Khai thông sông Cổ Cò, 2 địa phương 1 chí hướng

  • 20/12/2019 02:18:44
  • Hoài Nam-VOV miền Trung
  • Xã hội
  • 0

Dự án nạo vét sông Cổ Cò được xem là cần thiết trong mối quan hệ hợp tác liên kết, hỗ trợ cùng phát triển giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

 

Đây là dự án lớn, quan trọng, có tác động đến sự phát triển của Đà Nẵng, Quảng Nam trong gian tới, vì sông Cổ Cò không chỉ là tuyến giao thông thủy quan trọng mà còn là sự kết nối phát triển đô thị, cần có sự phối hợp tốt của 2 địa phương.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, sông Cổ Cò dài 28km; đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam dài 19,7km, được thực hiện bởi 2 dự án gồm: Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, thành phố Hội An dài 14km, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, gồm 3 công trình là: nạo vét luồng sông dài nạo vét 14km, diện tích nạo vét khoảng 126ha. Xây dựng cầu Nghĩa Tự dài 188,6m và cầu Ông Điền dài hơn 242m. Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (từ nguồn vốn vay ADB) với tổng vốn đầu tư 88,5 triệu USD gồm 5 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần nạo vét sông Cổ Cò (vốn đầu tư khoảng 10,5 triệu USD) gồm 2 hạng mục chính là nạo vét sông khoảng 5,7km và xây dựng mới cầu Thôn 3 vượt sông Cổ Cò.

Sông Cổ Cò qua địa bàn thành phố Đà Nẵng

Đối với Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, cuối tháng 10 năm ngoái, dự án đã được phê duyệt và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, do chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cũng như phê duyệt hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường nên kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa được thực hiện. Hiện, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đang tổ chức triển khai hồ sơ thiết kế, hồ sơ đánh giá tác động môi trường, thực hiện rà phá bom mìn và phối hợp với địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, tổng vốn đã bố trí cho dự án hơn 192 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương là hơn 170 tỷ đồng, vốn địa phương là 21,5 tỷ đồng. Dự kiến, quý I năm tới sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp, quý II khởi công công trình. Riêng đối với Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An, đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương đầu tư, phân chia các dự án thành phần thuộc dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Hội An.

Buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng bàn giải pháp nạo vét sông Cổ Cò

Ông Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã hoàn thành công tác kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất 468 của hộ với 1057 thửa. Hiện đã phê duyệt phương án đền bù đợt 1 với 189 thửa, kinh phí 15,1 tỷ đồng, đã chi trả 94 trên tổng số 103 hộ  với số tiền 13 tỷ đồng. Ngành chính quyền và ngành chức năng đang thẩm định phương án bồi thường giai đoạn 2 hơn 17,7 tỷ đồng ở khối Hà My Đông B, phường Điện Dương. Phương án giải phóng mặt bằng đợt 3 khoảng 10 tỷ đồng, đang trình cấp thẩm quyền thẩm định, dự kiến sẽ duyệt và chi trả trong tháng 12 này. Phương án giải phóng mặt bằng đợt 4 khoảng 17 tỷ đồng, đang chuẩn bị hồ sơ liên quan để trình thẩm định.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết quyết tâm chính trị của địa phương về triển khai Dự án này

Đối với khu vực cầu Nghĩa Tự, hiện có 46 hộ ảnh hưởng, trong đó có 37 hộ giải toả nhà ở phải bố trí tái định cư, 9 hộ bị ảnh hưởng một phần thửa đất không bố trí tái định cư. Số lô tái định cư dự kiến là 78 lô. Khu vực thành phố Hội An, việc thu hồi đất dự án chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản và một ít đất lúa thuộc xã Cẩm Hà, số hộ ảnh hưởng là 38 hộ, 44 thửa. Hiện đã thực hiện xong công tác đo đạc  giải thửa, đang trình cấp thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hồ sơ để trình thẩm định.

Ông Lê Trí Thanh (đội nón cối xanh), CT UBND tỉnh Quảng Nam trao đổi với ông Đỗ Tấn Vũ, Giám đốc Cty THHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ An Dương về bố trí tái định cư

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc triển khai Dự án nạo vét sông Cổ Cò thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương. Vấn đề còn lại là sẽ nghiên cứu các  giải pháp kỹ thuật và hạn chế đến mức thấp nhất những bất cập từ dự án này. Trước mắt, tập trung rà soát lại toàn bộ hạ tầng hai bên sông như: Cầu qua sông, phát triển đô thị hai bên sông, đánh giá tác động môi trường. Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh: “Chúng ta phải kiểm soát trở lại để khớp nối với phía Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, không sản xuất nông nghiệp tại đây. Như vậy, sông Cổ Cò bây giờ không còn mang trong mình trọng trách đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp như trước đây. Chỉ có 1 ít diện tích chỗ cánh đồng lúa ở Hội An là giữ lại thôi, còn toàn bộ là đô thị hết. 2.700 héc ta là phát triển đô thị hết, không sản xuất nông nghiệp gì ở đây cả. Cho nên chúng ta cũng không quan ngại lắm về ảnh hưởng của nhiễm mặn tác động đến nông nghiệp. Nhưng vấn đề bây giờ chưa đô thị hết, còn lỏi chỏi nên một số hộ dân vẫn dựa vào nông nghiệp”. Ông Lê Trí Thanh cho biết thêm: “Về mặt chủ trương, quan điểm là phải nạo vét, còn những hệ lụy đi theo thì chúng ta phải tính toán. Cái  nào giải quyết được thì chúng ta giải quyết”.  

Ông  Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp tối ưu nhất để triển khai dự án

Về phía thành  phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, PCT UBND thành phố khẳng định, đây là dự án có mục tiêu kép cho 2 địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội nên 2 bên hết sức nỗ lực để triển khai. Nếu tháo dỡ đập Bờ Quang và Đồng Nò mà không ảnh hưởng xâm nhập mặn thì đó là hướng rất tốt. Về nạo vét thì phía Đà Nẵng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa. “Lãnh đạo thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam khai thác vùng đất sông Cổ Cò cho hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; Giao Sở Giao thông thành phố lên phương án để khai thác hiệu quả tuyến đường sông, đường bộ và cảnh quan 2 bên bờ sông; Giao đơn vị tư vấn có báo cáo kết quả khoa học nhất. Sau khi có kết quả sẽ tham mưu Ban Thường vụ 2 địa phương nghe lại những mặt được và chưa được để quyết định. Ông Lê Trung Chinh cũng cho biết, phía Đà Nẵng đưa ra cam kết đến tháng 9 năm 2020 là sẽ khai thông đoạn tuyến thuộc phía Đà Nẵng. Quá trình triển khai dự án này nếu gặp vướng mắc sẽ đề xuất với Quảng Nam hướng xử lý.

       

 

Bình luận

    Chưa có bình luận