Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Quốc khánh được nghỉ 2 ngày

Tăng thêm ngày nghỉ lễ, Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) quy định ngày Quốc khánh được nghỉ 2 ngày. Quốc hội giao Chính phủ chọn trước hoặc sau 2/9.

 

Sáng 19/11, trao đổi bên hành lang Quốc hội về việc tiếp thu mới nhất của Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua vào sáng mai 20/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua vào ngày 20/11 sẽ tiếp thu những vấn đề lớn như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm tối đa, giảm giờ làm việc bình thường, tăng ngày nghỉ lễ... theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.

Quốc khánh được nghỉ 2 ngày

Về tăng thêm ngày nghỉ lễ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua ngày 20/11 quy định ngày Quốc khánh được nghỉ 2 ngày.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc quy định người lao động có thêm 1 ngày nghỉ trong ngày lễ Quốc khánh giúp người lao động có thêm thời gian thu xếp nghỉ ngơi, người ở xa có thời gian về quê, không bị cản trở về thời gian.

“Nếu chọn thêm 1 ngày nghỉ là ngày 28/6 thì chỉ được 1 ngày, người lao động đi về nghỉ ngơi rất khó khăn. Nếu nghỉ vào dịp Quốc khánh, họ có thể được nghỉ hai ngày, hoặc là 1 và mùng 2/9, hoặc ngày 2 và 3/9. Như vậy thời gian nghỉ dài hơn và người lao động đi lại dễ hơn”- ông Lợi nêu rõ.

Cũng theo ông Lợi, quan trọng hơn, ý nghĩa ngày nghỉ Tết Độc lập lớn hơn ngày Gia đình Việt Nam, bởi bản thân ý nghĩa ngày Tết Độc lập đã bao hàm ý nghĩa của ngày Gia đình Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến cho rằng nên chọn thêm ngày nghỉ kề cận với ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Như vậy, sau ngày nghỉ Quốc khánh 2/9 thì có thêm ngày nghỉ nữa để người dân có thời gian chuẩn bị sách vở, mọi điều kiện cho trẻ đến trường. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên cũng có thời gian để xum họp gia đình trước khi tựu trường.

“Tết Độc lập sẽ được nghỉ hai ngày, giao cho Chính phủ quy định nghỉ trước hay sau ngày 2/9. Có thể Chính phủ sẽ công bố như với lịch nghỉ Tết Nguyên Đán. Ví dụ ngày 3/9 là thứ 7, thì Chính phủ sẽ chọn nghỉ từ ngày 1 đến ngày 4/9. Còn nếu không thì sẽ chọn nghỉ ngày 2 và 3/9 để tránh chuyện nghỉ dài”- ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Về làm thêm giờ, Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) quy định sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời...

Về thời giờ làm việc bình thường, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Dự thảo cũng nêu rõ: Nhà nước khuyến khích chủ lao động và người sử dụng lao động thương lượng để giảm giờ làm việc từ 44 xuống 40 giờ. “Điều kiện này hoàn toàn có thể, nếu công đoàn mạnh. Vì đây là cơ chế mở, không thể ép doanh nghiệp phải thế này thế kia, trong khi người lao động cũng có mong muốn, họ có quyền của họ”- ông Lợi cho biết./.

T.H/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận