Nên bỏ hình thức thi trắc nghiệm môn Toán?

Việc áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT cần xem xét lại.

 

      Thay tư duy bằng “mẹo mực”

       Nhân việc mới đây đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) nêu lại vấn đề thi trắc nghiệm tại nghị trường (Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV), GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đã công bố trên trang cá nhân của mình toàn văn bức thư ông đã gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hồi tháng 7/2018, để góp ý về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn toán và nhiều môn khác trong Kỳ thi THPT Quốc gia.

        Trong bức thư, GS Phùng Hồ Hải viết:  “...Hai kỳ thi đã trôi qua, đồng nghĩa với gần 2 triệu thí sinh đã phải học, phải ôn thi đáp ứng yêu cầu ''trắc nghiệm". Hai năm qua, 2 triệu em học sinh đó, cùng các thầy các cô phải tìm đủ cách học thuộc lòng khái niệm, tập luyện các mẹo mực nhằm loại trừ các phương án để chọn phương án hợp lý nhất, luyện tập sử dụng máy tính cầm tay để giải phương trình, để tính tích phân mà không cần biết những nguyên lý cơ bản của toán học, không hề được dạy về phương pháp tư duy toán học. Toán học phổ thông đối với đại đa số các em là một sự hành xác, cốt để đạt được điểm cao tại kỳ thi... Tôi đau xót với sự lãng phí thời gian, tuổi trẻ của con em chúng ta, như anh thấy đấy, mỗi năm gần 1 triệu cháu”.

Trước đó ngay từ năm 2016, Hội Toán học Việt Nam đã phản đối việc năm 2017 và một số năm tiếp theo thi THPT Quốc gia bằng hình thức trắc nghiệm môn toán.  GS Phùng Hồ Hải cho rằng, mục tiêu thực sự của dạy học môn toán ở bậc THPT không chỉ là truyền đạt các kỹ năng mà quan trọng nhất là tạo được cho người học phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề không chỉ dành cho toán học mà cho cả quá trình học tập các môn khác. Việc đánh giá môn toán thông qua trắc nghiệm phá hỏng hết mục tiêu đó.

 “Nếu Bộ GD-ĐT tổ chức thi THPT Quốc gia môn toán theo hình thức trắc nghiệm thì tất cả các kỳ đánh giá khác cũng sẽ trắc nghiệm theo. Kiểm tra một tiết, thi học kỳ… cũng sẽ trắc nghiệm theo, bởi ai còn làm tự luận nữa làm gì! Điều này ảnh hưởng sâu sắc tới việc dạy và học môn toán ở phổ thông”, ông Hải kết luận.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh nêu: “Hình thức thi trắc nghiệm là một trong những nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt với kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại một số tỉnh. Ngoài ra còn tạo nên cách dạy và học, tư duy đối với môn này bị thay đổi. Thầy cô chỉ cần cho học sinh biết cách làm bài trắc nghiệm sao cho đạt kết quả bằng các mẹo làm bài. Còn học sinh chỉ cần khoanh tối đa các phương án đúng, còn lại là khoanh xác suất...”.

Nhiều chuyên gia giáo dục phản đối hình thức thi trắc nghiệm môn toán.

Ảnh hưởng lớn tới việc dạy và học môn toán ở phổ thông          

3 năm áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán và một số môn thi khác đã bộc lộ nhiều bất cập. Em Phan Văn Anh, học sinh lớp 11 ở Đồng Nai, chia sẻ: “Em rất thích môn Toán nhưng giờ cũng mất dần hứng thú. Trên lớp, các cột điểm Toán gần như là trắc nghiệm, chỉ còn vài bài tự luận. Thực sự trắc nghiệm có thể lụi hoặc làm các bước rất vắn tắt đều cho ra kết quả, như thế là không hề tốt, học sinh không thể thấu hiểu hoàn toàn lời giải của mình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khi đi làm, người được đào tạo cũng giải quyết công việc như vậy? Em mong Bộ GD-ĐT xem xét lại...”.

          Thầy Phạm Trung Hiếu, nguyên giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) và hiện vẫn tiếp tục luyện thi cho học sinh THPT, cho biết: “Sau 3 năm áp dụng, thi trắc nghiệm môn Toán 100% ở Kỳ thi THPT Quốc gia đã làm thay đổi rất nhiều kể cả từ tư duy của thầy và tư duy của trò. Là người trực tiếp giảng dạy môn Toán ở  cấp THPT hàng chục năm nay, tôi thấy việc thi trắc nghiệm làm cho tư duy của học sinh bị giảm rất nhiều, mà tư duy logic trong môn Toán rất quan trọng. Khi làm bài trắc nghiệm, hầu như học sinh chỉ dùng máy tính hoặc tự đoán biết bằng tư duy ngắn gọn. Ví dụ về hình không gian, muốn giải thì phải vẽ được hình và trong hình vẽ đó học sinh tư duy thế nào để gắn kết những giả thiết, đến kết luận... bằng cả quá trình lo gic. HS tư duy tốt thì sau này vào những ngành nghề có hình không gian như kiến trúc, xây dựng... thường rất  giỏi. Còn từ khi thi trắc nghiệm, học sinh vẽ hình rất xấu, tư duy từ hình học là hoàn toàn đoán nhận. Điều đó làm cho tư duy của học sinh bị thui chột. 

        Theo thầy Hiếu, do môn toán thi theo hình thức trắc nghiệm nên ở trên lớp các thầy cô cũng dạy và kiểm tra theo hình thức như vậy, vì nếu cứ làm tự luận thì không kịp thời gian. Ở các nước tiên tiến họ cũng thi trắc nghiệm nhưng khi áp dụng về nước mình phải xem xét kỹ xem đã đủ cơ sở, đủ năng lực tư duy để làm hay chưa? Theo tôi, với môn Toán câu trắc nghiệm chỉ chiếm 50%.../.

  BOX: “Tôi ủng hộ GS Phùng Hồ Hải và mong Phó thủ tướng, lãnh đạo ngành giáo dục xem xét. Với tâm huyết của một giáo viên lâu năm, tôi đề nghị các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo có trách nhiệm, có tâm huyết cần phải  lên tiếng đề nghị xem xét lại cách thi để phát huy được trí lực tư duy của học sinh. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT cho rằng, thi trắc nghiệm có giảm được tiêu cực nhưng thực tế cho thấy tiêu cực ở thi trắc nghiệm còn kinh khủng hơn so với thi tự luận...”, Thầy Phạm Trung Hiếu kiến nghị.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận