Ngành y tế Vĩnh Phúc: Hướng tới sự hài lòng của người bệnh

  • 03/10/2019 01:29:06
  • Thanh Hải
  • Xã hội
  • 0

Ngành y tế Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị y tế nâng cao y đức, thái độ phục vụ người bệnh, xây dựng bệnh viện xanh, sạch, đẹp; hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân

 

Sự tiến bộ vượt bậc trong phong cách, thái độ ứng xử với người bệnh của ngành đã được người dân trên địa bàn tỉnh ghi nhận.

Sức khỏe của người dân là mục tiêu

Phát huy những thành tích đã đạt được từ năm tái lập tỉnh, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới tích cực, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; với mục tiêu phát triển ngành y tế vững mạnh, toàn diện, lấy y tế cơ sở làm nền tảng, y tế dự phòng làm then chốt, phát triển mạnh kỹ thuật y tế chuyên sâu để thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển dân số trong tình hình mới.

Ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng đầu tư máy móc hiện đại phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy, Sở Y tế đã tham mưu tổ chức mạng lưới y tế được sắp xếp từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện. Toàn ngành có 6 bệnh viện, 7 trung tâm chuyên ngành tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến huyện đa chức năng (phòng bệnh, khám chữa bệnh, DS/KHHGĐ, ATVSTP), 8 phòng khám đa khoa khu vực, 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 1.459 nhân viên y tế thôn bản. So với năm đầu tái lập tỉnh, giảm 15 đầu mối đơn vị y tế. Ngoài ra, có 3 bệnh viện trực thuộc bộ, ngành đóng trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới y dược ngoài công lập ngày càng phát triển với 267 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và 1.021 cơ sở kinh doanh dược.

Những năm qua, ngành y tế đã tập trung đào tạo, thu hút, đãi ngộ, tuyển dụng cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế chuyên sâu. Toàn ngành y tế Vĩnh Phúc hiện có 4.272 công chức, viên chức và lao động; có 1.166 bác sĩ, đạt tỷ lệ 10,7 bác sĩ/vạn dân; 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. So với năm đầu tái lập tỉnh, số bác sĩ và dược sĩ tăng 1.154 người.

Công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả. Trong nhiều năm trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra; quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã như tim mạch, tăng huyết áp, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, lao… Ý thức phòng bệnh, tự bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng được nâng lên. Công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, quản lý môi trường, y tế trường học… có nhiều tiến bộ.

Các chỉ tiêu chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đạt và vượt kế hoạch giao. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 8,2%. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98% hằng năm. Công tác an toàn thực phẩm được triển khai quyết liệt, trong những năm vừa qua không xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn người mắc, không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Sở Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế tuyến huyện huy động các nguồn lực triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Đến nay trên 50% dân số của tỉnh được lập hồ sơ sức khỏe. Dự kiến đến năm 2020 đạt 100% dân số được quản lý sức khỏe.

Ngoài ra, các trạm y tế xã triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh, cấp cứu ban đầu, đã kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, phục hồi chức năng trong khám chữa bệnh. Có 127/137 trạm y tế xã tham gia khám chữa bệnh BHYT. Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế ở ngay tuyến y tế cơ sở. Đến năm 2018, có 136/137 (99,7%) trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

Hệ thống khám chữa bệnh đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Giường bệnh kế hoạch đạt 28,5 GB/vạn dân; số lượt khám bệnh 1.507.500 lượt người. Công suất sử dụng giường bệnh trung bình thường xuyên đạt 110 - 120%.

Nâng cao y đức, chuyên môn

Trong những năm qua, các dịch vụ khám chữa bệnh được đẩy mạnh, chất lượng bệnh viện đánh giá theo tiêu chí của Bộ Y tế được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân. Các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện trung bình 84% kỹ thuật theo phân tuyến, các trung tâm y tế huyện đạt khoảng 60% kỹ thuật theo phân tuyến. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật hiện đại được thực hiện ở bệnh viện tuyến tỉnh như: điều trị tiêu sợi huyết ở bệnh nhân đột quỹ não trong 3 giờ đầu, siêu lọc máu ở bệnh nhân suy đa tạng, can thiệp tim mạch, hỗ trợ sinh sản trong thụ tinh nhân tạo, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật vi phẫu u tủy, phẫu thuật vi phẫu lấy u não, chụp nút mạch gan… đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng.

Để từng bước làm hài lòng người bệnh, song song với việc thay đổi tác phong, thái độ ứng xử, chất lượng khám, chữa bệnh được ngành Y tế Vĩnh Phúc chú trọng. Nhiều đơn vị được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại, thân thiện; các trang thiết bị hiện đại được đầu tư, đưa vào sử dụng phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị. Đầu tư xây mới, cải tạo cơ bản hoàn thiện cơ sở vật chất trạm y tế xã để đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Trang thiết bị y tế được đầu tư hằng năm, giúp các cơ sở phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới, nhiều thiết bị hiện đại được lắp đặt cho các bệnh viện tuyến tỉnh.

Thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, tiến tới lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ BHYT đạt 88,6%. Duy trì Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, mô hình bệnh tật thay đổi, ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tham mưu để tỉnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm  y tế tuyến huyện và đầu tư mua sắm thiết bị y tế cho các đơn vị y tế; đảm bảo đồng bộ, hiện đại, phát triển các kỹ thuật chuyên môn phòng bệnh, khám chữa bệnh. Phát triển mạng lưới y tế cơ sở, quản lý sức khỏe toàn dân để đến năm 2020 đạt 100% dân số được quản lý sức khỏe; quản lý các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; lồng ghép nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã. Tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; duy trì mức sinh thay thế hợp lý, đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số, tuổi thọ của người dân trân địa bàn tỉnh. Thực hiện đạt các chỉ tiêu chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ y tế cho cán bộ y tế các tuyến ở trong nước và cả nước ngoài để làm chủ các kỹ thuật khám chữa bệnh, nhất là kỹ thuật hiện đại. Thực hiện tốt các đề án bệnh viện vệ tinh trên địa bàn tỉnh; gắn với đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế. Triển khai thực hiện tự chủ về tài chính các cơ sở y tế công lập đã được UBND tỉnh giao; tăng cường xã hội hóa công tác y tế, thu hút các nguồn lực đầu tư cho ngành y tế ngoài nguồn ngân sách nhà nước cấp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của ngành và các đơn vị y tế trong toàn ngành.

Ông Nguyễn Thanh Hải khẳng định: “Ngành y tế sẽ nỗ lực, đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; tích cực rèn luyện nâng cao y đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật phòng bệnh, khám chữa bệnh; nâng cao chất lượng dân số, tuổi thọ người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc”./.
 

Để phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, ngành y tế đã thực hiện đào tạo, chuyển giao các gói kỹ thuật theo Đề án Bệnh viện vệ tinh các chuyên ngành: Ngoại Chấn thương, Tim mạch, Ung bướu, Sản khoa, Nhi khoa. Do đó, nhiều kỹ thuật của tuyến trung ương đã được triển khai tại Bệnh viện tuyến tỉnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện. Thực hiện luân phiên cán bộ y tế về tuyến dưới. Mỗi năm toàn ngành triển khai trung bình hơn 200 dịch vụ kỹ thuật mới.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận