Cơ giới hóa thu gom rác thải đô thị
Theo báo cáo giám sát của Ban đô thị HĐND TP. Hà Nội, trung bình mỗi ngày toàn thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 6.500 tấn rác sinh hoạt. Hai bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn tiếp nhận khoảng 90% lượng rác này, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện. Nhiều dự án xử lý chất thải rắn sử dụng công nghệ cao hiện đại, quy mô lớn đang được Thành phố triển khai như: Điện rác Sóc Sơn; dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn; dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng; Khu xử lý CTR Đồng Ké …
Bên cạnh đó, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt luôn được Thành phố quan tâm và xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất thái rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố. Cụ thể: Quy chế đấu thầu nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, giá dịch vụ vệ sinh môi trường (VSMT) đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, đơn giá duy trì vệ sinh môi trường.
Theo đó, đơn giá vệ sinh môi trường được Thành phố rà soát, điều chỉnh loại bỏ, thay thế theo hướng tăng cường cơ giới hóa. Phương thức thu tiền sử dụng dịch vụ VSMT được Thành phố điều chỉnh phù hợp với thực tiễn quản lý để nâng cao hiệu quả thu. Việc thu phí VSMT, chuyển từ chủ đầu tư là quận, huyện, xã phường… sang cho đơn vị thực hiện cung ứng dịch vụ VSMT thu, bước đầu kết quả thu đạt cao hơn trước.
Đồng thời phương thức quản lý duy trì VSMT thay đổi từ cơ chế đặt hàng sang thực hiện cơ chế đấu thầu tập trung gói thầu VSMT đảm bảo tập trung một đầu mối, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, công khai, minh bạch và khả năng cạnh tranh của nhà thầu cung ứng dịch vụ VSMT trên địa bàn Thành phố. Kết quả các cuộc đấu thầu đã tiết giảm kinh phí. Các đơn vị trúng thầu duy trì VSMT đã chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư phương tiện cơ giới hóa, đặt thùng rác theo yêu cầu gói thầu trên địa bàn các quận, huyện. Tỷ lệ thu gom, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày không để tồn đọng tại các quận nội thành đạt 100%.
Hành vi đổ rác sai của người dân vẫn diễn ra phổ biến
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt tồn đọng vương vãi xảy ra trên nhiều tuyến đường, tuyến phố, ngõ, nhất là ở các tuyến đường, tuyến phố có nhiều hộ, cá nhân kinh doanh, buôn bán ở khu vực đô thị ảnh hưởng môi trường và làm mất mỹ quan Thành phố.
Nguyên nhân, do ý thức người dân không chấp hành quy định đổ rác đúng giờ. Tình trạng các điểm đặt thùng rác trên các tuyến phố trở thành chân rác do người dân từ các nơi khác, tiện đường đi làm chở ra vứt cũng diễn ra phổ biến. Công nhân vệ sinh dọn dẹp không kịp gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường.
Một cán bộ Công ty vệ sinh môi trường đô thị cho hay: “Cán bộ văn phòng Công ty đi vận động tuyên truyền người dân đổ rác đúng giờ quy định nhưng vừa nói dứt mồm cửa trước thì họ đổ rác cửa sau. Tương tự là tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng hay đổ lẫn rác thải xây dựng vào rác thải sinh hoạt, nhưng phát hiện ngăn chặn, xử lý chưa kịp thời gây khó khăn cho các đơn vị làm VSMT.
Giám sát xử phạt nghiêm hành vi đổ rác sai để giáo dục
Hiện nay, các quy định pháp luật đối với hành vi đổ rác không đúng quy định rất cụ thể. Tại Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường ghi rõ: Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Với số tiền phạt khá cao được cho rằng đủ sức nặng răn đe hành vi đổ rác bừa bãi. Tuy nhiên, để bắt được các hành vi vi phạm rất khó khăn do thiếu sự phối hợp vào cuộc của chính quyền sở tại.
Thời gian qua, việc áp dụng hình thức phạt nguội bằng cách lắp đặt camera quan sát, từ đó dễ dàng phát hiện và xử lý hành vi vi phạm được triển khai trên phố đi bộ Hoàn Kiếm phát huy hiệu quả tốt khi chính quyền tích cực xử phạt. Tuy nhiên, để nhân rộng ra các quận nội thành trên địa bàn thì cần dựa vào hệ thống camera giám sát vì nhân lực của ngành môi trường không đủ để thực hiện.
Bên cạnh việc xử phạt nặng các hành vi xả rác. Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thường xuyên hướng dẫn về công tác thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động của nhân dân; nâng cao ý thức tự giác thực hiện giảm thiểu phát sinh, phân loại tại nguồn, tăng cường tái chế, tái sử dụng, đổ rác thải sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện, người thực hiện thu gom.
Một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết: “Người dân ai cũng muốn hưởng thụ môi trường sống xung quanh xanh - sạch - đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng chỉ trông chờ nỗ lực của những người làm công tác VSMT thôi là chưa đủ mà rất cần có sự nổ lực không ngừng của cộng đồng, nhất là vai trò của chính quyền sở tại trong việc giám sát đổ rác thải”./.
H.La/VOV.VN