Chính phủ điện tử: Thông tin cá nhân có bị biến thành 'món hàng'?

Cùng với việc đẩy mạnh số hóa, xây dựng chính phủ điện tử, thông tin cá nhân của người dân liệu có biến thành 'món hàng' giá hời?

 

Như đã phản ánh ở bài trước về Vấn nạn mua bán thông tin cá nhân, việc mua bán thông tin cá nhân tại Việt Nam hiện nay tuy ở ngách nhỏ nhưng lại vô cùng nhộn nhịp. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “data khách hàng”, trong 0,52 giây cho tới hơn 44,4 triệu kết quả.

Khi truy cập vào các trang này sẽ được tiếp cận với một số thông tin cụ thể theo từng gói để khách hàng có thể tự kiểm tra. Sau khi thấy ổn, người mua có thể mua gói đầy đủ dữ liệu khách hàng phân rõ từng vùng miền, khu vực, danh sách khách hàng VIP tiềm năng… cập nhật mới nhất. Mức độ chi tiết kèm theo đánh giá, phân loại từng nhóm khách hàng tùy thuộc theo giá tiền tương ứng.

Mua bán thông tin cá nhân tại Việt Nam hiện nay tuy ở ngách nhỏ nhưng lại vô cùng nhộn nhịp. (Ảnh minh họa: KT).

Luật có đủ nhưng thực thi hạn chế

Theo khoản 5 điều 7 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, việc “thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân” là hành vi bị cấm.

Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác...

Do đó, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về xử phạt vi phạm hành chính: Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt với các hành vi vi phạm về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin như sau: Phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo pháp luật; phạt tiền 50-70 triệu đồng với việc mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi mua bán trái phép thông tin cá nhân có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 288 Bộ luật hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó, người phạm tội có thể bị xử phạt từ 30 triệu đến một tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm.

Tuy quy định pháp luật về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, thông tin cá nhân đã có đầy đủ nhưng việc thực thi những quy định này vẫn là điều “nói mãi cũng nhàm”.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang & Cộng sự cho biết, việc xâm phạm quyền riêng tư tại Việt Nam hiện nay rất phổ biến và nghiêm trọng. Việc xâm phạm quyền riêng tư không chỉ xảy ra trên không gian mạng mà còn cả trên mọi phương tiện của đời sống.

“Ranh giới giữa các hoạt động thương mại và bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng tại Việt Nam hiện khá mờ nhạt. Người dân chưa thực sự thức tỉnh nhận thức về quyền của mình để họ có thể tự bảo vệ. Các cơ quan chức năng hầu như cũng chưa có quan tâm thực sự ráo riết về vấn đề này để xử lý”, ông Lập chỉ rõ.

Rò rỉ thông tin cá nhân không chỉ dừng lại ở việc gây phiền hà, mà nhiều vụ rò rỉ thông tin gây ra thiệt hại rõ ràng về tiền bạc, sức khỏe của người dân xảy ra trong thời gian vừa qua. Cụ thể là nhiều vụ “tự dưng” mất tiền trong tài khoản và dĩ nhiên người dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt; Hay lừa đảo qua điện thoại khiến nạn nhân gửi số tiền lớn qua tài khoản của đối tượng…

Chính phủ đã đưa lộ trình xây dựng chính phủ điện tử từ nay đến năm 2025 hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo đó, tất cả các dữ liệu sẽ được chuyển sang dạng số hóa, đưa vào bộ dữ liệu chung của thành phố, khu vực… Điều này cũng đặt ra nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, nếu không có đủ chế tài nghiêm ngặt.

Theo ông Nathaniel Jurist Gleicher, chuyên gia an ninh mạng, chính sách về an ninh mạng cần rõ ràng, có mục tiêu và yêu cầu thực hiện cụ thể. Trong đó, để quản lý rủi ro an ninh mạng, một trong những điều kiện quan trọng nhất là kiểm soát nghiêm hành vi người dùng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chuyên gia về chính sách công và lập pháp cho rằng, bảo mật dữ liệu cá nhân chính là nền tảng của chuyển đổi số, kinh tế số. Tuy nhiên, việc này không thể dựa hoàn toàn vào chính sách hay cơ quan quản lý nhà nước.

“Trong xu thế hội nhập thế giới hiện nay, Việt Nam muốn phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển trở thành doanh nghiệp lớn chứ không chỉ là doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp siêu nhỏ thì việc thay đổi nhận thức, tăng cường bảo mật dữ liệu thông tin khách hàng là điều bắt buộc”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh./.

Theo vov.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận