Khai thông sông Cổ Cò, kết nối chuỗi đô thị Quảng Nam, Đà Nẵng

  • 23/12/2019 02:48:03
  • Hoài Nam/VOV-miền Trung
  • Xã hội
  • 0

Trước đây, khi chưa có chủ trương nạo nét sông Cổ Cò, việc sử dụng và khai thác tài nguyên ở dọc sông rất hạn chế.

 

Một vài đoạn sông có nước thì người dân địa phương đánh bắt cá nhỏ lẻ với một vài chiếc thuyền thuyền nhỏ, đoạn chưa khơi thông và không có nước thì đất cát cằn cỗi, xơ xác khiến tổng thể khu vực hai bên trở nên đìu hiu; Mặc dù nơi này có vẻ đẹp rất hoang sơ rất thích hợp để làm du lịch.

Có thể nói sau một thời gian dài Sông Cổ cò đã được hồi sinh  trở lại và điều này sẽ giúp khu vực Nam Đà Nẵng có nhiều tín hiệu khả quan. Với những chủ trương mới từ UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, việc nạo vét lòng sông Cổ Cò sẽ giúp cho con sông “sống dậy” đúng với tầm vóc của chính mình ngày trước. Từ đây, thay vì đi trên các cung đường bộ, người dân và du khách lại có thể di chuyển bằng du thuyền men theo sông Cổ Cò.

Trong định hướng phát triển đô thị phía Nam của thành phố Đà Nẵng, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng phát triển. Nhiều khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, biệt thự ven sông sẽ sớm được hình thành dọc theo 28 km đường bờ sông. Một nền văn hóa đặc sắc bên dòng sông Cổ Cò sẽ được thiết lập, giữa nhịp sống hiện đại đưa con người trở về với thiên nhiên sông nước. Những đô thị có quy hoạch hạ tầng, tiện ích đồng bộ, kiến trúc độc đáo, tựa vào dòng sông sẽ mở ra cơ hội kinh doanh du lịch, lưu trú, quảng bá văn hóa đầy tiềm năng. Theo đó, dòng Cổ Cò hồi sinh sẽ viết tiếp câu chuyện của sông Hàn, định hình cho Đà Nẵng trở thành một “đô thị dòng chảy” mới. Ông Trần Ngọc Thái, Giám đốc Đầu tư Công ty Cổ phần Đất Xanh miền Trung cho rằng, sự chuyển hướng từ nông nghiệp thuần túy 2 bên bờ sông Cổ Cò trước đây sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch là sự chuyển mình thiết yếu và phù hợp với sự phát triển hiện tại của các địa phương và cả người dân. “Vì hiện trạng chủ yếu là đất nông nghiệp hoang hóa, sản xuất canh tác không hiệu quả, dân cư thưa thớt, đời sống còn rất khó khăn, hiện trạng sử dụng đất còn thấp, chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh một Khu đô thị văn minh, thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu dân cư hiện trạng bảo đảm mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường và bổ sung thêm các tiện ích, như: Khu vui chơi giải trí, Giáo dục, thể dục thể thao, công viên cảnh quan và các khu vực phục vụ công cộng nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương và phát triển kinh tế xã hội”.

Ông Phan Quốc Nhân, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng và Thương mại dịch vụ An Dương cho rằng, định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng về hướng Đông- Nam, trong đó có việc ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nạo vét dòng sông Cổ Cò để khai thác nhiều loại hình dịch vụ du lịch, tạo nên quần thể du lịch đa dạng ven bờ sông, tham quan, nghỉ dưỡng, du thuyền. Trong khi đó, phía Quảng Nam cũng đang hướng đến việc phát triển du lịch hiện đại với du lịch truyền thống. Sông Cổ Cò có vị trí chiến lược trong việc đa dạng hóa loại hình du lịch trải nghiệm. Ông Nhân cho biết, phía Công ty cũng bám sát chủ trương của tỉnh Quảng Nam và thị xã Điện Bàn để triển khai các dự án khai thác quỹ đất dọc sông Cổ Cò. Trong định hướng quy hoạch chung của thị xã Điện Bàn thì khu đô thị Điện Nam- Điện Ngọc nằm ở vị trí kết nối giữa Điện Bàn, Hội An và thành phố Đà Nẵng. Ông Phan Quốc Nhân chia sẻ: “Các dự án do Công ty triển khai sẽ tạo sự liên kết về hạ tầng khung, góp phần rất lớn cho liên kết vùng. Chúng tôi tiếp tục bám sát định hướng quy hoạch của tỉnh cũng như quy hoạch hai bên bờ sông Cổ Cò để đón đầu sự hình thành của dòng sông Cổ Cò trong tương lai”.

Hiện nay, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng và Thương mại dịch vụ An Dương đang triển khai 3 dự án gồm: Dự án Khu đô thị Cocoriverside thuộc địa bàn phường Điện Dương, nằm trong khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Giai đoạn III). Tổng diện tích khu đất nghiên cứu lập quy hoạch là 115.884m2. Một khu đô thị hiện đại hướng mặt ra sông Cổ Cò. Dự án khu đô thị An Phú nằm về phía Đông Bắc của Thị xã Điện Bàn, thuộc địa bàn phường Điện Nam Trung và phường Điện Dương, trong khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Giai đoạn II và Giai đoạn III). Dự án này có diện tích 16,4 ha, tiếp giáp sông Cổ Cò. Dự án khu đô thị Phú Thịnh nằm về phía Đông Bắc của Thị xã Điện Bàn, thuộc địa bàn phường Điện Dương, cũng trong khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Giai đoạn II và Giai đoạn III). Dự án có tổng diện tích 13,1035 ha cũng tiếp giáp sông Cổ Cò. Theo ông Phan Quốc Nhân, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng và Thương mại dịch vụ An Dương, các dự án do doanh nghiệp triển khai góp phần rất lớn để tạo ra sự đồng bộ hạ tầng giao thông; Bố trí, sắp xếp lại dân cư, chỉnh trang đô thị, góp phần tạo nên cảnh quan cho khu dân cư cũng như quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn; Thực hiện chuyển đổi ngành nghề theo xu hướng công nghiệp, dịch vụ và du lịch, thúc đẩy kinh tế phát triển.  

Ông Trần Minh Hoàng, Bí thư Đảng ủy phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, chủ trương của Đảng ủy, UBND phường đó là tích cực vận động người dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Địa phương cũng đang định hướng người dân chuyển đổi nghề nghiệp để phù hợp với thực tế trong thời gian đến khi dòng sông Cổ Cò được khơi thông. Hiện nay, đất ở sông chủ yếu hoang hóa nên người dân mong muốn đào được con sông này. Ông Trần Minh Hoàng cũng cho biết, sông Cổ Cò qua địa bàn phường dài 9 cây số. Các hộ dân bị ảnh hưởng chủ yếu là đất sản xuất ven sông, còn số hộ bị giải tỏa trắng hầu hết nằm ở khu vực cầu Nghĩa Tự. Hiện, chính quyền và ngành chức năng từ tỉnh đến phường tập trung bố trí tái định cư cho người dân. Chủ trương này đã được thông báo đến các hộ dân và người dân rất đồng tình ủng hộ. Ông Hoàng cho rằng, chỉ có khơi thông sông Cổ Cò thì địa phương mới có điều kiện để phát triển, người dân địa phương dần chuyển hướng từ nông nghiệp thuần túy sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch”.

Ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay địa phương đã giải phóng mặt bằng được 3,5km trong tổng chiều dài 10 km qua địa bàn. Từ nay đến tháng 6 năm 2020, địa phương quyết tâm sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để kịp bàn giao cho dự án. “Đối với các công trình trên sông thì hiện nay khó khăn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu Nghĩa Tự. Vì cây cầu này liên quan đến hơn 30 hộ dân phải giải tỏa trắng để bàn giao đất cho dự án. Hiện nay chúng tôi đang xúc tiến công tác bố trí tái định cư. Tinh thần là sẽ tính toán việc bố trí tái định cư ở những vị trí tốt nhất cho các hộ dân bị giải tỏa trong vùng dự án. Tức là sắp xếp dân cư khu vực lân cận vầu Nghĩa Tự để đảm bảo người dân không đi quá xa nơi người ta đang sinh sống”. Ông Nguyễn Đạt cũng cho biết, đây là dự án có tính chất liên kết, liên vùng. Dự án này sau khi được nạo vét thông thương giữa Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tạo ra vệt dân cư, đô thị dọc 2 bên bờ sông. Theo đó, giao thông đường thủy cũng như du lịch, thương mại sẽ phát triển tốt hơn nhiều. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội thị xã Điện Bàn đó là: Công nghiệp- thương mại- dịch vụ. Hiện nay, khu vực phát triển công nghiệp- thương mại- dịch vụ nằm ở phía Đông của thị xã, thuộc địa bàn 5 phường vùng Đông. Nơi đây đã hình thành các khu, cụm công nghiệp và một số khu du lịch. Đi kèm với phát triển đô thị, cơ cấu lao động cũng đang dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch. Hiện, trên 82% lao động trên địa bàn làm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Dự án nạo vét sông Cổ Cò kết nối với các dự án đô thị ven sông, ven biển của thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An góp phần rất lớn tạo nên chuỗi đô thị liên hoàn giữa phía Bắc tỉnh Quảng Nam với phía Nam thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy, phát triển du lịch, dọc 2 bên bờ sông và các tuyến đường ven sông đều có bố trí bến thuyền du lịch, kết hợp với các công viên dọc sông sẽ tạo nên những điểm nhấn ven sông để kết nối giữa sông với đô thị, kết nối sông với khu vực ven biển để phát triển du lịch, thương mại dọc tuyến ven biển.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận