Cầu vượt, hầm bộ hành 'ế khách': Đã đến lúc đánh giá hiệu quả đầu tư

  • 30/12/2019 03:00:00
  • Chu Đức - Tuấn Linh - Hải Bằng - Thục Anh
  • Xã hội
  • 0

Một khi bị đặt sai vị trí, nơi nhu cầu người dân không lớn, hoặc đặt đúng vị trí nhưng thiết kế đường dẫn bất hợp lý, những cây cầu vượt khó mà hút khách.

 

Tuyến đường Trường Sa, đoạn qua huyện Đông Anh, Hà Nội được thiết kế theo chuẩn đô thị cấp I, các phương tiện được phép di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h. Vì vậy các hầm đi bộ được thiết kế cho người dân băng qua đường, tránh tai nạn giao thông là cần thiết. Thế nhưng, lâu nay, các hầm đi bộ tại tuyến đường này luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”, ngập trong rác thải.

Qua khảo sát của PV Kênh VOV Giao thông trong tuần vừa qua, tại các hầm HS5,7,8,9,10 đều đóng cửa, mọc đầy cỏ dại, bắt đầu trở nên nhếch nhác và xuống cấp do không được vệ sinh, bảo vệ, duy tu thường xuyên.

Việc hầm đường bộ bị bỏ quên, ít người vãng lai tại Hà Nội đã được xác định là do khi xây dựng, đơn vị quản lý không tính tới nhu cầu sử dụng ở từng vị trí cụ thể, dẫn đến tình trang nơi thừa nơi thiếu.

Trong khi đó, bức tranh hệ thống cầu vượt bộ hành cũng không sáng sủa hơn. Theo thống kê sơ bộ từ Hội thảo “Quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý công trình cầu trong đô thị - thực trạng và giải pháp” do Tổng hội Xây dựng tổ chức gần đây, hiện Hà Nội có khoảng 50 cầu vượt bộ hành. Tuy nhiên, phần lớn cầu vượt bộ hành vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Đơn cử như cầu vượt Giảng Võ - Ngọc Khánh (quận Ba Đình), dù được xây dựng hiện đại nhưng do thiếu đồng bộ với hạ tầng xung quanh nên ít người sử dụng. Cầu hiện đã xuống cấp và hoen gỉ khiến người dân càng thêm e ngại.

Một ví dụ khác là cầu vượt khu vực trường Đại học KHXH&NV. Cây cầu này được đặt ngay sát điểm quay đầu xe và trước cổng trường. Tuy vậy, những hạ tầng xung quanh phục vụ người dân lại chưa được đồng bộ. Mỗi ngày, có hàng trăm sinh viên lên xuống xe buýt ở hai bên đường, tuy nhiên điểm chờ xe buýt hướng từ Ngã Tư Sở về Hà Đông lại cách xa so với đường dẫn lên cầu. Ở hướng ngược lại, lối lên cầu vượt trở thành nơi tập kết rác thải. Do vậy, nó chỉ là “phương án dự phòng” đối với người dân trong trường hợp không thể băng cắt qua đường vào giờ cao điểm.

Khi được hỏi lý do vì sao còn thờ ơ với cầu vượt bộ hành, một số người dân cho rằng, đi trực tiếp qua đường sẽ bớt thời gian hơn, nhiều cây cầu cách xa khiến việc đi lại khó khăn.

Tuy vậy, không phải tất cả tất cả cầu vượt bộ hành tại Hà Nội đều rơi vào tình trạng bị bỏ quên. Vẫn có nhiều cây cầu phát huy tốt nhiệm vụ như cầu vượt trên phố Giải Phóng đoạn qua Bệnh viện Bạch Mai; cầu vượt trên phố Tây Sơn đoạn qua cổng trường ĐH Công Đoàn, cầu vượt qua cổng bệnh viện 103…

Sở dĩ, những cây cầu vượt tại vị trí này được sử dụng thường xuyên là do được kết nối gần trạm xe buýt, đoạn đường này có rào chắn ở dải phân cách, người dân rất khó để trèo qua rào chắn này để sang đường trong tình trạng xe cộ qua lại đông đúc. Đây cũng là minh chứng cho thấy, nếu được bố trí khoa học, thuận tiện, cầu vượt bộ hành vẫn được đón nhận.

Cột đèn, tủ điện đặt trước cửa hầm dành cho người đi bộ tại đường Nguyễn Xiển gây cản trở và mất cảnh quan đô thị. Ảnh: Hà Nội mới

Trao đổi với VOV Giao thông, TS. Phan Lê Bình - Giảng viên Đại học Việt Nhật khẳng định, ông ủng hộ chủ trương xây dựng thêm các cầu bộ hành của TP.Hà Nội. Mới đây nhất là động thái thẩm định chủ trương đầu tư xây dựng 3 cầu vượt cho người đi bộ kết hợp đi xe đạp qua sông Tô Lịch, và dự án 3 cầu vượt bộ hành khác với tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng.

“Đây là những cơ sở hạ tầng có ý nghĩa tích cực trong việc nâng cao an toàn giao thông, đặc biệt là với người đi bộ. Tuy nhiên khi đưa vào thực hiện chúng ta lại lâm vào tình trạng có cầu bộ hành nhưng không thực hiện tuyên truyền, cưỡng chế quyết liệt với người đi bộ. khiến cho người ta vì tiện chân mà vẫn qua đường dù không có đèn giao thông, trong khi bên cạnh có cầu dành cho người đi bộ”

TS. Phan Lê Bình cũng thừa nhận bất cập đối với các cây cầu bộ hành hiện nay là việc không đảm bảo hỗ trợ cho người khuyết tật, vốn là điểm yếu chung của cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Để nâng cao hơn hiệu quả của các cây cầu bộ hành đã có, bên cạnh việc phải có quy hoạch, nghiên cứu kỹ lưỡng thì cần có những biện pháp mạnh để k còn tiếp diễn việc có cầu bộ hành nhưng người dân vẫn băng cắt qua đường.

Ở Thái Lan, có những đoạn đường người ta sơn chữ to, những ai đi qua đường không đúng chỗ sẽ bị phạt ước tính khoảng 200 đô la. Ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ hoặc là Nhật, có những quãng đường không đèn xanh đỏ thì không ai dám qua đường cả, tại vì nếu băng qua bị tai nạn thì không những không được bồi thường mà ngược lại, người đi bộ phải bồi thường cho người đi xe vì băng qua sai chỗ”

Ở một góc độ khác, TS.Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho rằng, có sự bất cập trong lựa chọn vị trí xây cầu vượt bộ hành.

“Các cầu vượt làm không đúng vị trí mà người dân cần thiết, những chỗ ùn tắc nhiều thì ít thấy làm, như ngã tư, siêu thị. Chỗ người dân người ta không thấy cần thiết lắm lại làm. Dẫn đến việc cách đây mấy năm có hiện tượng là bỏ cầu vượt cũ xây cầu vượt mới, tốn hàng tỉ bạc. Đấy là phải lưu ý vấn đề quy hoạch phải hợp lý, đòi hỏi phải có tính khoa học, tính thực tiễn, phải có sự khảo sát nghiên cứu rồi sau đó mới làm, cho đỡ lãng phí, tạo hiệu quả hơn, giảm ùn tắc, giảm tai nạn”

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nếu muốn cầu bộ hành phát huy hiệu quả, cần lưu ý chọn nơi nào người qua đường mật độ cao, tiềm ẩn nguy cơ TNGT lớn, nhu cầu người dân cao nhất; thứ hai là đi bộ phải thuận tiện, có thể làm thêm một số hàng rào ở chỗ qua đường gần cầu vượt, gom người đi bộ vào cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người khuyết tật. Nếu cần thiết, phải đánh giá hiệu quả của hệ thống cầu vượt hiện có làm căn cứ đầu tư tiếp.

Cũng không nên làm quá hiện đại, thậm chí không cần mái che. Không chỉ vấn đề tính toán, vấn đề công nghệ mà còn cả vấn đề tâm lý con người Việt Nam mình nữa. Điểm nữa là chúng ta cần tuyên truyền nhắc nhở người dân, kể cả ở cầu đường bộ cũng có những khẩu hiệu cần thiết để người dân tập trung tư duy vào, thu hút với cầu đường bộ nhiều hơn”.

Những cây cầu “cô đơn”

Cách đây vài năm, ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận có một chuyện khá bi hài: một cây cầu bê tông rất đẹp vừa xây xong, nhưng cả năm trời, nó bị bỏ không, vì… chưa có đường dẫn. Do cầu cao tới 3 mét so với mặt đường nên mọi cố gắng của người dân, như đắp đất, cát ở hai đầu cầu để băng qua kênh đều vô hiệu.

Tương tự là cầu Hói Vàng 1, Hói Vàng 2 hay cầu Bà Vường ở Hà Tĩnh. Chúng chung cảnh ngộ “cô đơn”, bị bỏ không, trơ gan cùng nguyệt tuế. Nếu ai đó có lòng, muốn đi qua, để chúng trở nên hữu ích cũng chẳng có cách nào lên cầu.

Tuy chỉ là những trường hợp thiểu số, nhưng nếu nhìn vào số tiền hàng tỷ đồng ngân sách chi cho mỗi cây cầu sẽ thấy xót xa, bởi sự lãng phí là quá lớn.

Ở Hà Nội cũng có những cây cầu “cô đơn” như vậy, chỉ có điều, chúng có đầy đủ đường dẫn, hạ tầng để đưa vào hoạt động đúng chức năng. Thủ đô hiện có gần 50 cầu vượt bộ hành, thì không ít trong số đó bị trưng dụng làm chỗ bán hàng, địa điểm tập thể dục, thậm chí bị những kẻ say rượu nhầm là nhà vệ sinh công cộng.

Hẩm hiu hơn cả phải kể tới cầu vượt ở phố Trần Đại Nghĩa, cầu vượt trước Đại học KHXH&NV, cầu vượt ở nút giao Lương Định Của - Phạm Ngọc Thạch… hầu như không có người qua lại.

Dường như, điệp khúc xây và xây cứ tiếp diễn mà chưa có sự quan tâm thực sự đến tính hiệu quả trong quản lý và khai thác công trình. Khi mà những cây cầu được sinh ra, đến “cha đẻ” của chúng còn ít đoái hoài, thì cũng không thể trách sự thờ ơ từ khách bộ hành.

Một khi bị đặt sai vị trí, nơi nhu cầu người dân không lớn, hoặc đặt đúng vị trí nhưng thiết kế đường dẫn bất hợp lý, “đánh đố” người đi bộ phải vòng vèo, khả năng tiếp cận thiếu thân thiện với nhóm người yếu thế, những cây cầu này khó mà hút khách.

Các nhà quản lý liệu đã tiến hành khảo sát nghiêm túc, lấy ý kiến dân cư khu vực một cách cẩn thận khi lên kế hoạch xây một cây cầu bộ hành? Cần bao nhiêu công trình “ế khách” nữa để chúng ta giật mình nhìn lại, đánh giá hiệu quả hệ thống cầu vượt, hầm đường bộ hiện có, trước khi triển khai những dự án tiếp theo?

Liệu phương pháp tuyên truyền để người đi bộ chấp hành quy định về an toàn giao thông đã phù hợp? Những chế tài, quy định liên quan đến cầu vượt, hầm bộ hành đã đủ sức răn đe? Những biện pháp kỹ thuật ở từng vị trí đặt cầu đã khoa học và khả thi để kịp thời “uốn nắn” ý thức người đi bộ?

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Rất nhiều điều kiện cần có để cầu vượt bộ hành đi vào thực tiễn đời sống. Nhưng rồi, chúng lại chìm khuất sau những thông báo về việc xây dựng công trình mới. Như hình ảnh những chiếc cầu vượt bộ hành đứng lẻ bóng một cách kỳ lạ trong hệ thống hạ tầng giao thông vốn dĩ quá tải và chật chội như hiện nay../

Chu Đức - Tuấn Linh - Hải Bằng - Thục Anh/VOVgiaothong.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận