Báo động: 87% người nghiện ma túy dưới 35 tuổi

  • 14/11/2019 09:50:00
  • Thiên Bình
  • Xã hội
  • 0

Đặc biệt, 'con nghiện' sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, gây khó khăn cho công tác cai nghiện.

 

Báo cáo của Cục phòng chống tệ nạn, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) cho biết, nửa đầu năm 2019, tình hình người nghiện ma túy diễn biến phức tạp, không chỉ gia tăng về số người nghiện ma túy mà tính chất và mức độ cũng thay đổi.

10 năm trong vòng xoáy nghiện ngập, trộm cắp
Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở LĐTB&XH Hà Nội, hiện có hơn 13.400 người nghiện ma tuý trên địa bàn thành phố có hồ sơ quản lý, tăng 600 người so với cuối năm 2018. Trong đó, 57% (khoảng 7.650 người) sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá”. Song theo các chuyên gia, thực tế số người nghiện ma tuý, sử dụng ma tuý còn cao hơn rất nhiều nhưng do có nhiều khó khăn, bất cập theo quy định của pháp luật nên chưa thể thống kê được toàn bộ.

H.V.L. hối hận sau 10 năm sa chân vào vòng xoáy nghiệp ngập.

H.V.L., ở thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm (Hà Nội) là trường hợp cụ thể, với hơn 10 năm ròng rã vướng vào vòng luẩn quẩn nghiện ngập, trộm cắp, vào trung tâm cai nghiện, tái nghiện và lại trộm cắp.

“Tôi đã mất hơn 10 năm, với hai lần đi cai nghiện ở Trung tâm nhưng đều thất bại khi trở về. Sau mỗi lần cai nghiện thành công, trở về nhà nhưng không công ăn việc làm, bạn bè rủ rê, không cưỡng lại được nên lại sa vào con đường nghiện ngập. Để có tiền hút chích lại đi trộm cắp”, H.V.L. nói.

Đến giờ, khi kinh tế gia đình không còn, người nhà quay lưng, H.V.L. thực sự hối hận. Để khắc phục sai lầm, L. quyết định tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng bằng biện pháp uống thuốc điều trị Methadone. “Điều hối hận lớn nhất đó là trong lúc mình sa vào con đường nghiện ngập, bố mẹ uất ức mà ốm đau. Ngày bố mất, bản thân tôi không lo được gì mà chỉ có 3 ngày về chịu tang bố”, H.V.L. cho biết.

Theo bà Đặng Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm, tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn huyện có 352 người nghiện có hồ sơ quản lý. Số người nghiện tăng lên hàng tháng, nhưng cơ sở vật chất, điều kiện nhân lực của cơ sở cai nghiện hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Vệc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng rất khó khăn bởi nó liên quan đến vấn đề cơ sở vật chất ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn của huyện. Bên cạnh đó, đội ngũ y, bác sĩ vẫn còn thiếu, do vậy, việc cai nghiện và quản lý người nghiện tại địa bàn gặp vô vàn khó khăn”, bà Thủy nói.

Thực trạng sử dụng ma túy tràn lan trong giới trẻ

Đây là vấn đề được các đại biểu nêu ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước trong kỳ họp lần này. Dẫn số liệu từ đầu năm 2019 đến nay, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An cho biết: “Chúng ta đã phát hiện hơn 23.000 vụ ma túy với khoảng 36.300 đối tượng vi phạm về ma túy. 87% người nghiện dưới 35 tuổi, trong đó 70% là sử dụng ma túy tổng hợp. Đáng báo động hơn là ma túy đã xâm nhập vào học đường, giảng đường, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng thế hệ tương lai của đất nước”.

Nhiều người trẻ nghiện ma túy và những cám dỗ nguy cơ tái nghiện luôn rình rập.

Theo các đại biểu Quốc hội, quy trình, trình tự, thủ tục đưa người đi cai nghiện là không phù hợp với thực tế. Đa số các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã xuống cấp, thiếu thốn, không đảm bảo nhu cầu. Hiện nay, vẫn chưa có chính sách thích đáng để phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực này, chưa có chiến lược đầu tư phát triển hệ thống trợ giúp xã hội nhiều tầng cho người sau cai nghiện, người có tiền sử nghiện ma túy; nguồn lực tài chính phân bổ rất hạn chế, chủ yếu là cho hoạt động ở các cơ sở cai nghiện công lập.

Đại biểu Dung kiến nghị Chính phủ khẩn cấp chỉ đạo việc sửa đổi ngay những quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Bộ, ngành, tập trung vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng chống ma túy. Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình cũng cho rằng, liên quan đến vấn đề ma túy, pháp luật đã đủ sức để răn đe, nhưng răn đe triệt để thì chưa đáp ứng yêu cầu.

“Chúng ta cần phải làm gì đó để xử lý các đối tượng nghiện ma túy. Với đối tượng buôn bán, sử dụng ma túy, Luật cũng cần phải điều chỉnh. Điều chỉnh ở điểm phải mở rộng quy định các loại ma túy mới. Hiện nay Luật mới dừng các loại ma túy cũ”, đại biểu Phương nói.

Hiện nay, việc “con nghiện” sử dụng ma tuý tổng hợp dạng đá và nhiều loại nguy hiểm khác như cần sa, “cỏ Mỹ”, “nấm thần”… khiến công tác dự phòng và điều trị gặp nhiều khó khăn./.

Thiên Bình/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận