'Cuộc đua' không nghỉ

  • 12/12/2019 10:55:36
  • Trần Liên
  • Xã hội
  • 0

10 năm xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng quê của tỉnh Tuyên Quang đã khoác lên mình những chiếc áo mới.

 

Không chỉ là những con đường được trải thảm bê tông phẳng lỳ, những công trình hạ tầng được nâng cấp, mà đổi thay từ chính cách nghĩ, nếp làm của những người dân vùng quê cách mạng.

Những cơ hội mới

Xã Tràng Đà (TP. Tuyên Quang) cùng với Mỹ Bằng, Thái Bình (huyện Yên Sơn) là 3 xã được lựa chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao của tỉnh. Sau quá trình xây dựng NTM, nhiều tiêu chí của xã đã được nâng cao hơn: Tỷ lệ bê tông hóa đường nội đồng hiện đạt trên 70%; 100% các xóm đạt tiêu chí văn hóa; bà con cũng đã đóng góp ngày công, vật chất hoàn thành trên 7.000m đường điện theo chương trình “Thắp sáng đường quê” với tổng trị giá 190 triệu đồng. Đặc biệt, Tràng Đà hiện là địa phương duy nhất của tỉnh Tuyên Quang tiến hành lắp đặt toàn bộ mắt camera giám sát tại tất cả các xóm, góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều vụ việc nhờ những chiếc camera này mà được giải quyết thấu tình, đạt lý khiến người dân yên tâm, tin tưởng hơn.

2.	Lãnh đạo xã Tràng Đà kiểm tra mô hình trồng hoa lan của gia đình anh Bùi Đình Minh, xóm 3.

Quan trọng nhất, theo Chủ tịch UBND xã Tràng Đà Vũ Thị Thu Hoài, bài toán nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là bài toán được chính quyền xã đặc biệt quan tâm, để tiêu chí này không ngừng tăng.

Dựa trên lợi thế địa phương, Tràng Đà quy hoạch thành từng vùng sản xuất chuyên biệt: khu vực xóm 9, xóm 10 phát triển cây na, cây hồng; khu vực xóm 1,  xóm 4, xóm 8, xóm 11 phát triển chăn nuôi cá lồng đặc sản; xóm 3, xóm 6, xóm 10 phát triển nghề trồng lan...

Khu vực trồng phong lan của gia đình anh Bùi Đình Minh, xóm 3 chủ yếu tận dụng diện tích 70 m2 tầng áp mái, nhưng được mệnh danh là vườn lan giá trị nhất ở Tràng Đà. Giống lan chủ yếu mà anh Minh trồng là phi điệp, nhưng là các giống đột biến, có giá trị kinh tế cao. Anh Minh chia sẻ, anh theo đuổi nghề trồng lan từ năm 2016, bắt đầu từ sở thích cá nhân. Khi đã có kinh nghiệm, anh trao đổi với những người có cùng sở thích, rồi dần trở thành thu nhập chính. Hiện anhBùi Đình Minh đang mở rộng thêm một vườn trồng lan với diện tích hơn 400m2. Anh Minh giờ làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa lan Tràng Đà. Câu lạc bộ giờ có hơn 30 thành viên cùng sinh hoạt. Chưa có một thống kê cụ thể nào về thu nhập của các thành viên trong Câu lạc bộ, nhưng anh Minh khẳng định, từ “thú chơi” này, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Đã ở cái tuổi thất thập, nhưng ông Lê Chiến Thắng ở xóm 10 vẫn được coi là điển hình trong cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Thắng cho biết, trước đây, gia đình ông cũng đầu tư vào mô hình kinh tế VAC, nuôi cá, trồng cây na và hồng. Thay vì chỉ nuôi các loại cá thương phẩm đơn thuần như cá chép, trắm, rô phi, thì giờ ông đầu tư vào xây dựng hệ thống bể để nuôi ba ba trơn, ba ba gai và các loại cá đặc sản như chiên, quất, trạch... Hiện nay, những lứa ba ba trơn đầu tiên bắt về đã bước đầu được bán với giá 300 nghìn đồng/kg.

NTM nâng cao đã dần hiện hữu ở Tràng Đà. Đường làng ngõ xóm phẳng phiu, an ninh trật tự được đảm bảo, môi trường nông thôn cải thiện dần. Đặc biệt, mức thu nhập bình quân đầu người ở đây giờ đã đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 0,7%, là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh Tuyên Quang.

 

“Cuộc đua” không nghỉ

Hết năm 2019, tỉnh Tuyên Quang dự kiến có 37 xã cán đích NTM. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, có ít nhất 41 xã đạt chuẩn NTM. Đến thời điểm này, đã có 10 xã đăng ký về đích.

Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, ngay trong quý IV/2019, đã có 10 xã đăng ký về đích NTM vào năm 2020, bao gồm: xã Thanh Tương của huyện vùng cao Na Hang; xã Phù Lưu, Minh Dân của huyện Hàm Yên; xã Trung Hòa, Nhân Lý của huyện Chiêm Hóa; xã Thắng Quân, Tứ Quận, Tiến Bộ của huyện Yên Sơn; xã Hợp Thành, Thiện Kế của huyện Sơn Dương.

5.	Vườn cây ăn quả của người dân thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Ngay trong năm 2019, xã Tứ Quận đã hoàn thành 3 tiêu chí về Hộ nghèo, Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, Quốc phòng và An ninh, nâng tổng số tiêu chí đã hoàn thành lên 14 tiêu chí. Ông Hán Quang Thái, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xác định giảm nghèo là tiêu chí khó, nên xã đã tập trung nhiều giải pháp để nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân. Sau thời gian khủng hoảng về chăn nuôi, Tứ Quận vận động người dân chủ động, linh hoạt chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào những cây con có thị trường, phát triển ổn định và phù hợp với địa phương. Hiện, trên địa bàn xã có trên 300ha cây ăn quả, chủ yếu là cây ăn quả có múi; hơn 200ha chè, mức thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.

Thôn Cây Nhãn thuộc xã Tứ Quận có đến 3/4 dân số là đồng bào dân tộc Dao. Sau nhiều năm loay hoay với bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì”, người dân ở đây đã lựa chọn được cây trồng phù hợp theo cách khá tình cờ. Trường thôn Tạ Văn Quang cho biết, ở Cây Nhãn có một số người dân là người gốc Hoài Đức (Hà Nội) lên khai hoang từ thời bao cấp. Những năm 2000, một số hộ về quê chọn những gốc cam, gốc bưởi từ quê lên ươm trồng. 3 anh em Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Vi… được coi là người khai đường, khi những gốc cam, gốc bưởi đầu tiên họ mang lên bén rễ ở Cây Nhãn và cho trái ngọt. Sau mô hình này, bà con học nhau nhân rộng diện tích cây ăn quả. Cây Nhãn giờ đã có gần 50ha cây ăn quả, chủ yếu là cây cam và cây bưởi.

Vườn cam 3ha của anh Tạ Văn Vượng những ngày cuối tháng 11 lúc lỉu quả, nhìn vui mắt như những đốm lửa nhỏ thắp trên cành. Anh Vượng khoe, đồi cây ăn quả này vợ chồng anh trồng từ năm 2015, năm nay đã là năm thứ 2 cho thu hoạch. Mới là năm thứ 2, nhưng số tiền thu được sau 2 năm đã chạm con số tỷ đồng. Anh bảo, năm trước cả vườn cho hơn 40 tấn quả, thu về xấp xỉ 400 triệu đồng. Năm nay cây đã khỏe hơn, quả sai hơn, cả vườn ước chừng được hơn 60 tấn, số tiền thu về cũng được hơn 600 triệu đồng. Những lúc bận bịu, thu hái, vợ chồng anh thuê thêm 4 - 5 lao động, bình thường chỉ có 2 vợ chồng tất bật, người bón phân, người phun thuốc…

Nhiều hộ người Dao ở thôn Cây Nhãn cũng đã bắt tay vào cải tạo vườn tạp, đưa cây ăn quả về trồng. Anh Triệu Văn Chinh vừa cải tạo vườn tạp, đưa về trồng gần 500 gốc bưởi Diễn. Anh bảo, lâu nay mình chỉ quen với ruộng lúa, đất vườn rộng lắm nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cải tạo để trồng cây ăn quả cả. 1ha cam của anh Nguyễn Văn Hùng năm nay cũng bắt đầu cho thu hoạch. Anh nhẩm tính, số tiền thu về của vụ này cũng được khoảng 70 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Quận Hán Quang Thái cho biết, cùng với một số thôn như Bình Ca 1, Bình Ca 2, cây nhãn hiện nằm trong quy hoạch cây ăn quả chủ lực của xã. Về lâu dài, để vùng chuyên canh cây ăn quả này phát triển bền vững, xã đang khuyến khích, hướng dẫn các hộ có diện tích lớn trồng, chăm sóc theo hướng VietGAP, hữu cơ, đồng thời hỗ trợ các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm, nâng cao giá trị trên thị trường. 

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngoài 10 xã đăng ký về đích NTM, năm 2020, Tuyên Quang phấn đấu có 3 xã Mỹ Bằng, Thái Bình (Yên Sơn) và Tràng Đà (TP. Tuyên Quang) đạt chuẩn NTM nâng cao; lựa chọn thêm 2 xã Vinh Quang (Chiêm Hóa), Hoàng Khai (Yên Sơn) tiếp tục thực hiện lộ trình này. Đồng thời, có ít nhất 14 thôn được công nhận là “thôn nông thôn mới kiểu mẫu”; 21 vườn của hộ gia đình được công nhận là “vườn mẫu nông thôn mới”./.

 

 

 

Ảnh NTM/

  1. Vườn mẫu của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Khuôn Thắng, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) mỗi năm cho thu nhập 400 triệu đồng.
  2. Lãnh đạo xã Tràng Đà kiểm tra mô hình trồng hoa lan của gia đình anh Bùi Đình Minh, xóm 3.
  3. Vườn mẫu của gia đình ông Nguyễn Tá Khải, thôn Hoắc, xã Thái Bình (Yên Sơn).
  4. Đường làng, ngõ xóm ở Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang) được chỉnh trang, xây dựng theo hướng xanh – sạch – đẹp.
  5. Vườn cây ăn quả của người dân thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn).

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận