Từ thực tiễn đô thị Hà Nội hiện nay, chủ trương và lộ trình này đang gây những hoài nghi trong dư luận.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có trên 6,6 triệu phương tiện giao thông đường bộ; trong đó có khoảng 0,6 triệu ô tô các loại và 5,9 triệu xe máy. Phương tiện giao thông trong giai đoạn 2011-2018 bình quân tăng 11%/năm đối với ô tô, xe máy là 6,75%/năm. Phương tiện tăng nhanh, nhưng hạ tầng giao thông lại không được quan tâm đúng mức.
Thực tế này dẫn tới quá tải hệ thống đường bộ, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp. Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố như Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ, Giải Phóng… thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí “tê liệt” vào giờ cao điểm.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết việc phân vùng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 là việc phải làm: "Cái mấu chốt cơ bản là phải có hạ tầng, phải phát triển được giao thông công cộng để phục vụ nhân dân.."
Vấn đề đặt ra là người dân Thủ đô sẽ đi lại bằng phương tiện gì khi xe máy bị cấm? Bởi thực tế hiện nay các phương tiện vận tải công cộng tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Theo thống kê, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Vận tải hành khách đô thị vẫn chủ yếu phụ thuộc vào giao thông cá nhân, trong đó chủ yếu là xe máy (gần 80% chuyến đi).
Phương tiện vận tải hành khách công cộng được coi là “chủ lực” - xe buýt thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tình trạng chậm chuyến, bỏ chuyến, phóng nhanh vượt ẩu đang là nỗi lo lắng khi sử dụng loại hình phương tiện này.
Đặc biệt, loại hình buýt nhanh – BRT, với một làn đường riêng, trị giá hơn 1000 tỷ đồng cũng èo uột sau một hai năm đưa vào vận hành thử nghiệm. Trong khi đó, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội triển khai nhiều năm qua (nhất là tuyến Cát Linh-Hà Đông) đang để lại nỗi thất vọng lớn trong nhân dân với tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, lo ngại về an toàn và mịt mù ngày về đích…
Ông Lê Văn Tam, trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng nói: "Tôi cho rằng, chủ trương cấm xe máy không phù hợp. Vì Hà Nội ngõ nhỏ, phố nhỏ, trong khi hạ tầng phương tiện công cộng chưa đáp ứng"
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đang giải quyết giao thông đô thị từ “ngọn”, “chạy theo” những bất cập. Bởi, yếu kém, tình trạng ùn tắc, quá tải hạ tầng giao thông ở Thủ đô hiện nay xuất phát từ việc quy hoạch đô thị thiếu tính toán, khoa học, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm.
Một trong những vấn đề chính là quỹ đất dành cho giao thông quá ít. Hiện quỹ đất dành cho giao thông ở Hà Nội chỉ khoảng 10% diện tích đất xây dựng đô thị, chưa được một nửa mức thiểu (20 - 26%) để hệ thống giao thông có thể vận hành bình thường. Cùng với đó là thực trạng “thả phanh” quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch thường xuyên làm cho giao thông Thủ đô càng thêm hỗn loạn. Nhiều tuyến đường như đường Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến… đang bị “bóp nghẹt” từ các tòa cao ốc.
Chuyên gia giao thông Lê Đỗ Mười nói: "Bùng nổ phương tiện trong thời gian vừa qua rất lớn. Quỹ đất dành cho giao thông, nguồn lực dành cho giao thông cũng rất hạn chế…"
Rõ ràng, chủ trương hạn chế, hướng tới cấm xe máy khu vực nội đô là một bài toán khó của Hà Nội. Và có lẽ, chừng nào vấn đề quy hoạch chưa được những người có trách nhiệm của Thủ đô nhìn nhận một cách xác đáng, có trách nhiệm; tình trạng “thả phanh” cho chung cư, nhà cao tầng còn tiếp diễn thì chừng đó, việc cấm xe máy vẫn chỉ là phương án mà thôi./.
Theo vovgiaothong.vn