Giới tài xế ủng hộ xử lý nghiêm “ma men”
Như đã đưa tin, từ ngày 1/1/2020, Nghị định 100/2019/NĐ - CP chính thức có hiệu lực với mức phạt đối với nhiều vi phạm giao thông đã tăng khoảng 150 - 250% so với trước đây, đặc biệt là với lỗi sử dụng rượu, bia khi lái xe. Qua đó, Việt Nam đã chính thức gia nhập vào nhóm các quốc gia “không khoan nhượng” với việc sử dụng rượu, bia khi lái xe. Có nghĩa là cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên 0 mg/l khí thở đối với cả ô tô, xe máy lẫn xe đạp.
Theo thống kê, trong 6 ngày, Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra hơn 25.000 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ cồn là 2.673 trường hợp. Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý cao như: Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh…Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có hành động, thái độ chống lại cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ... vẫn còn diễn ra tại một số địa phương.
Ghi nhận của phóng viên VOV, từ khi áp dụng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ - CP chính thức có hiệu lực đã khiến các “ma men” ít xuất hiện hơn ở trên đường và đặc biệt quán bia, quán nhậu vắng hẳn số lượng khách sử dụng rượu bia. Trong khi đó, tại các bệnh viện trên địa bàn lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giảm hẳn về số ca cấp cứu cũng như chữa trị bệnh nhân liên quan đến nồng độ cồn gây ra.
Anh Nguyễn Văn Công là tài xế xe tải lâu năm tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ luật mới vì mức độ xử lý “ma men” đã được nâng lên, từ khi áp dụng luật này đến nay tôi thấy đã răn đe được nhiều người, bằng chứng là việc các quán nhậu giảm hẳn những “tay” hay uống rượu, bia, ngoài đường thì đã ít dần đi những ông, bà say rượu rồi lái xe. Tình hình này là rất tích cực, giúp chúng tôi yên tâm hơn khi lái xe và làm giảm nguy cơ tai nạn giao thông cho nhiều người”.
Mức “0” tuyệt đối khiến tài xế luôn nơm nớp lo âu
Mặc dù ủng hộ việc xử lý nghiêm người sử dụng nồng độ cồn khi điều khiển xe, nhưng theo tài xế Công, tuy luật mới hướng đến là đúng nhưng lại có mức áp dụng “0” tuyệt đối khiến họ lo âu.
“Các nước tiên tiến khác trên thế giới, khi đo phải có nồng độ 0,2 - 0,5 mg/l khí thở mới bị xử phạt, trong khi mình lại áp dụng mức “0” tuyệt đối thì rất khó chấp nhận được. Nghề của chúng tôi không cứ theo giờ giấc, nhiều khi đi đón, trả hàng quá giờ ăn thì thường phải mua hoa quả, đồ ăn lên xe vừa ăn vừa lái hoặc dừng 1 vài phút ăn tạm, nhưng bây giờ chúng tôi không dám mua đồ ăn như trước, đói quá muốn ăn gì cũng phải để ý lựa chọn, vì chỉ cần ăn mấy đồ hoa quả chín kĩ sẽ lên men cũng có thể cho kết quả vi phạm”, anh Công chia sẻ thêm.
Anh Công cho biết thêm: “Hôm qua tôi đi Hải Dương, ăn quả dứa chín mà đạp chân ga lo thon thót,...vừa đi vừa giật mình. Nhiều khi mấy ngày lạnh này do nghề lái xe hay phải tiếp xúc với bụi nên bị ho mà không dám mua thuốc ho như bổ phế như trước uống nữa, lỡ ăn hoa quả hay thuốc ho thì đi lo lắng khôn cùng. Nếu không bị phạt thì chúng tôi chỉ có nước chết đói vì nghề chỉ có mỗi việc này thôi, trong khi tôi phải nuôi mấy miệng ăn như vợ và 2 con”.
Trong khi đó theo anh Minh là tài xế xe taxi công nghệ ở Nam Từ Liêm (Hà Nội), từ khi áp dụng luật mới, cánh lái xe rất căng thẳng và đau đầu mỗi khi ra đường vì cuối năm ngoài áp lực công việc thì còn một nỗi lo rất lớn là bị phạt.
“Nghị định áp dụng quá nhanh, ký sau 2 ngày đã áp dụng chúng tôi không kịp nắm bắt, chỉ khi bị xử phạt mới ngớ người ra. Cuối năm rất nhiều việc, giới lái xe ít có thời gian ngồi xe ti vi hay đọc báo mấy nên không kịp biết và hiểu luật mới. Nghị định mới này tuy có sức răn đe phần nào giúp giảm người uống bia rượu nhưng về lâu về dài lại thiếu tính khoa học, không khách quan, chúng tôi có cảm giác người làm ra nghị định đã không thực tế, không tham khảo tình hình của dân, văn hóa lối sống và không tham khảo các mức áp dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới”, anh Minh chia sẻ.
Trong khi đó, theo anh Chính là tài xế xe khách chạy liên tỉnh cho rằng: “Tôi rất ủng hộ luật mới nhưng phải đúng người đúng tội, chứ người không uống rượu bia như tôi mà luôn phải lo ăn gì, uống gì khi lái xe suốt thì cũng nên xem lại vì nghị định mới chỉ phát hiện có chỉ số nồng độ cồn trên mức 0 đã phạt thì không chấp nhận được. Trong khi, lo lắng nhất là nếu để bị phạt sẽ bị tước giấy phép lái xe dài hạn thì lúc đó chúng tôi mất đi cần câu cơm thì rất khổ”./.
Theo VOV.VN