Hiện nay, thông qua các kênh như mạng xã hội, người học lái xe có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin tuyển sinh đào tạo lái xe mà không cần phải qua trực tiếp các cơ sở đào tạo, còn mức phí đào tạo lái xe B2 mỗi cơ sở một giá nhưng dao động từ 3,5 triệu đến 7 triệu đồng/học viên. Bên cạnh đó là những thông tin khá hấp dẫn học viên như được học gần nhà, học đâu thi đó, được thi sớm, được “rỉ tai” nhắc lý thuyết…
Đóng đủ tiền học phí, còn lại sẽ có người lo
Tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ ghi rõ: người học lái lần đầu phải lập một bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định; Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn; Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều nơi học viên được bỏ qua khâu khám sức khỏe. Cũng theo quy định tại thông tư này yêu cầu: Kiểm tra tất cả các môn học trong quá trình học; môn Cấu tạo và Sửa chữa thông thường và môn Nghiệp vụ vận tải đối với hạng B2 học viên có thể tự học nhưng phải được cơ sở đào tạo kiểm tra.
Ngoài ra nội dung chương trình học học viên phải đảm bảo có bằng sơ cấp đào tạo nghề, tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều học viên cho biết, họ không phải khám sức khỏe, không phải học một giờ nào về môn Cấu tạo và sửa chữa thông thường của xe ô tô vẫn đương nhiên có chứng chỉ sơ cấp trong hồ sơ sau khi thi đỗ.
Trong vai một người có nhu cầu muốn tìm hiểu để học lấy bằng lái xe B2, khi đến trước cửa Trung tâm sát hạch lái xe Sài Đồng (134 Sài Đồng, Long Biên), phóng viên được một người tên Q tự giới thiệu là giáo viên dạy lái xe hạng B2 hướng dẫn “Muốn tham gia học lái xe, học viên chỉ cần nộp trực tiếp cho giáo viên 7 triệu đồng tiền học phí, học phí có thể đóng 2 lần cùng ảnh và hồ sơ là có thể đi học ngay, còn lại mọi thủ tục sẽ được lo hết”.
Người này cho hay, trung bình thời gian đào tạo học lấy giấy phép lái xe B2 với người mới bắt đầu là 3 tháng, nhưng nếu học nhanh có thể xếp lịch thi ngay, hồ sơ chỉ cần 6 ảnh, photo chứng minh thư, thủ tục còn lại “tất cả để anh lo”.
Học phí trên bao gồm cho 12 buổi học xe tập lái và học lý thuyết. Tuy nhiên, phần lý thuyết người học có thể tải App tự học cài vào điện thoại, nếu có thời gian có thể đến trung tâm sẽ có thầy hướng dẫn. Sau 12 buổi học, nếu học viên cảm thấy chưa vững tin ở tay lái thì đóng thêm phí bổ túc khoảng 10 buổi.
Suốt quá trình học, ngoài những kiến thức cơ bản, học viên chủ yếu được các thày đào tạo các kỹ năng để thi đỗ phần thi sát hạch tay lái. Kết thúc phần học, học viên sẽ tiếp tục chuyển sang tập xe chip trên sa hình (xe thi gắn chip điện tử) để luyện các kỹ năng hoàn thành bài thi. Học viên phải đăng ký thuê xe chip 270.000 đồng/h. Ví dụ: Ở phần bài thi đề pa lên dốc, học viên sẽ được thầy giáo dạy cách căn không để bánh xe trước đè vạch, ở phần này nếu đè vạch bị đánh trượt luôn. Thông qua các điểm đánh dấu ở giữa cửa xe và vật đánh dấu dưới sân thi. Học viên chỉ cần tập dừng xe thành thạo cho điểm giữa cửa phụ ngang bằng điểm đánh dấu dưới sân là không bị đè vạch. Ở các phần thi khác như lùi chuồng dọc hay ghép ngang, giáo viên đều có những dấu hiệu đánh dấu cho học viên khi tập.
Vào ngày thi chính thức, bên cạnh các khoản lệ phí thi, làm bằng theo quy định. Theo nhu cầu, nhiều học viên đóng thêm 300.000 đồng để đăng ký được thi xe chip mình tập quen. Mỗi kỳ thi với số lượng lên hàng trăm học viên nhưng hiếm học viên nào đăng ký xe quen mà bị hoàn lại tiền vì thi trượt.
Cơ quan chức năng nói... các kỳ sát hạch diễn ra nghiêm túc?!
Về mức phí đào tạo, Thông tư số 72 Bộ Tài chính quy định cho các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tự chủ xây dựng mức phí đào tạo đối với trung tâm của mình… Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Sở Giao thông -Vận tải Hà Nội khẳng định, việc tuyển sinh có thể dưới nhiều hình thức miễn là hồ sơ của học viên phải nộp đúng cơ sở đào tạo. “Có cơ sở được đầu tư trang thiết bị phương tiện tốt thì họ thu phí cao, việc này cũng không sai với quy định của Bộ Tài chính”, vị này khẳng định.
Trao đổi đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Diễn- Phó phòng quản lý phương tiện (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, các kỳ thi sát hạch lái xe diễn ra nghiêm túc chặt chẽ, có thanh tra giám sát đột xuất các kỳ thi.
Nói về tính minh bạch việc kỳ thi sát hạch lái xe bằng xe chip trong sân (bài thi sa hình), ông Diễn cho biết, các kỳ thi sát hạch đảm bảo tính chính xác. Trước mỗi kỳ thi, Hội đồng sát hạch kiểm tra điểm chuẩn có biên bản kèm theo, đảm bảo báo lỗi, chấm điểm. Một kỳ thi 300-400 con người, nếu không chính xác học viên sẽ thắc mắc ngay. Tất cả được đánh giá trên cơ sở thực chất năng lực học của học viên, tỷ lệ thi các trung tâm sát hạch ở Hà Nội đạt trung bình 56%”, ông Diễn khẳng định.
Tuy nhiên, thực trạng cơ sở đào tạo “khoán trắng” cho giáo viên dẫn đến việc thày dạy cắt xén, ăn bớt giáo án, chương trình học vẫn đang diễn ra phổ biến. Nhiều học viên sau khi lấy được Giấy phép lái xe B2 thừa nhận vẫn không dám chạy ngoài đường do thời gian thực tế lái trên đường quá ít. Anh Đoàn Anh Tuấn - một học viên cho biết: “Cả khóa học tôi chỉ được thầy cho đi dã ngoại có 1 lần lên Sơn Tây, xe có 2 học viên mỗi người chia nhau lái một lượt, số giờ chạy ngoài là quá ít. Các thầy lại không muốn mang tiếng có học sinh thi lại nên chỉ tập trung dạy để lấy bằng còn các kỹ năng trên đường chúng tôi không được học”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Chí Dũng, chủ một hãng taxi cho hay, phần lớn các em mới lấy bằng đều không có kinh nghiệm lái xe trên thực tế khi tham gia giao thông. Ở cơ sở đào tạo, các em chỉ được các thầy dạy cho kỹ năng qua bài thi để thi đỗ. Chính vì vậy, mặc dù có giấy phép lái xe nhưng nhiều em không chạy nổi xe, ngồi ghế lái là run cầm cập. “Với cách đào tạo như vậy, chẳng khác nào họ đào tạo những tên giết người trên đường phố”, ông Dũng bức xúc nói.
Thông tư 38 siết chặt sát hạch lái xe
Để loại bỏ tình trạng học đối phó, cắt xén chương trình; lái xe thiếu kỹ năng, kém đạo đức khi điều khiển phương tiện lưu thông mới đây mới đây Bộ GT-VT đã ban hành Thông tư số 38/2019 (có hiệu lực từ ngày 1/12/2019) sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp GPLX, trong đó bổ sung nhiều quy định mới như: Thêm hai môn học là xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin. Những cabin tập lái được tích hợp nhiều bài thi, nhiều điều kiện thời tiết, cũng như những cung đường, giúp học viên tiếp cận những tình huống thực tế. Thời gian học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi tập lái trên đường; Giám sát trực tuyến quá trình đào tạo của trung tâm, quá trình học lý thuyết cũng như thực hành của học viên.
Từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái ôtô sẽ phải ứng dụng công nghệ nhận dạng để theo dõi thời gian học môn Pháp luật giao thông đường bộ của học viên trên lớp. Với thực hành lái xe, ô tô tập lái sẽ phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường, sau 6 tháng kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực thi hành.
Thiết bị mô phỏng bao gồm: Hệ thống máy tính, phần mềm mô phỏng và cabin học lái ôtô sẽ được sử dụng cả trong đào tạo và sát hạch. Trình tự sát hạch mới sẽ là lý thuyết – mô phỏng – trong hình – trên đường. Như vậy, nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng sẽ không được sát hạch trên ô tô. Việc đào tạo bằng thiết bị mô phỏng được thực hiện từ 1/1/2021 và sát hạch từ 1/5/2021. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2020, sẽ thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch: Xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc./.
H.La/VOV.VN