Đề xuất bắt buộc dán thẻ đầu cuối thu phí không dừng ETC

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xử lý các đề xuất, kiến nghị của UBND TP. Hồ Chí Minh trong việc thu phí không dừng.

 

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng ETC tại các trạm thu phí trên địa bàn TP.HCM.

Nghiên cứu đề xuất bắt buộc dán thẻ đầu cuối thu phí không dừng.

Được biết, ngày 22/10, UBND TP.HCM đã có báo cáo về tiến độ thực hiện và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Chỉ đạo về vấn đề này, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý các đề xuất, kiến nghị của UBND TP.HCM, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, UBND TP.HCM cho biết, thành phố đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định bắt buộc các phương tiện xe ô tô tham gia giao thông phải thực hiện dán thẻ đầu cuối và nộp tiền vào tài khoản trả trước để thanh toán phí đường bộ tự động.

Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC), UBND TP.HCM đề nghị cần đơn giản các thủ tục dán thẻ đầu cuối, mở tài khoản và nộp tiền vào tài khoản trả trước; đồng thời nghiên cứu phương án cho người dùng mở tài khoản trực tuyến thông qua smartphone, tablet, máy tính cá nhân.

Nhân viên Công ty TNHH thu phí tự động VETC hướng dẫn phương tiện đi đúng làn ETC.

Ngoài ra, các đơn vị thu phí nên nghiên cứu bổ sung phương thức thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ trực tiếp thông qua tài khoản ngân hàng của cá nhân, doanh nghiệp, thay vì phải nộp tiền vào tài khoản trả trước.

Ra quân nhắc nhở 01 tháng, sau đó sẽ xử phạt

Ngày 11/11, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện không dán thẻ nhưng đi vào làn thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí BOT tuyến Hà Nội - Bắc Giang.

Theo ghi nhận tại trạm thu phí này, ở hai làn thu phí không dừng, vẫn còn nhiều chủ phương tiện không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng, gây khó khăn cho các phương tiện đã dán thẻ lưu thông.

Nhiều nhân viên của Công ty TNHH thu phí tự động VETC phải trực tiếp phân làn, hướng dẫn phương tiện. Sau thời gian phân làn, số lượng phương tiện đi vào làn thu phí không dừng ít hẳn, trong khi làn bên cạnh nhiều xe nối đuôi chờ qua trạm.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, đến nay mới có 800.000 trong tổng số 3 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Tỷ lệ nạp thẻ sử dụng dịch vụ mới đạt khoảng 30%.

Lực lượng chức năng có mặt tại trạm thu phí Hà Nội - Bắc Giang chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở chủ phương tiện đi đúng làn.

“Sau khi phân làn rõ ràng, chắc chắn số lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ sẽ tăng cao. Với trên 200 điểm dán thẻ của VETC và tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước sẽ đảm bảo việc dán thẻ cho chủ phương tiện”, ông Vinh cho hay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, thu phí tự động không dừng là dự án đặc thù, có độ phức tạp về công nghệ cũng như tính pháp lý, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam trên diện rộng, nhiều đơn vị và cá nhân chưa hiểu đúng về dự án.

“Tổng cục đã tăng cường tuyên truyền nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhiều phương tiện dán thẻ nhưng chưa nạp tiền vào tài khoản để sử dụng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng", ông Thắng cho biết.

Bắt đầu từ ngày 11/11, Tổng cục phối hợp với lực lượng công an và thanh tra giao thông, các nhà đầu tư BOT, triển khai đồng loạt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở trên các tuyến. Đầu tiên tiến hành tại trạm Hà Nội - Bắc Giang, sau đó sẽ triển khai đồng loạt ở các trạm khác.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ có văn bản gửi các đơn vị liên quan và nhà đầu tư BOT về tuyên truyền và xử lý các phương tiện có hành vi vi phạm tại trạm thu phí khi bố trí làn thu phí tự động không dừng.

Tổng cục Đường bộ cho biết, nhằm đảm bảo thuận lợi cho các xe có dán thẻ thu phí tự động không dừng, khi đi qua các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã có làn đường dành riêng thu phí không dừng (ETC), Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo các nhà đầu tư BOT, BOO và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) điều chỉnh tổ chức giao thông tại trạm thu phí như: thực hiện việc sơn kẻ đường, lắp đặt các biển báo hiệu phân làn cho các các loại xe, cử người phân luồng giao thông, tuyên truyền cho các lái xe tại trạm thu phí.

Tổng cục Đường bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn cho người điều khiển phương tiện đi đúng làn đường dành riêng cho các xe có gắn thiết bị thu phí tự động không dừng. Đồng thời xử lý người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông tại trạm thu phí.

Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Cục CSGT (Bộ Công an) chỉ đạo công an tỉnh, thành phố (có đặt trạm thu phí) cử 1 tổ công tác thực hiện việc xử lý vi phạm tại trạm thu phí. Các Cục Quản lý đường bộ khu vực thành lập tổ công tác phối hợp xử lý vi phạm và điều phối, phân luồng giao thông.

"Giai đoạn 10 ngày đầu sẽ chưa thực hiện việc xử phạt vi phạm, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, phân luồng giao thông cho các xe đi đúng làn dành riêng. Giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện việc xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại trạm thu phí", Tổng cục Đường bộ cho biết.

Về thời gian thực hiện, Tổng cục ĐBVN cho biết, bắt đầu từ ngày 11/11, các lực lượng phối hợp có mặt tại trạm thu phí Km152+080, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang để triển khai thực hiện tuyên truyền.

Từ ngày 15/11, các lực lượng sẽ thực hiện đồng loạt tại các trạm thu phí trên QL1 như: trạm thu phí Đông Hà - Quảng Trị, Km763+800, Quảng Trị; trạm thu phí Km1212+550, Bình Định; Sông Lũy Km1661+600, Bình Thuận... Từ ngày 26/11, triển khai tại các trạm thu phí còn lại (đã có làn ETC)./.

Tại Khoản 5 Nghị định 46 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định 3 mức phạt: Mức 1 là tại Điểm a Khoản 1 quy định phạt 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không chấp hành biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường.

Mức 2 là tại Khoản 4 Điều 5 phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng đối với xe đi không đúng làn đường theo quy định. Mức 3 là phạt từ 1,2 - 2 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc của CSGT.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận