Các bệnh viện khi thực hiện tự chủ phải chịu áp lực huy động được nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và giảm chi thường xuyên từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Chất lượng tăng tỷ lệ thuận với chi phí
Hiện 100% bệnh viện công đã tự chủ ở các mức độ khác nhau. Vậy người bệnh được khám chữa bệnh thế nào, chất lượng các dịch vụ có được tăng lên và chi phí thay đổi ra sao?
Đưa người nhà đi khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh lên đến trung ương, chị Hải Linh (Việt Trì) cho biết, bệnh viện địa phương có cơ sở vật chất tốt, khám chữa bệnh nhanh chóng, tuy nhiên, chi phí khám và điều trị vẫn rất tốn kém.
“Dù có bảo hiểm y tế, nhưng đã đi chữa bệnh là rất tốn kém rồi. Rất nhiều thuốc và dịch vụ phải thanh toán ngoài bảo hiểm. Nhà nào có người bị ốm đều rối bời, tôi nghĩ có thêm sự động viên, tận tình của bác sĩ nữa thì cả bệnh nhân và người nhà đều có tinh thần điều trị tích cực hơn”, chị Linh cho biết.
Sau khi điều trị tại bệnh viện địa phương, chị Linh đã hai lần và ròng rã cả tháng trời tiếp tục đưa người thân xuống Hà Nội cấp cứu do viêm tụy cấp, sau đó là phẫu thuật cắt nang tụy. Nói về bệnh viện tuyến trung ương, chị cũng đánh giá chất lượng khám chữa bệnh tốt, bác sỹ, y tá tận tình. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất hơi quá tải dẫn đến việc giữ gìn vệ sinh không tốt: “Vẫn có những nhân viên y tế có thái độ thiếu kiên nhẫn. Ngày cuối tuần, bệnh nhân và người nhà thường không được tư vấn kịp thời, tiêm và thay thuốc thường chậm”.
Những “phàn nàn” của chị Linh là điều quen thuộc tại các bệnh viện tuyến trung ương luôn trong tình trạng quá tải. Do vậy khi bệnh viện tự chủ, điều được kỳ vọng đầu tiên sẽ là chất lượng khám chữa bệnh tăng lên. Theo đánh giá của các chuyên gia, đã có những bệnh viện công lập sau khi tiến hành tự chủ, chất lượng khám chữa bệnh đã nâng lên rõ rệt.
Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đánh giá, đổi mới cơ chế tài chính và một loạt chính sách mới của ngành y tế đã giúp chất lượng của các bệnh viện thay đổi đáng kể. Vấn đề quan trọng nhất là cơ chế tài chính tự chủ đã giúp cho các bệnh viện chủ động và thực hiện tiêu chí sống còn về chất lượng. Các bệnh nhân tin tưởng lựa chọn thì bệnh viện mới có nguồn thu và có thể cân đối trả lương cho nhân viên, cũng như phát triển bệnh viện hơn nữa.
Tự chủ bệnh viện làm sao cho đúng?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu bệnh viện làm không tốt tự chủ có thể dẫn đến trục lợi, làm suy giảm niềm tin, chất lượng phục vụ của bệnh viện không đem lại sự hài lòng cho người bệnh.
“Đã có nhiều người có ý kiến về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng vì xã hội hóa đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và chỉ có bệnh viện đấy có cho nên giá dịch vụ của bệnh viện nâng lên, chi phí cho người khám chữa bệnh bị đẩy lên cao”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Nhiều ý kiến đánh giá, thực tế các địa phương, nhất là bệnh viện tuyến dưới nói là cho tự chủ nhưng thực chất mới “tự chủ hình thức” còn tài chính chưa tự chủ thực chất. Điều đó gây khó khăn ở nhiều nơi hay tạo kẽ hở để trục lợi, đặc biệt có nguy cơ lấy bớt những quyền lợi chân chính của người khám BHYT và người nghèo.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cơ chế tự chủ đã phát huy tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện công, song vẫn có nút thắt phải được tháo gỡ trong quản lý và cơ chế giá dịch vụ để sao cho hợp lý.
Ngành y tế cần phải làm cho người dân hiểu được khi bệnh viện tự chủ thì chắc chắn chi phí sẽ tăng nhưng với yêu cầu là tăng hợp lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bộ Y tế xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý sử dụng tài sản, tài chính, nhân lực của bệnh viện.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, bệnh viện cần triển khai đồng loạt các chương trình để thay đổi chất lượng phục vụ, trong đó quan trọng nhất là cơ chế tài chính.
“Bên cạnh cơ chế tài chính, bên cạnh tự chủ, ngành y tế còn rất trăn trở vấn đề giải tỏa áp lực cho chính đội ngũ nhân viên y tế khi tình trạng quá tải bệnh viện, quá tải giường bệnh, quá tải với các y bác sĩ. Chúng ta cần một cơ chế, quy định tỷ lệ bác sĩ/giường bệnh, tỷ lệ điều dưỡng phục vụ bao nhiêu bệnh nhân. Nếu triển khai, chúng ta phải thay đổi về cơ chế, về giá viện phí và cả mức thanh toán của BHYT. Phải có chi phí cho nguồn nhân lực để ngành y tế tuyển dụng. Như hiện tại, nếu tuyển dụng nhiều lại không có kinh phí để chi trả. Điều này tạo nên một vòng xoáy áp lực cho ngành y tế”, bà Yến nói./.
Thiên Bình, Minh Khánh/VOV.VN