Xây dựng sai phép: Phải xử lý nghiêm cán bộ làm sai

Vấn đề nhà ở tại TP.HCM rất bức thiết, nếu biện pháp thiếu kiên quyết thì rất khó để xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng sai phép, trái phép.

 

Dù đã có những chỉ đạo quyết liệt thế nhưng tình hình xây dựng sai phép, không phép, tự ý phân lô bán nền các dự án “ma” vẫn diễn ra phổ biến.

Thời gian qua, mặc dù TP. Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo quyết liệt thế nhưng tình hình xây dựng sai phép, không phép, tự ý phân lô bán nền các dự án “ma” vẫn diễn ra. Nguyên nhân ngoài vấn đề tăng dân số, tốc độ đô thị hóa nhanh thì theo ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND quận 9, nguyên nhân chính vẫn là do những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, khiến thời gian xử lý hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp còn quá chậm. Ông Trần Văn Bảy cho hay: “Phân tích nguyên nhân xây dựng không phép thì có nguyên nhân là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang gặp rất nhiều vướng mắc từ những thuật ngữ pháp lý, từ những quy định. Có khi từ quy định pháp luật, có khi từ nhận thức của cán bộ xây dựng chúng ta. Và quận cũng có nhiều văn bản xin ý kiến, rồi có những buổi họp chuyên đề với các sở, ngành cũng không tháo gỡ được. Mà người dân không chuyển đổi mục đích đất sử dụng được thì đó là nguyên nhân dẫn đến xây dựng không phép”.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, tính riêng trên địa bàn huyện nhu cầu nhà ở của người dân đang tăng cao. Hiện diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 60% nhưng thu nhập từ nông nghiệp chỉ chiếm 8%, còn lại là công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, số đất nông nghiệp này để chuyển sang đất ở thì rất khó khăn. Trong khi đó, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp của huyện đến năm 2020 chỉ đủ đáp ứng 1/3 dân cư trên địa bàn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xây dựng sai phép, không phép.

“Qua điều tra sân số vừa rồi là Củ Chi tăng dân số 30.000 dân. Sau khi làm việc rất nhiều lần với Sở Tài nguyên và Môi trường, Củ Chi được phân là 336ha cao nhất thành phố. Nhưng mà lấy 336ha chia cho 300m2/hộ dân thì chỉ chiếm được 12.000 hộ. Còn lại 28.000 hộ đi đâu, trong khi nhu cầu nhà ở là có thật. Và nội dung này cũng kết thúc kế hoạch sử dụng đất của Củ chi từ 2016-2020. Như vậy 2020, Củ Chi không còn đất để sử dụng nữa. Như vậy với bài toán quản lý xây dựng, xây dựng trên đất nông nghiệp thì phải nói rất khó”.

Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến những sai phạm hiện nay không chỉ có người dân và doanh nghiệp mà có cả một số cá nhân, cán bộ lãnh đạo nhà nước – được xem là người thực thi nhiệm vụ nhưng lại gây ra sai phạm. Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận: “Qua Ủy ban kiểm tra của Ủy ban Thành ủy, có báo cáo một số vi phạm, một số cá nhân ở Bình Chánh và Thủ Đức thì sau đó thường trực Thành ủy thấy rằng, đề xuất xử lý của Ủy ban kiểm tra chưa nghiêm. Là chỉ xử lý đối với những trường hợp bên dưới thôi, còn trách nhiệm của UBND huyện như thế nào, trách nhiệm của ủy ban thường vụ như thế nào? Thành ủy đã có chỉ đạo và chúng ta cũng đã họp triển khai chỉ thị đó nhưng mà tình hình dưới đó vẫn cứ diễn ra. Quan điểm của tôi là không nhân nhượng, phải xử lý một cách nghiêm khắc”.

Để giải quyết việc xây dựng sai phép, không phép, Thành phố đã thông qua kế hoạch liên tịch phối hợp 24 quận huyện, nhằm tăng cường hơn công tác xử lý. Nhất là thành lập đội thanh tra kiểm tra, đánh giá trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết: “Từ sau khi triển khai chỉ thị 23 và kế hoạch 463 của UBND thành phố thấy tình hình có thuyên giảm, tuy rằng vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn. Sở Xây dựng đang lên kế hoạch sẽ ký kế hoạch liên tịch với 24 quận huyện để phối hợp, trước khi chúng ta có ý kiến của Thủ tướng để chuyển đội thanh tra địa bàn thành đội trật tự đô thị tại 24 quận huyện”.

Xử lý, cưỡng chế mạnh tay đối với những công trình sai phép, không phép, là cần thiết; song cũng cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm trong công vụ, nhằm lập lại trật tự trong phát triển đô thị.

Chỉ nêu cao kỷ cương kỷ luật trong đội ngũ cán bộ công chức mới mong dẹp được nạn thỏa hiệp, tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng.

Từ những sai phạm xây dựng sai phép của một số cá nhân, cán bộ nhà nước tại huyện Bình Chánh và quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa qua cho thấy, “thượng bất chính, hạ tất loạn”, cán bộ không gương mẫu thì người dân khó tuân thủ pháp luật.

Vấn nạn xây nhà trái phép, không phép ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua ở TP. Hồ Chí Minh chủ yếu do sự buông lỏng của chính quyền một số quận, huyện và cơ sở trong thời gian dài. Trong đó điển hình là vụ ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức và người nhà xây dựng trái phép gần chục công trình nhưng không bị phát hiện và xử lý triệt để, thậm chí có biểu hiện trù dập cán bộ khi phanh phui.

Chỉ khi báo chí vào cuộc, lên tiếng, đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân xuống tận nơi chỉ đạo, công trình mới được tháo dỡ, ông Thành mới bị xem xét kỷ luật.

Cũng liên quan đến lĩnh vực này, Ban Nội chính Thành ủy cho biết, trong những năm gần đây đã có 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo đến cách chức hoặc buộc thôi việc. Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố cũng đã mở hẳn một hội nghị bàn sâu về giải pháp xử lý tình trạng xây nhà trái phép, không phép; đồng thời ra các văn bản, chỉ thị yêu cầu lãnh đạo các cấp ủy, UBND các quận, huyện làm cam kết không để tình trạng này tái diễn.

Tuy nhiên, từ thực tiễn quan sát cho thấy, hiện nay, đến bất cứ quận, huyện nào của TP. Hồ Chí Minh cũng thấy tình trạng này tiếp tục diễn ra, khi thì âm thầm lúc lại rầm rộ. Chỉ tính 3 năm trở lại đây, thành phố có hơn 4.500 công trình xây dựng sai phép và không có giấy phép.

Hậu quả của vi phạm này để lại khá nặng nề khi quy hoạch đô thị bị băm nát; các khu nhà lộn xộn,tạm bợ, ọp ẹp mọc nên như nấm; điều kiện cơ sở hạ tầng như đường đi lối lại; điện nước sinh hoạt thiếu trầm trọng; đẩy cuộc sống của hàng ngàn hộ dân vào thế bấp bênh, tiềm ẩn các nguy cơ về cháy nổ rất cao; trật tự an ninh khó quản lý.

Rõ ràng TP. Hồ Chí Minh dù nêu quyết tâm đến đâu nhưng nếu không thi hành một cách thực chất, quyết liệt, làm đâu ra đó sẽ rất dễ rơi vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”; làm theo kiểu “phong trào”.

Có một câu hỏi là vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật nhưng tình trạng bỏ qua, ngó lơ cho công trình xây dựng trái phép ở một số nơi vẫn tồn tại? Câu trả lời là một số cán bộ có chức năng quản lý ở nhiều địa phương đã tự cho mình cái quyền này, xem đây là mảnh đất màu mỡ để nhũng nhiễu tiêu cực; trong khi hộ dân vì nhu cầu bức bách về chỗ ở, vì tấc đất tấc vàng nên nhắm mắt làm liều, sẵn sàng chung chi để công trình trót lọt.

Do vậy, để đẩy lùi nạn xây dựng không phép, trái phép, chính quyền các cấp của thành phố cần có các cơ chế điều chỉnh, ràng buộc để cán bộ công chức không dám vi phạm; khi vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng không e dè, vị nể. Chỉ nêu cao kỷ cương kỷ luật trong đội ngũ cán bộ công chức mới mong dẹp được nạn thỏa hiệp, tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đôn đốc chính quyền các quận, huyện và ngành chức năng thường xuyên rà soát công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho người dân nắm; kiên quyết thu hồi và xóa các dự án “treo” quá hạn định; đẩy nhanh việc cho chuyển đổi mục đích đất ở những này để người dân có thể làm nhà cửa một cách hợp pháp. Tạo ra quỹ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đa dạng để người dân lựa chọn.

TP Hồ Chí Minh thời gian tới vẫn tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước, áp lực về dân số sẽ tiếp tục tăng do thu hút mạnh nguồn nhân lực từ khắp nơi đổ về; nhu cầu về nhà ở của người dân sẽ càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó TP rất cần thực hiện đồng bộ các chính sách mới mong dẹp căn cơ nạn xây dựng trái phép, không phép trong thời gian tới./.

Theo vovgiaothong.vn

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận