Sụt lún ở tuyến tránh và những bất ổn trên đường HCM qua Tây Nguyên

'Tôi đi nhiều con đường rồi, hư hỏng đến mức nào cũng thấy rồi, nhưng đến mức này thì lần đầu, cứ như động đất vậy!'.

 

'Tôi đi nhiều con đường rồi, hư hỏng đến mức nào cũng thấy rồi, nhưng đến mức này thì lần đầu, cứ như động đất vậy!' - ông Siu Luk, làng Rõh, xã Ia Blang, huyện Chư Sê có nương rẫy ở khu vực tuyến tránh đi qua ngán ngẩm nói.

Sau khi Dự án nâng cấp, mở rộng QL 14- Đường HCM nối Tây Nguyên với Bình Phước, được người dân trong khu vực đánh giá cao vì hoàn thành sớm 1 năm, tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng, thì những tiểu dự án, thi công các hạng mục phụ trợ trên tuyến, lại gây nhiều thất vọng khi cầu chục tỷ làm xong đã lâu vẫn không phát huy tác dụng; đường trăm tỷ vừa xong đã sụt lún như gặp động đất, chưa biết bao giờ khắc phục xong.

Trong khi đó, những cái gọi là “phê bình nghiêm khắc”, “chỉ đạo quyết liệt” của cơ quan chủ quản - Bộ GTVT không phát huy hiệu quả thực chất.

Hiện trường hư hỏng tuyến tránh đường HCM qua Chư Sê như bị động đất.

“Động đất” ở tuyến tránh

Ngay sau khi trục chính của đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nối các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Bình Phước hoàn thành thông tuyến, đưa vào sử dụng (7/2015), các dự án phụ trên tuyến được xúc tiến thực hiện.

Những dự án phụ chủ yếu là các tuyến tránh qua các đô thị và cầu bắc qua sông suối. Tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai là một trong số những dự án phụ được phê duyệt triển khai. Công trình được giao cho Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư với nguồn vốn 250 tỷ đồng.

Sau 3 năm trì trệ, đến giữa tháng 5/2018 công trình mới được khởi công. Hơn 1 năm sau, đến tháng 6/2019, phần thi công xây lắp hoàn thành, nhưng đáng tiếc, khi tuyến đường sắp được nghiệm thu, bàn giao để lưu thông thì đầu tháng 9/2019 đã xảy ra hiện tượng sụt lún, nứt gãy nghiêm trọng.

Những người chứng kiến đã không khỏi ngỡ ngàng với những hình ảnh không khác gì hiện trường một vụ động đất. Ông Siu Luk, làng Rõh, xã Ia Blang, huyện Chư Sê có nương rẫy ở khu vực tuyến tránh đi qua ngán ngẩm: “Không thể tưởng tượng được nó lại hỏng thế này. Tôi đi nhiều con đường rồi, hư hỏng đến mức nào cũng thấy rồi, nhưng đến mức này thì lần đầu, cứ như động đất vậy!”.

Những vết sụt lún, nứt gãy rất nghiêm trọng tại tuyến tránh đường HCM qua Chư Sê.

Trực tiếp đi giám sát công trình bị hư hỏng vào tháng 9/2019, Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Gia Lai phải thốt lên “Quá khủng khiếp!”.

Ngay sau sự cố tuyến tránh Chư Sê, Bộ GTVT cùng với tỉnh Gia Lai vào cuộc điều tra và mới mới đây đã tiến hành công bố nguyên nhân. Đồng thời, cũng đã chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Ban quản lý dự án 6 cùng các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Ở đây, sự tắc trách, lỗi chủ quan của các đơn vị này là một trong nguyên nhân chính dẫn đến tuyến đường được đầu tư 250 tỷ đồng xảy ra sụt lún, nứt gãy như “động đất”.

Hiện nay, tình trạng hư hỏng ở tuyến tránh này ngày càng nghiêm trọng hơn. Một số dấu hiệu bất thường trên tuyến tránh Chư Sê đang tiếp tục được phát hiện, nhiều khả năng sẽ có thêm những điểm bị hư hỏng mới.

Dấu vết một vụ tai nạn tại Cầu 110.

Mỏi mòn cầu chờ đường

Cũng là dự án phụ trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Dự án Cầu 110 nối hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk được triển khai với nguồn vốn hơn 23 tỷ đồng, do Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.

Công trình được khởi công tháng 6/2017 và khoảng 1 năm sau đã hoàn thành hạng mục chính là cây cầu bắc qua suối Ea H’Leo. Nhưng cũng rất đáng tiếc, cầu xây xong mà không sử dụng được vì thiếu đường dẫn vào cầu.

Trong khi cầu chờ đường thì đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đoạn qua Cầu 110 hiện nay vừa quanh co, vừa như nút thắt cổ chai, cầu cũ lại nhỏ hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đối với người và phương tiện qua lại. Một số vụ tai nạn cũng đã xảy ra tại vị trí này.

Giải thích về việc chậm trễ khiến Cầu 110 rất “chướng tai gai mắt”, “làm ra chỉ để ngắm”, ông Võ Duy Hưng, Phó phòng điều hành Dự án 2, Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh cho biết, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân của 2 tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai rất khác nhau. Từ đó dẫn đến trong khi phía Gia Lai đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng thì bên Đăk Lăk, người dân khiếu kiện kéo dài. Phần đường dẫn bên Đăk Lăk vẫn đang phải chờ chính quyền huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng mới có thể tiếp tục thi công. Do đó, cầu sẽ vẫn phải chờ đường chưa biết đến bao giờ.

Trong khi cầu chục tỷ vẫn chỉ để ngắm. Đoạn đường qua Cầu 110 vừa quanh co vừa như nút thắt cổ chai, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Bà Đinh Thị Bích Thảo, thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk cho biết, sở dĩ người dân chưa đồng ý giao đất để là đường vì công tác đền bù chưa thỏa đáng. Bà Thảo dẫn chứng, cùng là vùng có điều kiện kinh tế xã hội như nhau, chỉ là ở bên đầu cầu nhưng ở bên tỉnh Gia Lai hơn 20 hộ dân được đền bù hơn 4 tỷ đồng. Trong khi đó, ở đầu cầu phía Đăk Lăk, cũng chừng ấy hộ dân và có diện tích giải tỏa như nhau, chỉ được đền bù khoảng 125 triệu đồng, ít hơn đến hơn 32 lần.

“Chúng tôi sẵn sàng di dời nhà cửa, ruộng vườn để làm đường. Nhưng đền bù phải thỏa đáng, minh bạch, công bằng. Giải tỏa, đền bù mà chênh nhau đến mấy chục lần thì làm sao chúng tôi chấp nhận được. ”- bà Đinh Thị Bích Thảo nói.

Những nghiêm khắc bằng miệng, quyết liệt trên giấy của Bộ GTVT rõ ràng không đủ sức lay động sự trì trệ ở các dự án.

Nghiêm khắc bằng miệng, quyết liệt qua giấy

Liên quan đến những dự án phụ trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã không ít lần phê bình tiến độ chậm, đốc thúc các đơn vị thực hiện các dự án.

Cụ thể, ngày 21/8/2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc tại tỉnh Gia Lai và phê bình nghiêm khắc Ban quản lý dự án 6 vì sự chậm trễ trong thực hiện tuyến tránh qua Chư Sê. Ông khẳng định, nếu Ban 6 còn tiếp tục chậm trễ, ông sẽ giao dự án cho tỉnh thực hiện. “Đơn giản thôi, anh làm chậm thì tôi giao cho đơn vị khác, giao cho địa phương. Địa phương họ cũng quản lý, thực hiện được. Nói như vậy là để cho các anh thấy là phải tập trung cao độ để kết thúc tuyến tránh Chư Sê.”- Bộ trưởng quyết liệt với thuộc cấp.

Về dự án cầu 110 nối hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng ở đây đang tồn tại điều “rất vô lý”. Ông phân tích: so với cầu thì chi phí làm đường dẫn rất ít, cần làm trước. Nhưng các bên liên quan đã không tích cực phối hợp để giải phóng mặt bằng, làm đường dẫn. Từ đó, dẫn đến việc cầu chờ đường một cách vô lý. Các dự án phụ đơn giản, lại dây dưa, tốn thời gian hơn dự án chính.

Đến thời điểm này, sự nghiêm khắc, quyết liệt, cũng vẫn chỉ xuất hiện trong lời nói của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải. Còn các dự án cầu và đường tránh, sau 4 năm triển khai vẫn trong tình trạng rất trì trệ.

Ngay sau sự cố gây sụt đoạn tránh Chư Sê, Bộ GTVT nhìn nhận sự cố này làm ảnh hưởng uy tín của ngành. Sau đó, Bộ trưởng Thể làm việc với Ban quản lý Dự án 6 và yêu cầu có giải pháp xử lý mạnh tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp khi để xảy ra sự cố về chất lượng tuyến tránh Chư Sê. Việc xử lý này có thể được hiểu là cách Bộ GTVT lấy lại uy tín ngành.

Thế nhưng kết quả lại không phải như vậy, uy tín của ngành hiện mới chỉ được lấy lại bằng cách rất nhẹ nhàng là: yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể” đối với các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát; yêu cầu Ban quản lý dự án 6 tự phân định trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.

Những nghiêm khắc bằng miệng, quyết liệt trên giấy của Bộ GTVT rõ ràng không đủ sức lay động sự trì trệ ở các dự án.

Cầu chục tỷ làm xong đã lâu, vẫn cô đơn chờ đường; đường tránh trăm tỷ sụt lún đến khó tin, nay đang trở thành một điểm checkin cho du khách. Để họ đến, chụp ảnh và trầm trồ không hiểu có gì đang xảy ra ở Bộ GTVT và các ban quản lý dự án thuộc bộ này./.

Theo vovgiaothong.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận