Nan giải bài toán an ninh nguồn nước

Sự cố nước nhiễm dầu đang gây khốn đốn cho hàng vạn hộ dân Hà Nội là lời cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

 

Vậy đâu là lời giải cho an ninh, an toàn nguồn nước?

 Lỗ hổng trong quản lý - mối nguy lớn

Trong năm 2019, liên tục xảy ra các sự cố mất an toàn nước ở các đô thị lớn. Tháng 8/2019, nguồn nước thô của Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An bị ảnh hưởng do nước đục, khiến nhiều phường thuộc TP. Vinh bị thiếu nước nhiều ngày.

Cũng trong tháng này, nguồn nước thô của Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng bị ảnh hưởng do nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn, khiến hàng trăm hộ dân của quận Sơn Trà thiếu nước sạch. Và mới đây nhất là tháng 10, nguồn nước sông Đà ô nhiễm khiến hàng vạn hộ dân nhiều quận của Hà Nội thiếu nước sạch trầm trọng.

Đáng nói là cách xử lý sự cố chậm chạp, thiếu chuyên nghiệp của cơ quan cấp nước cũng như sự thiếu minh bạch của các cơ quan quản lý khiến cho người dân càng hoang mang. Kinh doanh nước sạch là lĩnh vực đặc thù phải đặt nền tảng đạo đức lên trên hết, không thể vì lợi nhuận mà coi thường sức khoẻ của nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: Các quy chế, chính sách, quy định liên quan đến bảo vệ nguồn nước của ta đã có đủ hết.

Ví dụ, trong Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ việc bảo vệ nguồn nước để cung cấp nước sinh hoạt, hay trong Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025 cũng có nêu những nội dung có liên quan đến bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm.

Không chỉ quy chế, chính sách đã có, mà còn phân công rõ trách nhiệm cơ quan cấp TW, địa phương và đơn vị cấp nước. Nhưng điều quan trọng mỗi cơ quan cấp nước đều phải xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn và cũng có một số đơn vị xây dựng rồi nhiều khi mới chỉ ở trên giấy và chưa đi vào cuộc sống nên khi có sự cố xảy ra xử lý rất chậm.

An ninh nguồn nước cho người dân Thủ đô là một vấn đề lớn và rất quan trọng.                  Ảnh: KT.

TS. Lê Đình Tri, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng), thẳng thắn chỉ ra: “Thực tế, bài toán về khai thác, bảo vệ, sử dụng nguồn thủy sinh (nước cho sinh hoạt của con người) đã được Chính phủ Việt Nam cho nghiên cứu hoàn thiện, quy hoạch quản lý, và quy định về pháp lý cho ngành nước trên dưới 30 năm nay rồi. Tuy nhiên, khi chuyển đổi về quản lý kinh tế theo hướng thị trường làm xáo trộn và biểu hiện ra nhiều bất cập trong thực tế quản lý cấp và thoát nước đô thị. Để xảy ra những tiêu cực và nguy hại vừa rồi mới lộ ra những kẽ hở về quản lý nhà nước”.

Đứt gãy quan hệ vùng trong bảo vệ nguồn nước

Nhiều chuyên gia cho rằng, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn của các đô thị, bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng: Đây là lời cảnh báo cho nguồn nước mặt cung cấp cho dân cư, bởi vì những nguồn nước mặt cung ứng cho đô thị lớn không phải lấy từ trên địa bàn thành phố mà phần lớn lấy từ địa danh khác.

Sự cố nước sông Đà ô nhiễm, bộc lộ nhiều bất cập: Thứ nhất, việc bảo vệ nguồn nước từ đầu nguồn, mối quan hệ giữa các tỉnh, các vùng chưa chặt chẽ; thứ hai dù có sự điều chỉnh, phân chia cho từng khu vực nhưng ở đây liên quan đến cả hệ thống đô thị thì cần phải có quy trình kiểm tra rõ ràng để giảm bớt thiệt hại, bởi khi nguồn nước không đảm bảo vệ sinh thì nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống cấp nước đô thị. Khi xảy ra sự cố nước sông Đà thì nhà máy lại cảnh lại báo chậm, cố tình cho dân sử dụng nước ô nhiễm.

Sự cố này chỉ là một giọt nước tràn ly của hệ thống cung cấp nước trong mối quan hệ vùng. Hệ thống cấp nước có quy hoạch rồi nhưng trách nhiệm xác định chất lượng không phải người làm quy hoạch mà lại là của đơn vị cung ứng là không hợp lý.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cũng cho rằng, hiện nay chúng ta tập trung cấp nước theo ranh giới hành chính và chịu trách nhiệm theo ranh giới hành chính, trong khi đó chúng ta có hệ thống hạ tầng kỹ thuật mang tính vùng. Ví dụ, cung cấp nước cho người dân Hà Nội lại từ nguồn nước của tỉnh Hòa Bình. Hiện trong pháp luật đang hổng ở chỗ: khi có sự cố xảy ra đối với những hạ tầng kỹ thuật mang tính chất liên vùng, đặc biệt như cấp nước thì ai là người chịu trách nhiệm? Và ai là đầu mối để chỉ đạo hoạt động này?

Phân rõ trách nhiệm, có chế tài xử phạt nặng

Để tránh những lỗ hổng trong quản lý nhằm đảm bảo an toàn, anh ninh nguồn nước, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, dù Nhà nước không quản lý nhưng cần phân công và phân cấp quản lý rõ trách nhiệm và trên cơ sở đó sẽ xử lý nếu có sai phạm.

Hiện nay việc phân công phân cấp trách nhiệm, quyền hạn trong đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước vẫn chưa đồng bộ và chưa rõ ràng. Ví dụ, hồ thủy điện xả nước xuống thế nào đã có quy định nhưng trách nhiệm chất lượng nước ra sao lại không phải từ nơi cung cấp nguồn nước.

Theo TS. Lê Đình Tri, cần xây dựng những giải pháp lâu dài căn bản cho vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước hiện nay. Theo ông Tri, sẽ có 7 giải pháp cần thực hiện: Một là, đánh giá trữ lượng và dự báo nhu cầu cho mỗi thành phố, đô thị. Hiện nước ta có 828 đô thị lớn nhỏ từ đô thị đặc biệt đến loại V.

Hai là, kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm, vì nó gây lún đất, ngập úng...

Ba là, lập hệ thống giám sát bằng công nghệ số và hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho ngành nước.

Bốn là, xây dựng hệ thống xử lý để tái sử dụng nước thải cho nhu cầu dùng nước khác nước sinh hoạt, nhằm tiết kiệm và bảo đảm môi trường bền vững.

Năm là, tách nước mưa với nước thải, và dự trữ khối tích lớn bằng hệ thống bể ngầm khổng lồ hàng vạn m3 chứa nước mưa.

Sáu là, bỏ độc quyền, cũng như loại thỏa thuận ngầm của các nhà đầu tư về giá, về tỷ lệ khấu hao tổn thất trên đường ống dẫn.

Bảy là, đặt ra chế tài mới xử phạt nặng về vi phạm quy trình lọc, kiểm soát chất lượng nước, hoặc bỏ qua nhiều khâu xử lý nước nguồn ra nước sạch...

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: An ninh nguồn nước cho người dân Thủ đô là một vấn đề lớn và cực kỳ quan trọng, nhưng qua vụ việc này cho thấy, các cơ quan liên quan lại phối hợp chưa chặt chẽ. Về vấn đề quản lý an toàn nước đầu nguồn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Hòa Bình phải làm rõ trách nhiệm quản lý an toàn nguồn nước sông Đà...
 

 TS. Tô Văn Trường, Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam:

 “Dự đoán đến năm 2025, lượng nước cho đầu người ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3.100m3, thuộc mức dưới trung bình của thế giới. Để bảo đảm an ninh nguồn nước, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến chiến lược phát triển tài nguyên nước theo nguyên lý quản lý lưu vực sông từ công tác khảo sát, đánh giá, giám sát cả về số lượng và chất lượng nước xuyên biên giới để có kế hoạch chủ động ứng phó trong bài toán tổng thể về an ninh nguồn nước”.

TS. Lê Đình Tri, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc:

“Tư nhân hoá các khu vực kinh tế là cần thiết, đúng hướng nhưng buông lỏng quản lý trong kinh doanh nước sạch, một lĩnh vực đặc thù thì mức độ nguy hại càng cao khi chủ đầu tư và nhà cung cấp đều đứng về một phía, thậm chí là chỉ một đại diện. Vì “vừa là đá bóng, vừa thổi còi” thì thiệt hại luôn thuộc về người dân, người dùng. Hơn nữa, các chủ bán nước sinh hoạt cho thành phố lại có quyền lợi và khu vực hưởng lợi riêng. Chưa bao giờ minh bạch...(!)”.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh:

“Qua sự cố nước sông Đà, các cơ quan, ban, ngành chấp hành Luật Bảo vệ môi trường chưa thấu đáo, nhận thức về sự cố môi trường không đến nơi đến chốn cho nên sự phối kết hợp từ Trung ương đến địa phương và giữa các tỉnh có lưu vực sông là Hà Nội và Hòa Bình lỏng lẻo. Cuối cùng là người dân phải gánh chịu sự bất an”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận