TP HCM loay hoay giải bài toán phát triển vận tải bằng xe buýt

Hạ tầng cho xe buýt vẫn còn thiếu, chưa triển khai các tuyến xe buýt nhanh, chưa có vé điện tử… là những nguyên nhân khiến vận tải xe bus bị ảnh hưởng.

 

Theo Sở GTVT TP HCM, những hạn chế về cơ sở hạ tầng hiện nay của thành phố là tỉ lệ đất dành cho giao thông quá thấp, chỉ mới đạt hơn 7.800 ha trong khi quy hoạch là hơn 22.300 ha; Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị cũng chỉ mới đạt 8,5%, trong khi quy hoạch là 22,3%. Cùng với đó, phương tiện cá nhân tăng cao qua các năm (xe máy tăng 6,5%, ô tô tăng 11,5% mỗi năm). Trong khi đó, hạ tầng cho xe buýt vẫn còn thiếu, chưa triển khai các tuyến xe buýt nhanh, chưa triển khai vé điện tử… cũng là những nguyên nhân, khiến cho hoạt động vận tải xe buýt bị ảnh hưởng nặng nề.

Hiện nay, mỗi ngày hệ thống xe buýt của TP HCM hoạt động 16.000 lượt trong điều kiện giao thông mà xe máy chiếm đến hơn 90% nên gây nhiều áp lực và những khó khăn trên không thể giải quyết một sớm một chiều. Vì thế, trong thời gian tới, Sở GTVT TP HCM đang tập trung nghiên cứu bố trí làn ưu tiên, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, sắp xếp các đơn vị theo hướng quản lý tiên tiến; Dành quỹ đất hợp lý cho giao thông công cộng, lập lại trật tự vỉa hè, tạo điều kiện tối ưu cho hành khách tiếp cận… Đặc biệt là sẽ nhanh chóng đưa vào áp dụng vé điện tử để tiện lợi hơn cho cả hành khách và khâu quản lý.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho biết: "Hiện nay quy hoạch, cách tiếp cận và cách xây dựng đô thị chưa hướng tới giao thông công cộng nhiều mà chúng ta vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn cần phải nghiên cứu thay đổi, phải giành quỹ đất tối thiểu bao nhiêu cho giao thông công cộng, những khu vực tiếp cận giao thông công cộng. Quan điểm về giao thông cộng của siêu đô thị trong tương lai phải ứng xử cho phù hợp".

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, vận tải hành khách công cộng ở các đô thị phát triển là cần thiết và quan trọng để tạo ra đô thị thông minh và thân thiện. Hệ thống vận tải hành khách công cộng nếu không được đầu tư đúng mức sẽ dẫn đến cản trở sự phát triển. TP HCM đang đô thị hoá rất nhanh nên từ 2010, TP đã xem việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng như xe buýt, metro là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay cả ở nội tại hoạt động xe buýt và môi trường để xe buýt hoạt động đều có những hạn chế.

Ông Hoan cũng cho biết, hiện nay đang là thời điểm báo động có nhiều nguy cơ tác động đến sự phát triển của xe buýt trong tương lai. UBND TP HCM sẽ cố gắng tìm nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó tập trung vào 7 nhóm việc như rà soát lại, điều chỉnh bổ sung các chính sách về trợ giá, xã hội hoá kêu gọi đầu tư, đổi mới phương tiện… Tập trung triển khai quy hoạch đất ở các quận huyện, trong đó ưu tiên cho xe buýt. TP cũng sẽ sắp xếp lại các tuyến và kết nối các khu dân cư mới, các trường học, trung tâm thương mại, chú ý tuyến vòng, đi theo quốc lộ, đường vành đai… Đổi mới hình thức quản lý, tăng tiện ích cho người dùng như wifi, thẻ đa năng… ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp thông tin cho hành khách, đảm bảo hành khách tiếp cận dễ dàng với xe buýt… Đặc biệt, TP HCM cũng sẽ thực hiện tốt việc hạn chế xe cá nhân và có giải pháp để các xe vận chuyển hàng hoá chỉ vào trung tâm TP vào ban đêm.

Ông Võ Văn Hoan cho biết: "Xe buýt mà không đổi mới thì không thu hút được. Ví dụ sinh viên mà lên xe buýt kiểu xe đò thì không gọi là đổi mới và thu hút sinh viên được. Do đó, phải tăng nhiều tiện ích như thẻ thông minh, wifi, quy chế văn minh…Chúng ta phải có những tiện ích như vậy và cần phải hạn chế, kiểm soát xe cá nhân mô tô, ô tô lưu thông".

Còn kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP thì cho rằng, hiện TP đã rất tích cực thay mới xe nhưng cần phải phân bố lại mạng lưới xe buýt, ưu tiên dẫn phân bổ ra vùng ven ở các quận 4, 7, Bình Chánh, Hóc Môn…Ngoài ra, cần phải làm sao để hệ thống tiếp cận dễ dàng với người dân bởi với đặc thù nhà dân ở TP chủ yếu là nhà hẻm, khoảng cách từ nhà ra đường lớn là xa trên 500m. Hiện Hội cầu đường Cảng đang phối hợp với Trung tâm quản lý giao thông công cộng nghiên cứu đưa vào loại hình minibus ở những tuyến hẻm trên 7m để đưa người dân tiếp cận với xe buýt và đầu năm 2020 sẽ trình UBND TP đề án này. Đặc biệt, việc kết nối với các tuyến metro số 1 (sắp hoàn thành vào năm 2021) và tuyến metro số 2 cần phải được triển khai ngay để tăng tính hấp dẫn hành khách.

Áp dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm điều khiển giao thông công cộng TP.HCM.

Ông Hà Ngọc Trường cho hay: "Phải kết nối bằng biện pháp phân bổ luồng xe. Tất cả metro phải có trạm xe buýt và sự gắn kết này phải làm ngay bởi nếu khi Metro hoàn thành chỉ có metro chạy không không có khách thì rất lãng phí và không hấp dẫn hành khách và không giảm kẹt xe".

Vấn đề xe buýt giảm sản lượng cũng đã làm Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân lo lắng và đặt vấn đề tại Hội nghị Thành uỷ diễn ra vào ngày 30/11 mới đây.

Theo ông Nhân, đây là vấn đề cần phải suy nghĩ bởi nếu không có giải pháp đột phá thì sẽ buýt sẽ còn giảm nữa. Trong bối cảnh TP đang giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, tàu điện ngầm còn lâu nữa mới có và nếu có một chuyến thì cũng không giải quyết được nhiều, ông Nhân đề nghị cần phải mạnh dạn thí điểm các giải pháp như cách mà TP Jarkata của Indonesia đã làm, đó là liên kết các hãng xe tư nhân với nhà nước và đảm bảo người dân ra khỏi nhà là có phương tiện chở đi, có thể là từ xe ôm công nghệ rồi xe buýt, rồi tàu điện ngầm…Trước mắt, Sở GTVT có thể kết hợp với Grab để thí điểm.

"Cứ một người dân hiện nay có hơn 1 xe máy hoặc ô tô. Đến 2025 sẽ là 1,5 chiếc và nếu không có giải pháp thì không thể nào khắc phục và kẹt xe sẽ ngày càng gia tăng nếu không giải quyết được bài toán đi xe công cộng, Tôi đề nghị làm thử trên một số tuyến chính và sau đó thêm một trung gian, và bàn với một số công ty đưa xe buýt nhỏ chạy điện vào các đường nhỏ hơn", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Rõ ràng, phát triển đô thị thông minh và thân thiện như định hướng của TP HCM thì việc phát triển các phương tiện công cộng như xe buýt và metro sau này là lựa chọn định hướng cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, nếu cả hệ thống chính trị không thực sự quyết tâm và sớm hành động thiết thực mà vẫn cứ còn loay hoay bàn giải pháp thì lượng khách đi xe buýt xe còn giảm nữa và cho dù làm nhiều metro nữa mà kém kết nối đồng bộ thì khi đi vào hoạt động giao thông vẫn hỗn loạn và ùn tắc./.

Hà Khánh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận