Giữ hồn dân tộc trong những nếp nhà sàn

  • 30/10/2019 12:00:00
  • Chang Hằng - Túc Phương
  • Xã hội
  • 0

Nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày ở huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) là nét đẹp văn hóa mang đặc trưng riêng của vùng miền núi.

 

Nhà sàn Homestay Hoàng Việt ở thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang)Một nếp nhà sàn truyền thông của dân tộc Tày ở huyện Lâm BìnhĐến xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, ta có thể quan sát được những ngôi nhà sàn cổ còn nguyên vẹn với kiến trúc đặc trưng mà phong tục, tập quán người Tày đã in sâu vào từng chiếc cột nhà qua những họa tiết, cách thiết kế và đặc biệt là sự hòa hợp với thiên nhiên.
Điều quan trọng nhất để dựng được một ngôi nhà của người Tày ở đây là phải chu đáo, cẩn thận khi chọn đất và hướng phù hợp với tuổi của chủ nhà, nó sẽ mang lại nhiều sự may mắn cho gia đình. Để được như vậy, chủ nhà cần mời thầy cúng đến để giúp xem xét, chọn vị trí.
Người Tày ở Thượng Lâm quan niệm, ngôi nhà sàn đẹp thường là ngôi nhà lưng quay về núi, mặt hướng ra đồng ruộng. Sự cao ráo của sàn cũng giúp không khí được lưu thông, thoáng mát, khi mưa sẽ không ẩm ướt vào mùa hè, và tránh được giá lạnh mùa đông. 
Để dựng được một ngôi nhà sàn theo ý muốn, việc chuẩn bị nguyên vật liệu thường kéo dài vài tháng hoặc tới 1 - 2 năm. Người ta phải vào rừng sâu, lên núi cao để kiếm tìm loại gỗ. Hầu hết nhà sàn của người Tày ở xã Thượng Lâm đều được làm rất rộng từ những loại gỗ quý có giá trị cao trên thị trường như: Đinh, lim, sến, táu (4 loại gỗ tứ thiết của Việt Nam). Ngoài ra, còn dùng tre, nứa, lá cọ để làm mái, sàn nhà...

Ông Nông Văn Pảo ở thôn Nà Đông, xã Thượng LâmBước vào ngôi nhà sàn của người Tày, ta bắt gặp đầu tiên là chiếc cầu thang (tháng đuây) được đặt ở ngay đầu hồi bên trái. Cầu thang lên nhà được làm bằng gỗ rộng khoảng 20 - 25cm, dài khoảng 110 - 140cm (tùy theo kích cỡ ngôi nhà). Mặc dù là bộ phận phụ nhưng chiếc cầu thang lại rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày và mang yếu tố tâm linh của dân tộc Tày. Nói về điều này, ông Nông Văn Pảo ở thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình cho biết: “Cầu thang là vật nối liền đất với sàn nhà nên người Tày quan niệm đó là chiếc cầu nối giữa âm và dương. Bậc thang lên xuống bao giờ cũng là số lẻ. Người Tày ở xã Thượng Lâm thường làm 9 bậc tượng trưng cho 9 vía của con người với quan niệm làm bậc thang là số lẻ thì gia đình sẽ làm ăn tấn tới, thuận lợi và gặp may mắn”.

Homestay Hoàng ViệtNhà sàn truyền thống “Phối cảnh điển hình của homestay”Đi qua cầu thang là đến cửa chính vào nhà. Điểm đặc biệt ở nhà sàn người Tày xã Thượng Lâm là thường có đôi câu đối bằng chữ Nho ở hai bên cửa, hoặc khắc các họa tiết hình rồng phượng, hình ảnh sinh hoạt đời thường với quan niệm sẽ đem lại sự may mắn, thành công cho gia chủ. Nhà sàn lớn và thường có 5 gian, mỗi gian có một chức năng riêng biệt. Gian đầu là nơi chủ nhà tiếp khách; gian giữa để thờ cúng tổ tiên phù hộ cho gia đình được ấm no, hạnh phúc viên mãn; gian thứ tư thường là gian bếp chính có nhiệm vụ làm sáng cho ngôi nhà vì phần mái thường lợp sát với cửa sổ nên bên trong căn nhà rất tối; các gian phụ để giường ngủ, sinh hoạt, để thóc lúa... Gầm sàn là nơi để các dụng cụ lao động, như cuốc xẻng, dao… Nhà sàn có nhiều cột gỗ (gồm 8 cột chính và 16 cột quân), cột được chôn sâu xuống đất hay được kê bằng đá tảng.

Những cây cột nhà sàn của đồng bào dân tộc thường được làm từ những loại gỗ quýMột số vật dụng trưng bày ở nhà sànTheo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, nhà sàn truyền thống ở Lâm Bình hiện vẫn còn khá nhiều, tập trung chủ yếu ở các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình, Phúc Yên. Đó là những xã có đồng bào dân tộc Tày sinh sống và cấu trúc của nhà sàn rất rộng và đẹp. Nhiều nếp nhà tuy có tu sửa lại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Huyện đang tìm kiếm những giải pháp để bảo tồn bản sắc và kiến trúc cổ của những nếp nhà sàn truyền thống này; tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển du lịch cộng đồng homestay nhưng vẫn giữ nét đẹp truyền thống của người dân tộc Tày./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận