Theo đó, thông tư yêu cầu bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6-6-2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2020. Thông tư cũng nêu rõ các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo quy định ở Quyết định trên vẫn có giá trị sử dụng.
Các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày thông tư có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.
Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ GD-ĐT; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giám đốc đại học, học viện; hiệu trưởng trường đại học; hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm; hiệu trưởng trường trung cấp sư phạm; giám đốc sở GD-ĐT; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành thông tư này.
Bên cạnh việc chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân từng trả lời chất vấn trước Quốc hội, thừa nhận rằng, “văn bằng, chứng chỉ phiền hà lắm” và nhận khuyết điểm vì để vấn nạn chứng chỉ làm khổ công chức suốt nhiều năm qua.
Bộ trưởng cam kết: “Xin hứa với Quốc hội, sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức ban hành, chúng tôi sẽ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức nữa".
Như vậy, việc loại bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ là động thái tích cực nhằm ngăn chặn việc gian lận và buông lỏng quản lý ở các địa phương.
Theo Minh Khôi/VTCNews