Tuyên Quang trên đường về đích

Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp Tuyên Quang có 21/21 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch, bảo đảm tiến độ về đích mục tiêu Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ 16

 

Tăng trưởng khá

Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng 8,05% so với năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người 39 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: công nghiệp - xây dựng - dịch vụ - nông lâm nghiệp, thủy sản.

 Sản xuất công nghiệp đạt giá trị 15.660 tỷ đồng, sản xuất nông, lâm nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá, đạt giá trị 8.407,5 tỷ đồng. Sản lượng lương thực trên 34,4 vạn tấn; trồng rừng 11.780ha. Tổng thu NSNN trên địa bàn 2.106 tỷ đồng.

Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách.

Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện. Trong năm, Tuyên Quang có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt trên 14 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh đã bê tông hóa đường giao thông nội đồng được 111km; kiên cố hóa kênh mương nội đồng được 275km; xây dựng được thêm 71 nhà văn hóa thôn bản.

Các nhiệm vụ giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động… đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Chỉ số cải cách hành chính của Tuyên Quang xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố.

Đến ngày 31/10/2019, tỉnh đã có 173 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 1.543 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 35 dự án, số vốn đăng ký trên 5.965 tỷ đồng; nâng tổng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 298 dự án, với trên 42.723 tỷ đồng.

Nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT được tỉnh triển khai đúng quy định và đẩy nhanh tiến độ, làm thay đổi diện mạo thành phố, thúc đẩy sự phát triển. Ngay đầu tháng 12 này, Tuyên Quang đã được Thủ tướng Chính phủ ký chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức BOT. Không lâu nữa, con đường sẽ rút ngắn khoảng cách Tuyên Quang - Hà Nội, cũng là tăng nhanh cơ hội phát triển của tỉnh.

Tập trung các khâu đột phá

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015- 2020, Tuyên Quang đã xác định 3 khâu đột phá để phát triển là đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông lâm nghiệp hàng hóa; khai thác tiềm năng để phát triển du lịch.

Tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã Thái Long (Yên Sơn) được hoàn thành góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng.

Để phát triển công nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kết luận số 30-KL/TU ngày 25/5/2016 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Từ đó, đã thành lập các cụm công nghiệp, chủ động tình hình sản xuất, kinh doanh và thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án sản xuất công nghiệp.

Trong năm 2019, tỉnh đã thu hút, quyết định chủ trương đầu tư cho một số dự án: Nhà máy sản xuất, gia công thiết bị nghe (tai nghe) FUTURE OF SOUND VINA; Nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu PPE; Nhà máy sản xuất kinh doanh bao bì PP Container và thiết bị ngành bao bì; Nhà máy sản xuất vải bạt nhựa PE; Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Gang thép Tuyên Quang.

Phát triển nông lâm nghiệp hàng hóa, tỉnh tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và làng nghề. Xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao cùng với việc thực hiện chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC đã giúp người trồng rừng Tuyên Quang yên tâm với nghề và có cơ hội làm giàu. Diện tích rừng đã cấp chứng chỉ toàn tỉnh đã đạt trên 25.366ha, độ che phủ rừng của tỉnh hiện đạt trên 64%, thuộc top đầu cả nước. Nhiều sản phẩm chủ lực được tiếp tục phát triển như cây chè, với diện tích gần 8.600 ha, sản lượng 68.000 tấn; cây mía gần 4.600ha, sản lượng 317.000 tấn, cây ăn quả gần 14.000ha...

Phát triển du lịch, tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 , nhằm khai thác tiềm năng, đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách. Tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm (Yên Sơn), Tập đoàn Vingroup đã khởi động Dự án Khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng công cộng, hứa hẹn một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, bởi nơi đây có nguồn nước khoáng nóng nổi tiếng, với các thành phần khoáng chất vượt trội so với nhiều nơi khác.

Lễ hội Thành Tuyên tiếp tục là sản phẩm du lịch được du khách trong và ngoài nước  yêu thích, kết hợp Liên hoan trình diễn phi vật thể Quốc gia với sự tham gia của nhiều tỉnh,thành phố, đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tự hào trong mọi tầng lớp nhân dân và quảng bá hình ảnh tỉnh Tuyên Quang tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Những ngày cuối năm này, các thủ tục liên quan thực hiện khảo sát tuyến vận tải hành khách và hàng hóa quốc tế bằng đường bộ: Tuyên Quang - Hà Giang - Cửa khẩu Thanh Thủy (Việt Nam) - Cửa khẩu Thiên Bảo - Châu Văn Sơn (Trung Quốc) và ngược lại đang được hoàn thiện; mở ra cơ hội mới nhiều hứa hẹn. 

Tại Kỳ họp thứ 9 mới đây của HĐND tỉnh, đã có 21 nghị quyết được thông qua để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách mới, quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2020, danh mục các công trình, dự án đầu tư công năm 2020. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Quang đang nêu cao quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ để về đích nhiệm kỳ 2015 -2020, lập thành tích chào mừng 90 thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận