Trẻ cô đơn trong quá trình trưởng thành
Cách đây vài hôm, vụ tự tử của hai chị em song sinh đang theo học ở trường Quốc tế Australia (AIS) tại TPHCM đã khiến nhiều người bàng hoàng đau đớn, hoang mang nhất là các bậc phụ huynh và các em học sinh. Trước đó không lâu, chiều ngày 12/9, Trường THPT Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) xác nhận em Nguyễn D. K, học sinh lớp 12A1 không đến lớp học tập. K đã thắt cổ tự tử tại nhà riêng thôn Thâm Mò, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc. Nguyên nhân là, do là năm học cuối cấp nên mẹ K thường xuyên nhắc nhở con tập trung vào việc học tập, không nên giao du, chơi bời với các bạn khác giới. Khi bị mẹ la mắng nhiều, K dại dột thắt cổ tự vẫn. Hay trong thư tuyệt mệnh, một nữ sinh ở trường PTTH Đồng Xoài (Bình Phước) đã “gào thét” trong sự tuyệt vọng: “Tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi bố mẹ. Không, không, con không thể chịu nổi nữa rồi... Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt... Hết rồi, tất cả kết thúc rồi”…
Tình trạng học sinh tự tử vì áp lực quá lớn về thành tích học tập, về những kỳ vọng của cha mẹ, bạo lực học đường, mạng xã hội... đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, cho thấy sự buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm đến các em của các bậc cha mẹ, cũng như nhà trường. Em N.V, học sinh trường THPT Trung Văn (Hà Nội) chia sẻ: “Không chỉ chịu áp lực về học hành, trong các mối quan hệ ở trường lớp mà chúng con còn thường xuyên phải đối mặt với nạn bạo hành học đường... Chúng con mong người lớn hãy hiểu và chia sẻ, giúp đỡ để chúng con không còn cảm thấy mình đơn độc...”.
Theo các chuyên gia tâm lý, ở độ tuổi này, các em sống hướng nội nhiều hơn, ít chia sẻ với người khác, chưa có đủ kỹ năng để chống chọi, đối phó, vượt qua những áp lực trong học tập, trong các mối quan hệ… Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy phân tích, việc các em thường tìm đến cái chết sau khi gặp một khó khăn nhỏ, thất vọng nhỏ trong cuộc sống cho thấy nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi đẹp nhất lại đang quá cô đơn trên hành trình trưởng thành của mình.
50% trẻ 14-15 tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần
Một nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm học đường đang có chiều hướng gia tăng ở học sinh cấp THCS, THPT đặc biệt là lớp cuối cấp, đó là chương trình học trên lớp nặng kiến thức, bài tập nhiều, hết học chính lại học thêm từ sáng đến đêm; việc thay đổi thi cử liên tục khiến trẻ càng bị căng thẳng, thậm chí hoảng loạn. Áp lực kéo dài dẫn đến nguy cơ trầm cảm.
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: Nghiên cứu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Lạng Sơn, tỉ lệ trẻ rối loạn lo âu vì các lý do trên đây ở mức cao (gần 20%). Đặc biệt ở Hà Nội, nghiên cứu lý do lo âu ở học đường đối với học sinh lớp 1, có gần 27% trẻ em độ tuổi này bị rối loạn vì kiểm tra bài cũ, bài kiểm tra trên bảng, làm bài tập về nhà… Như vậy, lo âu học đường là phổ biến nhưng chúng ta lại chưa quan tâm đúng mức về vấn đề này. “Giáo dục của Việt Nam quá tập trung vào kiến thức, điểm số, làm quên đi những giá trị, triết lý về cuộc sống trong mỗi bài học”- TS Nguyễn Đông Hải, giảng viên trường Đại học Creighton (Mỹ) nhận định.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Việt, nguyên Trưởng Bộ môn Tâm thần, ĐH Y Hà Nội, trong gần 300 bệnh lý về sức khỏe tâm thần, trầm cảm là bệnh lý phổ biến nhất. Hằng năm ở Việt Nam, có tới hơn 3 triệu trẻ em cần trị liệu tâm lý vì đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ thanh thiếu niên bị trầm cảm ngày càng nhiều hơn. Theo đó, bức xúc tìm đến cái chết là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ hai chỉ đứng sau tai nạn giao thôn.
PGS.TS Đặng Hoàng Minh, giảng viên Trường ĐH Giáo dục cho biết, theo nghiên cứu, khoảng 50% trẻ ở độ tuổi từ 14-15 đang có vấn đề về tâm thần, cũng như khoảng 50% học sinh bỏ học đều liên quan đến vấn đề đó. Vậy nhưng, vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được chú trọng, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường. Đáng chú ý, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng tăng cao nhưng nhiều người chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp.
Theo PGS. PGS.TS Hoàng Minh: “Ngành giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý học đường. Bởi ở lứa tuổi này các em thường gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, áp lực học tập, sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy rất cần có người chia sẻ, hướng dẫn và động viên để các em tìm ra hướng đi, phương pháp học tập tốt nhất”.
Theo kết quả nghiên cứu của BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) đối với trên 1.200 học sinh ở Hà Nội (bậc tiểu học và THCS), có gần 19,4% học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần chung, trong số các ca tự sát có 10% ở lứa tuổi từ 10 đến 17, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực học hành. |
Giúp trẻ ứng phó với ý nghĩ tự tử
Theo chuyên gia tâm lý Ngọc Duy, quan trọng nhất là cần giải tỏa được “hòn đá tảng” mang tên áp lực thành tích đang đè nặng khiến trẻ em quên cả niềm vui được chơi và những giá trị khác trong cuộc sống... Dẫu việc chạy theo điểm số sẽ có thể tạo ra những “con robot” có bảng điểm đẹp nhưng các em lại dễ sa sút khi vấp phải thất bại trong cuộc sống. Thế nhưng, bố mẹ quên việc làm điểm tựa tâm lý cho con, còn nhà trường quên sự sẻ chia, xoa dịu áp lực cho học trò. Vì thế, bên cạnh những nỗ lực thay đổi tư tưởng từ gia đình, nhà trường và từ chính học sinh, hơn lúc nào hết rất cần sân chơi để giải tỏa tâm lý cho những người trẻ.
PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐHKH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) cũng chia sẻ, dù tỉ lệ trẻ tự tử cao, nguyên nhân đa dạng nhưng vẫn có thể đề phòng nếu theo dõi, quan sát. Tốt nhất, có thể dựa vào trường học với đội công tác gồm các giáo viên, nhà tâm lý phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng. Cần giúp các em hiểu rõ những khó khăn và chấp nhận các biện pháp điều trị. Giúp các em giảm nỗi đau buồn về tâm lý bằng cách thay đổi môi trường stress, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân, bạn học.
Ngoài ra, cần có các chương trình nâng cao kiến thức cho học sinh ứng phó với ý nghĩ tự tử. Đứng trước một ý nghĩ hay một mưu toan tự tử của trẻ, chúng ta không thể coi thường mà ngược lại phải quan tâm và sẵn sàng để giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, tin tưởng hơn nữa vào cuộc sống…
“Chúng mới chỉ quan tâm đến “bệnh” và chưa thực sự quan tâm đến “tâm bệnh”. Việc chẩn đoán “tâm bệnh” cũng cực kỳ khó, không như các bệnh khác khi có tổn thương sẽ có biểu hiện của các triệu chứng. Sức khỏe tâm thần nói chung bị “lãng quên” và sức khỏe tâm thần trẻ em bị “lãng quên” nhiều hơn. Trong ngành y tế, những chuyên gia về sức khỏe tâm thần trẻ em rất ít, số đếm chỉ “dưới một bàn tay”…”, PGS.TS Phạm Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm Khoa Y dược (ĐHQG Hà Nội).
“Hiện nhiều bố mẹ vẫn chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn và mong muốn con đạt giải này, giải kia... Họ không hiểu rằng đang góp phần vào thất bại trong tương lai của con khi cha mẹ chưa kịp cập nhật xu thế nghề nghiệp toàn cầu. Thế giới đã rất khác so với thế hệ của chúng ta, nhưng những người lớn lạc hậu vẫn tiếp tục bắt con mình, học sinh mình đi con đường mà mình đã từng đi và thế là chúng ta đã góp phần vào bi kịch của trẻ: Trở thành những người lạc hậu ngay khi còn đang ngồi ở ghế nhà trường…”, chuyên gia tâm lý giáo dục Tô Thị Diễm Quyên.
“Sai lầm lớn nhất của con là đã đậu trường chuyên. Các bạn khác học quá giỏi, học ở đây ngày nào con cũng thấy mình kém cỏi, chậm chạp, thua cuộc. Con không chơi được với ai, trường toàn người “khổng lồ”. Lúc nào con cũng thấy kiệt sức, muốn gục ngã! Thấy con lo lắng, học thua bạn bè, mẹ lại đăng ký cho con đi học thêm ở các trung tâm. Mà con có cố gắng bao nhiêu cũng chả đuổi kịp và con thấy mình thua cuộc. Con mong muốn thầy cô, cha mẹ hãy hiểu cho chúng con, để tuổi thơ của con không chỉ chạy theo những “điểm số đẹp” vô hồn...”, em Nguyễn Thu Hà, học sinh một trường chuyên THPT ở Hà Nội.
|