trẻ em nam (1.059 em nam và 7.032 em nữ).

“Chính phủ và các bộ, ngành đều có đánh giá số lượng các vụ xâm hại đã phát hiện được chưa phản ánh đúng tình ình xâm hại trẻ em trên thực tế, còn nhiều vụ đã xảy ra nhưng chưa bị phát hiện, xử lý”, bà Thủy cho hay.

Báo cáo của đoàn giám sát cũng cho thấy so với giai đoạn 2011-2014, số trẻ em bị xâm hại tăng 880 trẻ, tăng 12,2%. Đáng chú ý, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm này đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá số lượng tăng nêu trên là tình hình trẻ em bị xâm hại tăng hay người dân và các cơ quan chức năng đã tích cực phát hiện, tố cáo các vụ xâm hại. Bà Thủy cho rằng, các vụ việc xảy ra chủ yếu là xâm hại tình dục, gồm hơn 6.300 vụ với hơn 6.400 trẻ em bị xâm hại (chiếm hơn 81% tổng số vụ xâm hại trẻ em và chiếm gần 80% tổng số trẻ em bị xâm hại).

“Nhiều tỉnh, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90%, thậm chí gần như 100%”, bà Thuỷ nói và dẫn chứng tỷ lệ này ở Cần Thơ là 98,8%, Hậu Giang 95,8%, Kiên Giang 95,5%, Bến Tre 94,6%, Đồng Nai 94,2%...

Số trẻ bị xâm hại tăng đột biến trong năm 2019. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của các địa phương, 10 tỉnh, thành có số lượng trẻ em bị xâm hại nhiều nhất là TP HCM, Hà Nội, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Phước.

Bà Nguyễn Thị Thủy cho rằng, hiện nay môi trường gia đình vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.

Theo báo cáo của Chính phủ, đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm gần 66%. Trong khi đó, môi trường nhà trường vẫn xảy ra một số vụ bạo lực học đường, thậm chí có vụ nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người; có những vụ gây bức xúc trong xã hội do giáo viên sử dụng các biện pháp bạo hành đi ngược với đạo đức nhà giáo… Xảy ra các vụ thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục nhiều học sinh, thậm chí xâm hại tình dục cả học sinh nam, báo động sự mất an toàn trong một số trường học.

“Lẽ ra nhà trường và gia đình là môi trường an toàn nhất cho trẻ em. Song vấn đề mới và nổi lên trong giai đoạn này là việc nhiều trẻ em bị người ruột thịt, người thân trong gia đình, bị thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho các em. Điều này đặt ra cho Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan phải có những giải pháp phòng ngừa phù hợp với tình hình mới”, bà Thủy lo ngại.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trước thực trạng về vấn đề xâm hại trẻ em, trong đó có cả môi trường giáo dục, Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 80 về việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường. Vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh cũng được đặc biệt quan tâm, tại các trường học thành lập bộ phận tham vấn học tập trực tiếp.

“Vụ việc xảy ra như Thanh Sơn (Phú Thọ), Bảo Yên (Lào Cai)… liên quan đến phẩm chất đạo đức nhà giáo, Bộ đã tăng cường nhiều cuộc vận động, giáo dục cho đội ngũ giáo viên để bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí, giữ được phẩm chất đạo đức nhà giáo. Sau những sự việc này, Bộ cũng đã có biện pháp xử lý cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm phẩm chất đạo đức nhà giáo, đặc biệt như trường hợp ở Phú Thọ và một vài trường hợp khác.

Góp ý tại cuộc họp, đại biểu Lê Thanh Vân thẳng thắn cho rằng: “Tôi cảm nhận có thực trạng là việc triển khai các đạo luật về phòng, chống xâm hại trẻ em rất trì trệ, cho tới thời điểm đoàn giám sát thực hiện giám sát và cả thời điểm báo cáo của Chính phủ, nhiều địa phương, nhiều nơi chưa hề có động thái gì. Như vậy có thể thấy ý thức chấp hành pháp luật ở ngay trong bộ máy Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu thế nào? Hình thức tuyên truyền chưa trúng, chưa đúng. Hơn 60% người thân trẻ em chính là thủ phạm, vậy đây phải là đối tượng cần tác động tuyên truyền đầu tiên. Đối tượng thứ hai là trẻ em, khả năng tự phòng vệ chưa có, từ nhận thức tới cảm nhận, ý thức tự bảo vệ mình chưa có. Trong khi đó chúng ta lại tuyên truyền cho những người đứng bên ngoài, nguy cơ rất thấp. Nhiều cá nhân, tổ chức trong hệ thống thiếu trách nhiệm. Ví dụ, nhiều nơi khởi tố, điều tra sai tội danh. Bản chất hành vi là tội danh này nhưng lại khởi tố tội danh khác. Điều này rất nguy hiểm, khiến tội phạm có thể bị lọt lưới”.../

N.T/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận