Nguy cơ mất dần di sản đô thị
Tại hội thảo “Di sản đô thị TP.HCM và Nam bộ trong quá trình đô thị hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững” vừa tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, TP.HCM hiện vẫn giữ được bốn đặc trưng cơ bản là đô thị trung tâm kinh tế, đô thị sông nước, đô thị theo kiểu phương Tây và đô thị đa dạng về văn hóa. Nhiều di sản đô thị tại thành phố đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được đánh giá cao. Thế nhưng, bên cạnh sự biến đổi khí hậu thì chính quá trình phát triển không ngừng của nền kinh tế đã tác động đến chất lượng, thậm chí xâm hại hàng loạt di sản đô thị, khiến nhiều công trình mất dần bản sắc kiến trúc vốn có.
Tính đến cuối tháng 7/2019, TP.HCM có 172 công trình, địa điểm được Chính phủ công nhận và xếp hạng di tích. Thế nhưng chỉ 23% di tích có thể phát huy thành điểm đến du lịch, còn lại vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.
Trong số 96 di tích kiến trúc nghệ thuật (cấp quốc gia và thành phố) của TP.HCM đến thời điểm hiện tại, có nhiều công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Những công trình này được đánh giá cao về yếu tố lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ. Thế nhưng so với số lượng công trình kiến trúc thời Pháp thuộc thực tế trên địa bàn thành phố hiện nay, số công trình được công nhận di tích quá ít, chỉ chiếm 5 - 6%. Rất nhiều công trình có giá trị cao nhưng chưa thấy hiện diện trong các danh sách công nhận như Bưu điện Thành phố, Chợ Bến Thành, Lãnh sự quán Pháp, trụ sở UBND TP.HCM… Điều này khiến nhiều người gắn bó với công tác bảo tồn di sản lo ngại rằng nếu không được gìn giữ, bảo tồn đúng cách, nhiều di sản sẽ biến tướng hay biến mất trong quá trình đô thị hóa.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho rằng, muốn bảo tồn di sản và phát huy giá trị thì phải biết tường tận về nó. Vấn đề đặt ra là hiện nay TP.HCM chưa có một danh sách và lý lịch đầy đủ về các di sản, di tích văn hóa - lịch sử - kiến trúc trên địa bàn. “Việc thống kê này không đơn thuần là tên gọi mà quan trọng là lý lịch của di tích. Không nên để tình trạng chúng biến mất không còn dấu vết”, ông Hòa nêu quan điểm.
Không chỉ bị phá bỏ, tu bổ sai phạm, thiếu dữ liệu lịch sử và khai thác chưa hiệu quả, không ít di sản đô thị tại TP.HCM bị xâm chiếm trái phép, thiếu sự bảo tồn nên xuống cấp, hư hại. Theo Ths. Nguyễn Mậu Hùng (Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế), đến nay, TP.HCM đã có hơn 20 công trình di sản bị biến mất. Trường hợp bị người dân xâm lấn diện tích, can thiệp cấu trúc như tại chùa Giác Lâm, chùa Phụng Sơn (quận 11) hay lò gốm Hưng Lợi (quận 8) chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đi tìm giải pháp
Đứng ở góc độ của nhà nghiên cứu di sản đô thị, Ths. Nguyễn Mậu Hùng cho rằng, việc bảo tồn các công trình cần đứng trên cơ sở các lợi ích lâu dài và bền vững của cộng đồng. Chỉ khi nào công tác bảo tồn di sản diễn ra một cách bài bản và tương đồng với các mục tiêu phát triển lâu dài của các đô thị thì mới có thể phát huy hết tác dụng của nó.
Đồng quan điểm, Ths. Dương Trường Phúc (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) khẳng định, bảo tồn không có nghĩa là giữ nguyên các công trình và ngưng các hoạt động của khu vực dân cư để biến thành bảo tàng, mà ngược lại có thể là một động thái đa mục tiêu như nỗ lực tôn tạo, tái sử dụng và phát triển.
Trong khi đó, TS. khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM cho rằng, di sản đô thị cần được coi là một tài sản để có thể tham gia vào các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Bảo tồn di sản trước hết là bảo tồn các khu vực và công trình lịch sử, di tích và di vật khảo cổ, cảnh quan thiên nhiên. “Để các di sản được bảo tồn tốt thì giá trị của chúng cần được công nhận trên phạm vi rộng hơn: giá trị văn hóa sẽ làm nên và là tiền đề của giá trị kinh tế. Điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết của nhà quản lý trong hoạch định bảo tồn và định hướng cho cộng đồng. Khi đã có nhận thức đúng thì sẽ tìm ra phương án tốt nhất để ứng xử với từng trường hợp cụ thể”, TS. Nguyễn Thị Hậu phân tích.
Trong danh sách 10 điểm phải đến khi tới TP.HCM theo bình chọn của các trang truyền thông du lịch quốc tế, tất cả đều là những công trình kiến trúc mang tính di sản vốn đã trở nên quen thuộc với người dân cả nước. Điều này cho thấy tầm quan trọng và sức lan tỏa của các công trình di sản đô thị trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, việc bảo tồn và nâng tầm danh sách các di sản này tại những đô thị lớn như TP.HCM là điều cấp thiết./.
Việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị cần được sự đồng thuận giữa chính quyền và cộng đồng, trên cơ sở đặt lợi ích cộng đồng lên trước, bao gồm cả lợi ích vật chất và tinh thần. |