Ngày 19/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp với các đại diện một số Bộ, ngành trung ương, thành phố Hà Nội và TP HCM để đánh giá thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, xác định các nguyên nhân; thống nhất các giải pháp cấp bách và lâu dài để kiểm soát, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian tới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin tới các cơ quan báo chí một số nội dung có liên quan như sau:
1. Về tình hình ô nhiễm môi trường không khí Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn có giá trị đạt QCVN 05:2013/BTNMT. Qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 tại trạm quốc gia đặt tại 556 có xu hướng giảm từ năm 2013 đến 2017.
Từ 2018 đến 2019 nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng hơn so với 2017. So sánh kết quả quan trắc nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua các năm từ 2013 - 2019 cho thấy, từ tháng 9 đến giữa tháng 12/2019, nồng độ bụi PM2.5 tăng mạnh so với các tháng trước đó và tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.
Xu hướng biến động của bụi PM2.5 tại các thành phố Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Mùa đông, gió mùa Đông Bắc cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí tăng cao.
Ngược lại, trong mùa hè, các tỉnh thành phía bắc chịu tác động của gió Tây Nam và Đông Nam, cùng những cơn mưa thường xuyên rửa trôi bụi bẩn trong không khí. Kết quả là, các tỉnh thành phía Bắc có nồng độ bụi PM2.5 trong mùa hè giảm đi rất nhiều so với mùa đông.
Trên cơ sở số liệu của các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đặt tại các thành phố cho thấy, trong giai đoạn cuối năm, từ ngày 12/9/2019 đến 15/12/2019, các thành phố ở khu vực miền Bắc có giá trị trung bình 24h của thông số bụi PM2.5 cao hơn các khu vực khác; đã xảy ra một số đợt cao điểm ô nhiễm không khí, trong đó đợt ô nhiễm giữa tháng 12/2019 có mức độ nghiêm trọng nhất. Đặc biệt, tại Hà Nội, từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2019 các đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội có xu hướng gia tăng, liên tiếp trong nhiều ngày giá trị trung bình 24h của bụi PM2.5 vượt QCVN từ 2-3 lần.
Đặc biệt trong khoảng thời gian từ 1/11 đến 15/12 có đến 32/45 ngày (71%) ghi nhận giá trị trung bình 24h của bụi PM2.5 tại các trạm ở Hà Nội vượt QCVN; kết quả tính toán AQI giờ (đánh giá chất lượng không khí tức thời) cũng cho thấy tỉ lệ số giờ có chỉ số AQI ở mức kém đến mức rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, lên đến 49,34%. Đã ghi nhận trong 1 vài giờ, AQI giờ ở mức nguy hại (AQI >300) tại trạm ĐSQ Pháp và ĐSQ Mỹ. Thông thường nồng độ bụi PM2.5 tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm buổi sáng (từ 7-8h) và chiều (18-19h), giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa (13-14h) và ban đêm (23-1h).
Tuy nhiên, trong những ngày xảy ra ô nhiễm không khí thì khoảng thời gian ghi nhận giá trị AQI tăng và duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm, do ảnh hưởng bởi yêú tố thời tiết (lặng gió, độ ẩm thấp kết hợp với nghịch nhiệt). Sau đó, khi nhiệt độ trong ngày bắt đầu tăng, AQI giảm dần và thường thấp nhất vào khoảng 15-18h.
2. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí đến từ một số nguyên nhân chính gây phát sinh ô nhiễm bụi trong môi trường không khí bước đầu được xác định như sau:
- Khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông (hiện tại thành phố Hà Nội có hơn 770.000 xe ô tô và gần 5,8 triệu xe máy; TP HCM 700.000 ô tô là 7,5 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông từ của người dân từ các địa phương khác đi qua), trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
- Phát sinh từ hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường (theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.000 công trình xây dựng, con số này lớn hơn tại TP HCM).
- Phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải nguy hại không đúng quy định tại một số địa phương.
- Khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện, xi măng..), riêng tại thành phố Hồ Chí Minh có hơn 900 cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh phát sinh bụi, khí thải;
- Phát sinh từ việc sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày./.
PV/VOV.VN